Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 9-5, Quốc hội nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Một nội dung mới tại dự thảo luật này là sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm cả viên chức.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, dự thảo lần này quy định đối tượng được thành lập doanh nghiệp bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.
Theo Bộ trưởng, lý do sửa đổi, bổ sung là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này đã quy định “viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức”. Chính phủ cũng đã ban hành nghị định để thể chế hóa nội dung này.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định, dự thảo luật có các quy định theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước về doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Chính phủ cho biết, các quy định bổ sung về kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp không phát sinh thêm thủ tục hành chính, các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn sử dụng nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực hiện hành, không phát sinh kinh phí cho việc triển khai thực hiện luật.
Việc yêu cầu kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi có làm tăng chi phí tuân thủ nhưng so sánh lợi ích - rủi ro thì việc không quy định nội dung này sẽ thiệt hại lớn hơn rất nhiều. Như vậy, quy định tại dự thảo luật vẫn bảo đảm mục tiêu cuối cùng về bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp.
Về bổ sung đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra đồng tình, nhưng đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tan-thanh-bo-sung-mot-so-vien-chuc-duoc-thanh-lap-quan-ly-lam-viec-tai-doanh-nghiep-post794411.html
Bình luận (0)