Động lực tăng trưởng từ sức mạnh nội tại
Nhiều năm trước đây, câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam thường gắn liền với các chỉ số về xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư Dragon Capital, hiện nay, những yếu tố bên ngoài chỉ đóng vai trò cân bằng vĩ mô, không còn là động lực chính yếu trong tăng trưởng bền vững.
Hơn nữa, vai trò của khu vực FDI cũng cần được đánh giá lại một cách khách quan. Với việc chỉ sử dụng 8% (khoảng 4,5 triệu người trên tổng số 55-58 triệu lao động) lực lượng lao động toàn quốc, khu vực này rõ ràng chưa thể là động lực chính cho tăng trưởng.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, chiến lược cốt lõi trong 5-10 năm tới là giải phóng và phát huy tối đa tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng nội địa, mới thể hiện đúng chủ trương và tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ đề ra.
Thị trường vốn - Trụ cột phát triển hạ tầng và nội lực kinh tế Việt Nam
Theo chuyên gia của Dragon Capital, để hiện thực hóa “giấc mơ hạ tầng” và đưa nền kinh tế Việt Nam vào chu kỳ tăng trưởng bền vững, thị trường vốn phải đóng vai trò trung tâm. Xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm khu vực hiện đã được Chính phủ đưa vào nhóm ưu tiên chiến lược. Khi thị trường vốn được nâng cấp cả về chiều sâu và chất lượng, dòng tiền sẽ được phân bổ hiệu quả hơn, tạo động lực đẩy nhanh các dự án hạ tầng lớn, đổi mới công nghệ, và đặc biệt là tiếp sức cho khu vực tư nhân mở rộng đầu tư, phát triển quy mô.

Song hành với đó, Chính phủ đang đặt nền móng cho 5 cụm ngành công nghiệp chiến lược kỳ vọng tạo đột phá trong tương lai, bao gồm: Công nghiệp điện tử; Công nghiệp chế tạo; Công nghiệp quốc phòng; Công nghiệp năng lượng; Công nghệ sinh học.

Khu vực tư nhân với những tên tuổi lớn như Hòa Phát, Vingroup, FPT, Techcombank... lần đầu tiên được trao quyền dẫn dắt sứ mệnh kinh tế mang tầm quốc gia, tạo ra các cụm liên kết ngành có sức lan tỏa.
Kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn, linh hoạt tái cơ cấu
Nhờ nhiều chỉ báo tích cực từ nền kinh tế thực, Dragon Capital vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam ở mức 7,5-8%. Các động lực chính bao gồm tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã đạt 9,9%, giải ngân đầu tư công cũng ghi nhận mức cao nhất trong 5 năm, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm.
Diễn biến này không chỉ củng cố kỳ vọng tăng trưởng, mà còn tạo nền tảng để Dragon Capital kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn, bất chấp các biến động ngắn hạn trên thị trường.

Chiến lược đầu tư này đã được minh chứng qua kết quả thực tế của các quỹ do Dragon Capital quản lý. Điển hình là sự bứt phá mạnh mẽ của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS).
Số liệu từ Fmarket cho thấy tính đến ngày 8/7, DCDS ghi nhận hiệu suất đầu tư ấn tượng 51,87% trong vòng 2 năm. Tính trong 3 năm gần nhất, quỹ này tiếp tục giữ vững phong độ đầu bảng với tỷ suất lợi nhuận đạt 57,27%.

Riêng trong năm 2024, DCDS ghi nhận mức tăng trưởng 23,9%, vượt trội hơn 11,8% so với đà tăng của VN-Index. Kết quả này đến từ quyết định phân bổ tài sản thông minh vào các nhóm ngành có sức bật mạnh mẽ như ngân hàng, phần mềm và bán lẻ.
Với lợi nhuận kép trung bình trong 10 năm đạt 14,6%/năm, DCDS không chỉ cho hiệu suất đầu tư hàng đầu suốt một thập kỷ mà còn trở thành lựa chọn số một của 7 trên 10 nhà đầu tư mới tại Dragon Capital. Hiện, quỹ cũng dẫn đầu thị trường về quy mô cộng đồng với hơn 35.000 nhà đầu tư đồng hành.
Một trong những yếu tố làm nên khác biệt của DCDS chính là triết lý đầu tư không thành kiến, bổ sung cho 4 nguyên tắc cốt lõi gồm: nhất quán, kiên định; kịp thời và linh hoạt. Trong đầu tư, việc duy trì tư duy cởi mở, không định kiến sẽ giúp nhà đầu tư nâng cao khả năng thích ứng, biến những thời điểm khủng hoảng của thị trường thành cơ hội vàng để tích lũy tài sản giá trị.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/suc-manh-noi-tai-dong-luc-chinh-tang-truong-ben-vung-cho-kinh-te-viet-nam-20250715201918075.htm
Bình luận (0)