
Những năm qua, thành phố xác định rõ vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quy mô dạy ngoại ngữ trong các trường học trên toàn thành phố có những bước phát triển nhất định. Hiện toàn thành phố có 97 giáo viên dạy tiếng Anh ở 48 trường học từ mẫu giáo/mầm non, tiểu học, THCS. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng và trình độ, học sinh đoạt nhiều giải cao tại các kỳ thi tiếng Anh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận những hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của học sinh chưa đồng đều và tỷ lệ học sinh đạt chuẩn quốc tế còn thấp.

Để khắc phục những tồn tại trên, thành phố đề ra các nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực giáo viên thông qua bồi dưỡng định kỳ, khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng về năng lực ngôn ngữ theo chuẩn quốc tế từ IELTS. Tăng cường sử dụng tiếng Anh trong dạy học, sinh hoạt chuyên môn; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế và triển khai các hoạt động học tập sáng tạo.

Đặc biệt, Tam Kỳ chú trọng nâng cao chất lượng trong học sinh, xây dựng môi trường học tập tiếng Anh từ trong nhà trường đến không gian công cộng. Tất cả trường tiểu học, THCS ngoài triển khai chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, sẽ tăng cường các hoạt động giao tiếp tiếng Anh với giáo viên nước ngoài; thí điểm dạy song ngũ bộ môn Toán, Khoa học tự nhiên ở một số trường.
Cùng với đó thành lập và tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ nói tiếng Anh, có không gian sinh hoạt tiếng Anh thông qua các cuộc thi, giao lưu, hùng biện bằng tiếng Anh… Cấp mầm non cũng triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ 3,4,5 tuổi. Thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng nền tảng học liệu số, công nghệ số trong thiết kế và triển khai các hoạt động học tập sáng tạo.
Tam Kỳ đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% giáo viên tiếng Anh đạt trình độ B2 trở lên, 70% trường học có phòng học tiếng Anh hiện đại; 50% trường học triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường, hoạt động giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài; 20-40% các trường học liên kết với trung tâm ngoại ngữ để nâng cao trình độ cho học sinh. Đến năm 2035, thành phố phấn đấu trở thành địa phương đi đầu của tỉnh trong việc đào tạo, sử dụng tiếng Anh trong học đường.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ đại biểu về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong dạy và học tiếng Anh; về cơ chế xã hội hóa, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh; tăng cường liên kết giữa nhà trường và trung tâm ngoại ngữ. Đồng thời, đại biểu cũng kiến nghị có chính sách đặc thù nhằm thu hút giáo viên giỏi, tạo đột phá trong giảng dạy và học tiếng Anh tại địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tam-ky-to-chuc-hoi-thao-doi-moi-va-phat-trien-chat-luong-tieng-anh-giai-doan-2025-2035-3154787.html
Bình luận (0)