Trung tâm đặt tại Việt Nam
Theo Reuters, trạm mặt đất đầu tiên tại Việt Nam có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào tháng 5 hoặc tháng 6 tại thành phố Đà Nẵng và có thể là một phần của mạng lưới lên tới 15 trạm trên cả nước.
Đây là động thái báo hiệu sự ra mắt công ty của Elon Musk tại Việt Nam bởi vì để Starlink có thể hoạt động tại nước ta buộc công ty của Elon Musk phải thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam.
Kế hoạch này sẽ biến Việt Nam thành nơi đặt một trong những mạng lưới Starlink lớn nhất trong khu vực.
Hiện dịch vụ Internet Starlink hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng không tiết lộ có bao nhiêu trạm mặt đất.
Lưu ý rằng, không phải tất cả các quốc gia đều có trạm mặt đất - đây là những trạm trung chuyển kết nối vệ tinh và chuyển tiếp dữ liệu tới người dùng.
Starlink Installation Pros, một công ty chuyên lắp đặt dịch vụ Starlink cho biết, Starlink có khoảng 150 trạm mặt đất trên toàn cầu, gần một nửa trong số đó ở Hoa Kỳ.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ vào ngày 1/4, ông Nguyễn Thành Chung - Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, phía Starlink đang chuẩn bị các hồ sơ để làm thủ tục xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Trước đó, theo Quyết định 659 ngày 23/3 của Thủ tướng Chính phủ, tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỷ phú Elon Musk đã được cấp phép thí điểm có kiểm soát để triển khai dịch vụ Internet qua vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Việc triển khai Starlink tại Việt Nam sẽ giúp người dùng tại những khu vực vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận mạng Internet tốc độ cao (Ảnh minh họa: TS).
SpaceX thực hiện thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ loại hình mạng viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam, nhưng vẫn tuân theo nguyên tắc đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Việt Nam có tiềm năng thị trường rất lớn đối với Starlink
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ (công ty có trụ sở tại Pháp) đánh giá: "Việt Nam có tiềm năng thị trường rất lớn đối với Starlink. Với dân số hơn 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và chính sách thúc đẩy số hóa của chính phủ, nhu cầu về Internet tốc độ cao, ổn định ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các khu vực chưa được phủ sóng đầy đủ".
"Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu Đông Nam Á về dịch vụ số và mức độ tham gia trực tuyến. Starlink có lợi thế lớn tại vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, nơi việc triển khai cáp quang tốn kém và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, với đường bờ biển dài, nhiều tàu đánh cá và hải đảo, Việt Nam có nhu cầu chiến lược cao đối với kết nối vệ tinh", vị chuyên gia đánh giá.
Theo đó, Internet Starlink có thể cung cấp hạ tầng số quan trọng cho các khu vực khó tiếp cận, hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu.
Trong giáo dục, công nghệ này sẽ giúp học sinh tại những vùng khó khăn tiếp cận với các nền tảng học trực tuyến, tham gia lớp học ảo và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục toàn cầu mà trước đây họ chưa từng có cơ hội tiếp cận.
Trong lĩnh vực y tế, Starlink có thể kết nối các trạm y tế từ xa với bệnh viện trung ương, hỗ trợ hiệu quả việc khám chữa bệnh từ xa, chẩn đoán bệnh chính xác hơn và điều phối cấp cứu kịp thời.

Chảo thu Starlink có thể lắp đặt trên tàu biển để sử dụng Internet ngay giữa đại dương (Ảnh: FreeThink).
Đối với kinh tế biển, hệ thống Internet vệ tinh mang đến sự hỗ trợ thiết yếu cho tàu đánh cá và các hoạt động ngoài khơi, giúp duy trì liên lạc, đảm bảo an toàn cho thuyền viên, tối ưu hóa việc quản lý logistics và tiếp cận thị trường.
Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, Starlink cung cấp kết nối băng thông rộng với độ trễ thấp và khả năng mã hóa cao, hỗ trợ vận hành tại các căn cứ quân sự, tăng cường an ninh biên giới và nâng cao hiệu quả ứng phó khẩn cấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở vùng xa, cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ công nghệ này. Nhờ vào kết nối ổn định, họ có thể kết nối với nền tảng thương mại điện tử, sử dụng công cụ điện toán đám mây và tiếp cận thị trường quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Những lợi ích của Starlink đã được minh chứng qua nhiều tình huống thực tế trên thế giới, với các tác động rõ rệt trong những bối cảnh khác nhau.
Giải pháp hiệu quả trong thiên tai hoặc sự cố mạng
Internet vệ tinh như Starlink có thể đóng vai trò bổ trợ quan trọng cho hạ tầng viễn thông hiện có, giúp mở rộng khả năng kết nối trên phạm vi rộng hơn và đảm bảo tính liên tục của dịch vụ.
Trước hết, Starlink có thể trở thành một giải pháp dự phòng hiệu quả trong các tình huống thiên tai hoặc sự cố mạng, khi hệ thống cáp quang và mạng di động bị ảnh hưởng. Việc duy trì kết nối trong những thời điểm khẩn cấp là yếu tố then chốt để đảm bảo thông tin liên lạc, cứu hộ và ứng phó kịp thời.
Bên cạnh đó, Internet vệ tinh giúp mở rộng vùng phủ sóng đến những khu vực mà mạng di động hoặc cáp quang không khả thi về mặt kinh tế.
Ngoài ra, trong trường hợp quá trình xây dựng hạ tầng viễn thông gặp chậm trễ, Starlink có thể đóng vai trò là một giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả, giúp triển khai kết nối nhanh chóng mà không phụ thuộc vào tiến độ hoàn thiện của các dự án hạ tầng truyền thống.

Starlink đã từng được triển khai tại Nam Cực để phục vụ các nhà nghiên cứu (Ảnh: X).
Đặc biệt, Starlink còn có thể hỗ trợ truyền dữ liệu cho mạng di động tại các khu vực nông thôn, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ di động băng rộng. Nhờ đó, người dân ở các khu vực xa trung tâm vẫn có thể tận hưởng kết nối ổn định, phục vụ cho công việc, học tập và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống số hóa ngày nay.
Theo vị chuyên gia này, Starlink có thể trở thành động lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Bằng cách mang lại kết nối ổn định cho mọi khu vực trên cả nước, Starlink đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong lộ trình số hóa của Việt Nam.
Dịch vụ này hỗ trợ mở rộng các lĩnh vực then chốt như chính phủ số, giáo dục trực tuyến, y tế từ xa, tài chính công nghệ (fintech) và nông nghiệp thông minh là những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số.
Cùng với đó, việc mở rộng kết nối Internet vệ tinh có thể mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và khởi nghiệp tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp họ dễ dàng tham gia vào thương mại điện tử toàn cầu.
Nhờ kết nối ổn định, Internet vệ tinh còn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam tham gia vào thị trường lao động số và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các đối tác quốc tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thông minh, sự hiện diện của Internet vệ tinh sẽ giúp các hệ thống IoT trong nông nghiệp, logistics và sản xuất có thể hoạt động hiệu quả hơn với kết nối nhất quán.
Đối với ngành du lịch, đặc biệt tại các khu nghỉ dưỡng trên các hòn đảo xa, việc có một hệ thống Internet mạnh mẽ sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách quốc tế.
Lợi ích của Internet vệ tinh tại một số quốc gia
Tại Ukraine, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022, SpaceX đã cung cấp hàng nghìn bộ thu Starlink để đảm bảo duy trì kết nối.
Hệ thống này đã hỗ trợ đáng kể trong việc duy trì liên lạc quân sự, điều phối hoạt động nhân đạo và cung cấp Internet cho các khu vực bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh hạ tầng viễn thông truyền thống bị gián đoạn nghiêm trọng.

Starlink giúp hỗ trợ kết nối ổn định trong cuộc xung đột tại Ukraine (Ảnh: Defense Express).
Tại Chile, Starlink đã giúp thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục bằng cách triển khai kết nối Internet tại các trường học ở Caleta Sierra và Sotomó - những khu vực trước đây chưa từng có Internet.
Nhờ đó, học sinh và giáo viên tại đây có thể tiếp cận các công cụ giáo dục số, mở ra cơ hội học tập và phát triển mới.
Tại Philippines, chính phủ nước này đã phê duyệt Starlink để cung cấp Internet cho các khu vực chưa được phục vụ, đặc biệt là trên các đảo xa.
Điều này không chỉ cải thiện kết nối cho cộng đồng địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, vận hành hàng hải, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và hỗ trợ quy trình bầu cử.
Đảm bảo kết nối nhờ kết hợp với cáp quang, 4G/5G
Mặc dù thời tiết có thể tác động đến tín hiệu vệ tinh, nhưng hệ thống đã được thiết kế với nhiều biện pháp giảm thiểu để đảm bảo kết nối.
Trước hết, mạng lưới vệ tinh dày đặc giúp duy trì tín hiệu liền mạch ngay cả khi một số vệ tinh bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị thu phát sử dụng công nghệ ăng-ten mảng pha thông minh, có khả năng theo dõi và điều chỉnh kết nối theo thời gian thực.
Ngoài ra, giải pháp kết hợp giữa vệ tinh và các công nghệ khác như cáp quang hoặc mạng di động 4G/5G dự phòng cũng có thể được áp dụng để đảm bảo dịch vụ luôn sẵn sàng.
Các nâng cấp phần cứng cũng cần liên tục được triển khai, kết hợp với việc tối ưu hóa mạng bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ học máy để cải thiện hiệu suất.
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/spacex-dat-trung-tam-starlink-tai-viet-nam-khong-phai-nuoc-nao-cung-co-20250403030119545.htm
Bình luận (0)