“Nhất nước, nhì phân”
Tại xã An Cơ, huyện Châu Thành, những năm qua, nhờ hệ thống kênh dẫn nước tưới thuận lợi cho sản xuất đã giúp bà con nơi đây có cuộc sống tương đối ổn định. Anh Ngô Văn Dũng và anh Lại Văn Phương hiện đang quản lý các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn của ấp An Thọ với diện tích tưới tiêu cho hơn 400 ha.
“Đất ở đây bà con chủ yếu trồng mì và cao su. Cây khoai mì tưới khoảng 10 ngày/lần, trong 3-4 tháng, khi nào mưa xuống mới hết tưới. Còn cao su, mùa nắng cũng phải đưa nước vào thả khắp nơi cho mát, cây mới phát triển tốt. Nông dân có câu “Nhất nước, nhì phân” mà, không có nước là không trồng tỉa gì được đâu”- anh Lại Văn Phương nói.
Theo ông Trần Thanh Tân- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Năng, những năm chưa có hệ thống thuỷ lợi, vùng này khô khan, thiếu nước. Để có nước sản xuất, người dân phải đào giếng tưới. Lúc đó nông dân chỉ làm một vụ lúa mùa rồi nghỉ vài tháng mới tiếp tục sản xuất. Vì vậy, hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng từ khi có hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Người dân làm thêm hệ thống ống dẫn là có thể đưa nước về ruộng để sản xuất, chi phí rẻ hơn đào giếng. Nước kênh cũng có liên tục không phải lo mùa khô hạn, nước ngầm bị ngắt mạch. Đến giờ, người dân có thể trồng nhiều vụ liên tiếp vì có đủ nước sử dụng. Đơn cử như hiện nay, nhiều hộ dân có thể dùng nước kênh tưới cao su để tăng thời gian thu hoạch.
Ông Lại Quốc Việt, 69 tuổi, ngụ ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng là một nông dân làm ruộng lâu năm. Hiện ông đang sản xuất 2 ha lúa khu vực ven kênh T511. Ông Việt làm nông từ sau khi giải phóng nên thấy rõ sự thay đổi từ khi có hệ thống thuỷ lợi tại địa phương.
Trước đó, ông chỉ làm một vụ lúa mỗi năm nhưng sau khi có hệ thống thuỷ lợi đưa nước từ hồ Dầu Tiếng về, ông Việt có thể làm 2-3 vụ lúa mỗi năm, nâng cao năng suất. Hiện nay, hệ thống kênh đã được bê tông hoá nên việc dẫn nước thuận lợi, người dân xài nước thoải mái mà không tốn thêm chi phí nào. Theo ông Việt, việc bảo đảm nước tưới đã góp phần làm thay đổi nhiều về quá trình sản xuất cũng như đời sống nông dân.
Đưa nước vượt sông Vàm
Dự án đưa nước vượt sông Vàm Cỏ của tỉnh Tây Ninh là một công trình thuỷ lợi quan trọng nhằm đưa nước từ hồ Dầu Tiếng phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng phía Tây của tỉnh với gần 17.000 ha đất nông nghiệp của hai huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu.
Khởi công từ năm 2018, đến nay công trình đang bước vào giai đoạn 2. Với tầm nhìn dài hạn và hiệu quả thiết thực, dự án thuỷ lợi vượt sông Vàm Cỏ Đông đang góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh.
Theo anh Lê Minh Hải- Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước, huyện Bến Cầu, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Cây trồng chính là mì, mía, hoa màu.
“Hơn 10 năm trước, vùng này chỉ làm lúa 1 vụ do không có nước. Muốn khoan giếng phải sâu 40-50m, nhưng không phải nơi nào cũng có nước đủ để phục vụ nông nghiệp. Mùa nắng, có khi giếng trơ đáy. Do đó, đời sống của nông dân gặp nhiều trở ngại”, anh Hải nói.
Trước khó khăn của người dân, năm 2014, xã Long Phước được đầu tư 1 trạm bơm Long Phước A với công suất phục vụ tưới cho 500 ha đất. Tuy nhiên, trạm bơm thường không ổn định, sức máy không đủ đẩy nước đi xa; chi phí lớn.
Ông Dương Thành Mỹ- nông dân ở xã Long Phước cho biết, vùng đất này ngày xưa làm nông vất vả vô cùng. “Mùa mưa ngập như bưng nên mỗi năm làm được một vụ lúa, mà có khi đặng, khi thất. Vì nước lên cao quá, lúa cũng không sống nổi.
Rồi Nhà nước đầu tư cho con kênh chìm (kênh tiêu), nước thoát đi được nên vụ lúa có phần chắc ăn hơn, nhưng vẫn làm được 1 vụ/năm. Mùa nắng không trồng tỉa được gì nhiêu. Đất ở đây không có thuỷ lợi là thành đồng hoang hết”, ông Mỹ nói.
Đưa chúng tôi đến thăm con kênh đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ đang thi công, ông Dương Thành Mỹ luôn miệng mừng vui khi Nhà nước cho đầu tư con kênh đi qua các cánh đồng xã Long Phước, huyện Bến Cầu.
Ông Mỹ cho biết, ông có 7 ha đất trồng mì và lúa. Những năm qua, dù có nước từ trạm bơm Long Phước A, nhưng cũng có những đám ruộng nước xa, việc lấy nước khó khăn, ông chỉ trông chờ vào nước mưa. Bây giờ, có kênh đưa nước hồ Dầu Tiếng về, không chỉ dân Long Phước được lợi, mà cả các xã cánh Tây sông Vàm Cỏ Đông này đều được nhờ.
“Kênh còn đang thi công, mới bê tông hoá xong 1 đoạn thôi nên nước chưa phục vụ tưới hoàn toàn, nhưng mỗi ngày đi làm ngang qua, thấy nước về, thấy kênh được làm sạch, đẹp tôi mừng lắm. Có con kênh này phải nói là tuyệt vời. Những năm sau này, nông dân xứ này đỡ cực rồi”, ông Mỹ chia sẻ.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp nước phát triển kinh tế, hồ Dầu Tiếng với cảnh quan thiên nhiên phong phú còn có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Với định hướng phát triển du lịch “Tây Ninh xanh”, hồ Dầu Tiếng là một điểm đến lý tưởng cho những ai tìm kiếm không gian gần gũi thiên nhiên.
Đây cũng là điều mà nhiều năm nay, tỉnh đã có định hướng trong phát triển Dự án bảo vệ phát triển rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đảo Nhím – hồ Dầu Tiếng phù hợp với định hướng phát triển du lịch theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn 40 năm hình thành và phát triển, hồ Dầu Tiếng đã khẳng định vai trò thiết yếu trong việc điều tiết nguồn nước, phát triển nông nghiệp và đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ. Với người dân Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng không chỉ là nguồn sống, mà còn là dấu ấn lịch sử, là niềm tự hào được hun đúc qua từng thế hệ.
Vi Xuân – Khải Tường
Nguồn: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-xanh-ngot-nuoc-long-ho-a189992.html
Bình luận (0)