Xuất thân là giảng viên đại học, từ chối giữ chức Tổng Giám đốc Tổng Công ty rau quả nông sản Việt Nam, đam mê nghiên cứu khoa học với hàng loạt học hàm, học vị, danh hiệu khen thưởng, các công trình nghiên cứu… nhưng trọn cuộc đời, ông Đinh Cao Khuê lại chỉ gắn bó với đồng ruộng và đau đáu một mối lương duyên với vùng đất Đồng Giao-Tam Điệp, nơi từng được xem là “rừng thiêng nước độc”.
Trở lại câu chuyện rất nhiều năm về trước, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc (nay là Trường Đại học kinh tế, Đại học Huế), ông Đinh Cao Khuê được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kế toán, Khoa Kinh tế. Tuy nhiên, với lòng yêu nước của một thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão, ông đã quyết định gác lại công tác giảng dạy, gác lại bút nghiên để lên đường tham gia quân ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến năm 1985, ra quân. ông quyết định về công tác tại Nông trường Đồng Giao với vai trò là đội trưởng sản xuất và được bổ nhiệm “thần tốc” chức Phó Giám đốc trẻ nhất trong lịch sử Nông trường Đồng Giao khi mới 29 tuổi. Duyên nợ với vùng đất này cũng bắt đầu từ đó.
Gọi là duyên, nợ bởi vì khi ông về Nông trường quốc doanh Đồng Giao đang trăn trở tìm một hướng đi mới. Khi ấy, bối cảnh đất nước đã có sự “mở cửa” giao thương với nước ngoài, một suy nghĩ mới mẻ xuất hiện trong đầu ông là phải đưa nông sản ra thị trường thế giới. Suy nghĩ phải đi đôi với hành động, vì vậy hơn 40 năm trước ông đã tự mình lặn lội đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới để học cách kinh doanh và mấu chốt là tìm xem thị trường nước ngoài họ cần cái gì, từ đó, ông nhận ra, thị trường thực phẩm đồ uống thế giới rất đa dạng và nhiều tiềm năng, nhất là châu Âu, Nam Mỹ.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ông và Ban Giám đốc đã trực tiếp báo cáo với Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để chuyển đổi cây trồng từ cây mía kém hiệu quả sang cây Dứa Cayenne ngọt đậm, nhiều vitamin thành những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ năm 1997, cây Dứa Cayenne nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực của Nông trường Đồng Giao và được trồng không chỉ ở địa bàn tỉnh Ninh Bình mà các tỉnh lân cận. Sản phẩm nước dứa Đồng Giao đã nhanh chóng vươn ra thị trường quốc tế, sánh vai cùng nông sản của các nước châu Âu.
Từ đam mê, tâm huyết, trên nền tảng Nông trường quốc doanh kiểu mẫu Đồng Giao trước đây, TS. Đinh Cao Khuê và các cộng sự đã xây dựng nên một DOVECO lớn mạnh, sở hữu ba trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất, gồm: Nhà máy DOVECO Ninh Bình công suất 32.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy DOVECO Gia Lai công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy DOVECO Sơn La công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. DOVECO sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như: công nghệ cấp đông IQF xuất xứ từ Nhật Bản; công nghệ cô đặc và xay nhuyễn nhập khẩu châu Âu; công nghệ phát hiện dị vật; công nghệ đóng gói sản phẩm đông lạnh; công nghệ cắt gọt dứa tự động…
Nhiều cán bộ, công nhân viên công tác lâu năm tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khi được hỏi đều có chung nhận xét: Ông Khuê là người rất bản lĩnh, trí tuệ và giàu khát vọng, nhờ đó mà DOVECO ngày càng vươn xa, góp phần đưa nông sản Việt Nam khẳng định vị trí trên thị trường quốc tế. Điều đáng ghi nhận là tại DOVECO hiện nay, số lao động thường xuyên và hợp tác với Công ty là trên 23 nghìn người, trong đó lao động thường xuyên là trên 3.300 người, thu nhập bình quân hơn 11 triệu đồng/người/tháng; qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Chia sẻ về những thành tựu của DOVECO, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc DOVECO Đinh Cao Khuê khẳng định: DOVECO có được kết quả tốt là nhờ đơn vị đã tiên phong trong đổi mới công nghệ, quản lý tài chính để tạo lợi thế cạnh tranh vượt bậc; đơn vị luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng những giải pháp ưu việt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời làm tốt vai trò “cầu nối” giữa thị trường nông sản quốc tế với nhà phân phối, nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng.
Minh chứng cho sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của DOVECO, ông Đinh Cao Khuê nhắc lại thời điểm năm 2019 và 2020, Công ty đầu tư xây dựng Trung tâm chế biến hiện đại ở các vùng rau quả trọng điểm Tây Nguyên và Tây Bắc, hình thành nên DOVECO Sơn La và DOVECO Gia Lai. Sự xuất hiện của DOVECO tại Gia Lai giống như một “cú hích”, nguồn cảm hứng phát triển cho ngành chế biến nông sản trên vùng đất này. Từ đó đến nay, hàng chục nhà máy chế biến nông sản đã “nối bước” DOVECO xuất hiện ở Gia Lai, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân địa phương.
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả mà thương hiệu DOVECO đã tạo nên đó là một nền kinh tế nông nghiệp mang sứ mệnh động lực thúc đẩy các ngành kinh tế tổng hợp như công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch, bất động sản, lao động… ở những địa phương mà Đồng Giao có mặt. Và chính Đồng Giao ngày nay đã làm thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân theo hướng hàng hóa, quy mô lớn đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá trong lần đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao năm 2024: "DOVECO là hình mẫu tiêu biểu chuyển đổi thành công từ nông trường quốc doanh sang công ty cổ phần".
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/t-s-dinh-cao-khue-ca-cuoc-doi-toi-danh-tron-cho-nong-san-059425.htm
Bình luận (0)