Đạo ôn, rầy, sâu cuốn lá “rình rập”
Vụ Đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 39.000 ha lúa. Mặc dù lúa đang sinh trưởng tốt, nhưng qua theo dõi, nhiều đối tượng sâu bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát và gây hại trên diện rộng, đặc biệt là trên trà lúa Xuân muộn đang ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Ninh Bình cho thấy, sâu bệnh nổi lên ở vụ này là bệnh đạo ôn cổ bông, gié. Bệnh đã xuất hiện và gây hại cục bộ trên trà lúa Xuân sớm, với tổng diện tích nhiễm bệnh toàn tỉnh lên tới 7,2 ha, trong đó có 1 ha nhiễm nặng và 0,2 ha bị giảm năng suất nghiêm trọng tới 70% tại huyện Nho Quan. Điều đáng lo ngại là diện tích nhiễm bệnh năm nay cao hơn so với cùng kỳ, dự báo nếu thời tiết ẩm ướt tiếp tục, bệnh sẽ lan rộng trên trà lúa Xuân muộn.
Bên cạnh đó, rầy nâu và rầy lưng trắng lứa 2 đang gây hại với mật độ cao, phổ biến 400-500 con/m², thậm chí có nơi vượt ngưỡng 3.000 con/m² tại các huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh... Rầy cám lứa 3 dự kiến sẽ nở rộ trong những ngày tới, đe dọa trực tiếp đến năng suất lúa giai đoạn trỗ bông đến chín và tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh lùn sọc đen.
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cũng gây hại trên diện rộng với mật độ phổ biến 20-30 con/m², có nơi trên 100 con/m². Trưởng thành lứa 3 đang nở rộ, và sâu non lứa 3 dự kiến sẽ tiếp tục gây hại trên lúa Xuân muộn xanh tốt, trỗ sau ngày 20/5, đe dọa làm sơ trắng lá đòng, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ngoài ra, bệnh khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, lúa cỏ tiếp tục gây hại trên các trà lúa, sâu đục thân hai chấm hại rải rác.
Những con số trên cho thấy tình hình sâu bệnh trên lúa Đông xuân đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ vào khâu phun trừ
Tại huyện Kim Sơn, một trong những vựa lúa quan trọng của tỉnh với trên 7.700 ha lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 đang ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông, phơi màu, địa phương này cũng đang tập trung cao độ chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân theo dõi sát sao và chủ động phòng trừ sâu bệnh.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kim Sơn cho biết, mặc dù lúa sinh trưởng tốt nhờ đảm bảo nước và chăm sóc kịp thời, nhưng qua điều tra, một số đối tượng dịch hại đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên nhiều diện tích lúa, đặc biệt những trà lúa trỗ sau ngày 20/5/2024. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và gây hại rộng trên toàn bộ diện tích, đặc biệt hại nặng trên những ruộng xanh tốt, bón thừa đạm với tỷ lệ bệnh nơi cao 30-40%, cá biệt trên 70% số lá tại nhiều hợp tác xã như Thượng Kiệm, Bắc Thành, Bắc Lộc, Hợp Thành...
Trung tâm nhận định, với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao và nguồn bệnh đạo ôn lá sẵn có, nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié xuất hiện và gây hại trên diện rộng là rất lớn nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vì vậy, Trung tâm đã đề nghị UBND các xã, các HTX nông nghiệp phát động nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đặc biệt chú trọng phun phòng trên toàn bộ diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá.
Ông Lê Văn Thắng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thượng Kiệm, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn chia sẻ: “Thời tiết mưa ẩm những ngày qua tuy thuận lợi cho lúa trỗ nhưng lại tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn gié, đạo ôn cổ bông phát sinh. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nguy cơ gây hại mạnh của bệnh trong thời gian tới. Vì vậy, HTX đang thông báo rộng rãi, phát động bà con tập trung phun trừ từ ngày 18 đến 24/5 trên 100% diện tích lúa. Chúng tôi cũng phối hợp với các chủ máy bay không người lái để cung cấp dịch vụ phun thuốc, giúp bà con tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao".
Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh khuyến cáo bà con nông dân trên toàn tỉnh cần: Khẩn trương thu hoạch lúa Xuân sớm đã chín. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh và thời tiết để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường.
Cụ thể: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, phun phòng theo tốc độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, ruộng xanh tốt gần nguồn bệnh khi lúa trỗ từ 3-5%. Những ruộng đã bị đạo ôn lá nặng, cần phun kép hai lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, thời gian phun trừ từ ngày 20-25/5. Ở giai đoạn đòng - ôm đòng thì phun trừ trên những ruộng có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên khi rầy tuổi 2 rộ, bằng các loại thuốc nội hấp. Ở giai đoạn chắc xanh đến đỏ đuôi, phun trừ trên những ruộng có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên khi rầy tuổi 2 rộ, bằng các loại thuốc tiếp xúc. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: phun trừ trên những ruộng có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên khi sâu non tuổi 2 nở rộ ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh. Thời gian phun trừ từ ngày 18-23/5. Ngoài ra, kết hợp phun trừ sâu đục thân hai chấm, bệnh khô vằn, lem lép hạt; xử lý lúa cỏ bằng biện pháp nhổ bỏ.
Cơ quan chuyên môn cũng khuyến khích các HTX, bà con nông dân sử dụng rộng rãi dịch vụ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái để tăng hiệu quả phòng trừ. So sánh với phương pháp phun thủ công bằng bình đeo vai, phun thuốc bằng Drone có tốc độ phun nhanh gấp 30 lần, giảm chi phí khoảng 50%, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ tương đương, thậm chí cao hơn.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-kiem-tra-phong-tru-sau-benh-cuoi-vu-579156.htm
Bình luận (0)