Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sức sống mới ở vùng “lá chắn thép”

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại Thuận Bắc - vùng “lá chắn thép” năm xưa ghi nhận những đổi thay của vùng đất này. Sau 50 năm giải phóng và nhất là gần 20 năm thành lập và đi vào hoạt động (1/10/2005), Thuận Bắc bây giờ đang “thay da, đổi thịt” từng ngày, màu xanh phủ khắp, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Báo Ninh ThuậnBáo Ninh Thuận12/04/2025

Từ trung tâm huyện Thuận Bắc đi đến các xã trên địa bàn ngắm những cánh đồng lúa vàng trĩu bông, những công trình, dự án năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, những ngôi nhà cao tầng, cho thấy đời sống người dân được cải thiện và cảnh quan đô thị, nông thôn khởi sắc từng ngày. Thuận Bắc “tuyến lửa” năm xưa, giờ đây đã “thay da, đổi thịt”. Đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của trung ương, của tỉnh cả về nhân lực và vật lực...; đồng thời, huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển địa phương... nên đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Thuận Bắc hôm nay. Qua mỗi nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đều để lại những dấu ấn sâu sắc, rõ nét, thể hiện tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, vượt khó vươn lên. Đồng thời đã phát huy được trí tuệ tập thể trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, chất lượng dạy và học, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ được nâng lên.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: Phan Bình

Sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc trước đây phụ thuộc nước trời, năng suất lúa 1 vụ/năm chỉ đạt 46,8 tạ/ha/năm, ngày nay, nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như: Hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, đập Kiền Kiền, trạm bơm Ba Tháp và hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 nên đã chủ động nước tưới cho hàng nghìn ha đất canh tác. Khi có nguồn nước tưới ổn định, địa phương đã đẩy mạnh khai hoang phục hóa, thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất; nông dân đã sản xuất 3 vụ/năm, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ, tăng 34% so với trước đó. Nhiều mô hình mới, có hiệu quả được nhân rộng, công tác chuyển đổi mô hình sản xuất được thực hiện đạt hiệu quả, với 385ha cây lúa, vùng gò đồi thiếu nước được chuyển sang cây trồng cạn, cho hiệu quả kinh tế tăng 1,5-2 lần; đặc biệt, một số khu vực chuyển đổi sang trồng cây nha đam, dưa hoàng kim, hiệu quả kinh tế tăng 3 lần so với trước, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tăng trên cả 3 mặt về diện tích, năng suất và giá trị sản xuất. Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi bò, dê, cừu, heo đen, gà bản địa được duy trì và nhân rộng, trở thành ngành quan trọng trong sản xuất nông nghiệp địa phương. Nhờ đó, giá trị sản xuất vùng chủ động nước hiện đạt trên 110 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người từ 2,2 triệu đồng/người năm 2005 hiện lên 62 triệu đồng/người/năm; cơ cấu nông, lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 14,6%.

Một góc trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: Phan Bình

Ông Katơr Vân, thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), cho biết: Tại cánh đồng Nhíp rộng hơn 100ha chuyên sản xuất lúa và hoa màu, trước đây, bà con canh tác chỉ dựa vào nước trời, có năm chỉ canh tác được 1 vụ nhưng năng suất rất thấp, nhiều diện tích phải bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, khiến đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Khi hồ Sông Trâu đưa vào khai thác và được Nhà nước đầu tư xây dựng thêm các tuyến kênh lấy nước từ đầu nguồn đưa trực tiếp xuống đồng ruộng, tạo thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Diện tích lúa không ngừng được mở rộng với 3 vụ/năm, bà con còn thực hiện các mô hình thâm canh, tăng vụ đối với một số cây màu cho năng suất cao. Riêng gia đình tôi có hơn 3 sào lúa, nhờ nguồn nước tưới ổn định, năng suất mỗi vụ đạt khá từ 6-7 tạ/sào, thu nhập tăng lên, gia đình có điều kiện nuôi các con đi học, xây dựng nhà ở, đời sống cải thiện nhiều.

Từ một huyện thuần nông, Thuận Bắc hôm nay đang trở thành vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo của tỉnh. Vận dụng sáng tạo các chính sách của trung ương, của tỉnh, địa phương, đến nay huyện có 8 dự án điện gió, điện mặt, với tổng công suất 857MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Hạ tầng Khu công nghiệp Du Long bước đầu đã thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Năng lượng điện gió được đầu tư trên địa bàn  huyện Thuận Bắc. Ảnh: Văn Nỷ

Một số dự án tại Khu công nghiệp Du Long cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo ra năng lực sản xuất mới như thú nhồi bông, may mặc, giá trị xuất khẩu ước đạt 10 triệu USD/năm; quy mô sản xuất đối với các sản phẩm có lợi thế như thạch rau câu, cát, đá, xi măng, xây dựng và hoạt động tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 21,5%; hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển nhanh, huyện tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa; hạ tầng thương mại, xã hội hóa trong đầu tư phát triển chợ đạt kết quả tích cực, với 4/5 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có chợ xã, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2025 ước đạt 2.536 tỷ đồng, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn. Huyện tích cực phối hợp cùng với sở, ngành của tỉnh kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư hình thành với các dự án du lịch có quy mô lớn.

Công nhân Công ty Hoàng Thành Đô Lương gia công sản phẩm may mặc tại Khu Công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Hệ thống giao thông từ xã đến thôn đều được bê tông, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương giữa các vùng miền; điện lưới quốc gia phủ kín 100%. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục được nâng cao; hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, gia đình chính sách được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, đất sản xuất, thúc đẩy đời sống nâng lên.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc luôn phấn khởi, tự hào về những kết quả đạt được. Với tâm thế đó, tin tưởng rằng Thuận Bắc sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Nguồn: https://baoninhthuan.com.vn/news/152559p1c30/suc-song-moio-vung-la-chan-thep.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm