Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sưu tầm đồng hồ cổ để chiêm nghiệm thời gian

Sưu tầm đồng hồ là một sở thích thú vị và độc đáo. Có rất nhiều cách và mỗi cách sẽ giúp người chơi khám phá, tìm hiểu về thế giới đồng hồ một cách sâu sắc hơn. Ở thành phố Đồng Xoài có một người sưu tầm đồng hồ theo tiêu chí là đồng hồ cổ, kiểu dáng

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước10/04/2025

Đó là ông Đào Văn Thịnh ở phường Tân Đồng. Việc sưu tầm giúp ông khám phá, tìm hiểu về lịch sử và công nghệ phát triển của đồng hồ. Và đây cũng là cách ông có thể gìn giữ tuổi thọ của đồng hồ qua thử thách thời gian.

Ông Đào Văn Thịnh thường xuyên chăm chút để những chiếc đồng hồ cổ vẫn “sống” cùng thời đại - Ảnh: Đặng Hùng

Độc đáo đồng hồ cổ

Chúng tôi thật sự bất ngờ khi được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Đào Văn Thịnh. Sau gần 25 năm tìm kiếm và sở hữu về đồng hồ giúp ông có một không gian trưng bày khá lý tưởng ở phòng khách với gần 100 chiếc. Mỗi chiếc đồng hồ là minh chứng lưu giữ rất nhiều giá trị của thời gian và tri thức công nghệ qua các thời kỳ phát triển của nhân loại.

Chiếc đồng hồ 112 năm tuổi trong bộ sưu tập của ông Đào Văn Thịnh - Ảnh: Đặng Hùng

Những chiếc đng hồ cổ đeo tay trong bộ sưu tập của ông Thịnh - Ảnh: Đặng Hùng

Bộ sưu tập đồng hồ cổ của ông Thịnh được chia làm 2 loại: một là đồng hồ đeo tay được ông cất giữ cẩn thận trong một cái tráp riêng; hai là nhóm đồng hồ cây, để bàn hoặc treo tường được trưng bày ngay ngắn và tỉ mỉ tại phòng khách. Mỗi chiếc đồng hồ có một đặc điểm về hình dáng cũng như công năng. Đa số là các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng trên thế giới, nhất là Thuỵ Sĩ. Tất cả đều có một đặc điểm chung là chạy bằng cơ và đang còn hoạt động.

“Đa số đồng hồ ở đây là máy tự động, cơ chế hoạt động là lên dây cót. Để đồng hồ chạy đều mỗi ngày, mỗi tuần tôi kiểm tra và lên dây cót khoảng một nửa, tuần sau thì làm như vậy với nửa còn lại. Vài năm, tôi phải đi lau dầu, bảo dưỡng để máy hoạt động trơn tru cũng như kéo dài tuổi thọ cho đồng hồ” - ông Thịnh chia sẻ.

Trong bộ sưu tập của ông Thịnh có rất nhiều điều thú vị. Đầu tiên là nhóm đồng hồ đeo tay. Hiện ông sở hữu đủ bộ đồng hồ đeo tay 5 chiếc với 5 màu mặt, 5 kiểu dây đeo khác nhau của Waltham. Theo ông Thịnh, người sở hữu cả 5 chiếc như vậy trên cả nước hiện không nhiều, bởi từ lâu những mẫu này đã không còn sản xuất. Mẫu đồng hồ được làm từ đồng tiền xu của Mỹ, có tuổi đời khoảng 70 năm cũng là một mẫu có ý tưởng thiết kế độc đáo. Lâu đời nhất trong nhóm đồng hồ này là một chiếc đeo tay đến nay đã 112 năm tuổi, mặt đồng hồ được làm từ bạc, xung quanh viền có khắc chữ, dây đồng hồ bằng vải dù được thiết kế khá hiện đại và dĩ nhiên là vẫn còn đang hoạt động.

Những cỗ máy thời gian dây cót

Điều giá trị và ấn tượng nhất trong bộ sưu tập của ông Thịnh có lẽ là kiểu dáng và công năng sử dụng của nhóm đồng hồ cây, đồng hồ để bàn và treo tường, chiếm số lượng gần 50 chiếc. Đặc biệt thu hút sự chú ý của chúng tôi là mẫu đồng hồ màu vàng như chiếc hộp nhỏ gọn được ông để ở bàn trà tiếp khách. Ông Thịnh cho biết, việc lên dây cót cho chiếc đồng hồ này khá kỳ công, phải dùng thước để cân chỉnh sao cho những cái ly chuông bên trong hộp cân bằng nhau. Mỗi lần cân chỉnh chính xác thì đồng hồ sẽ chạy được 400 ngày, tức là mỗi lần lên dây cót đồng hồ sẽ chạy được hơn 1 năm.

Chiếc đồng hồ màu vàng một lần lên dây cót có thể chạy được 400 ngày - Ảnh: Đặng Hùng

Ông Thịnh lên dây cót cho chiếc đồng hồ xích tạ - Ảnh: Đặng Hùng

Ngược lại, có những chiếc đồng hồ lên dây cót rất đơn giản. Đó là chiếc đồng hồ xích tạ màu xanh được ông Thịnh treo cẩn thận trên tường như một điểm nhấn cho căn phòng thêm nét cổ điển. Trong nhóm này, còn có một chiếc đồng hồ gây tò mò không kém mà ông Thịnh gọi là đồng hồ tủ cây. Chiếc này có kích thước khoảng 50cmx2m được làm bằng gỗ sồi. Thật không quá khi ví von rằng đây là một cỗ máy thời gian. Ngoài mặt đồng hồ cực đại, bên trong là một hệ thống bánh răng được cân chỉnh bởi 3 cái ống chuông. Cứ 15 phút, đồng hồ sẽ đánh chuông 1 lần, 30 phút chuông sẽ đổ 2 lần, 45 phút chuông đổ 3 lần, tròn 1 tiếng sẽ điểm chuông, tiếng chuông bằng với số giờ kim giờ đang chỉ. Chỉ đếm tiếng chuông sẽ biết mấy giờ. Đây cũng là chiếc có giá cao nhất trong bộ sưu tập của ông Thịnh, khoảng 100 triệu đồng.

Mỗi chiếc đồng hồ đều có một câu chuyện khác nhau về nguồn gốc xuất xứ và công năng sử dụng. Tất cả đều có thiết kế độc đáo, tinh xảo và độ bền với thời gian.

Giá trị của việc sưu tầm

Bộ sưu tập đồng hồ cổ là tài sản vô giá của ông Thịnh về tinh thần. Để có được những chiếc đồng hồ hiện tại là cả một quá trình ông tìm kiếm, học hỏi, giao lưu, trao đổi với những người thích sưu tầm trong nước và cả nước ngoài.

Ông Thịnh tâm sự: Trong bộ sưu tập của tôi chủ yếu là những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng, được sản xuất từ thập niên 30 đến 70 của thế kỷ trước. Thời gian qua đi thì không ai lấy lại được. Nhưng những dụng cụ đếm thời gian này giúp mình có thể sống chậm lại. Từ nhỏ, tôi đã mơ ước sở hữu một chiếc đồng hồ, sau này khi có điều kiện thì muốn được tìm hiểu nhiều hơn về công nghệ chế tạo đồng hồ. Đặc biệt, tôi chỉ thích đồng hồ sử dụng bằng cơ, rất thích khám phá cơ chế hoạt động của những loại đồng hồ này. Việc tôi cố gắng giữ gìn để đồng hồ vẫn hoạt động cũng là cách kéo dài tuổi thọ đồng hồ, giúp chúng có thể “sống” cùng thế giới hiện đại.

 Việc ông Thịnh yêu thích và có đam mê đặc biệt với việc sưu tầm đồng hồ cổ còn hoạt động cũng giúp chúng ta biết thêm về hình dáng, công năng, sự bền bỉ của nhiều sản phẩm đồng hồ nổi tiếng của thời xưa. Dẫu thời gian có trôi qua bao lâu nhưng kiến thức và sự văn minh của nhân loại qua các thời kỳ vẫn còn ở lại trong những chiếc đồng hồ. Và việc vẫn còn đếm được thời gian giúp đồng hồ ngày càng có giá trị hơn.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171353/suu-tam-dong-ho-co-de-chiem-nghiem-thoi-gian


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm