Trung tâm Ngoại ngữ Bibi (Triệu Sơn) là một trong những trung tâm có giáo viên là người nước ngoài.
Trên địa bàn huyện Bá Thước hiện có 5 TTNN đang được cấp phép hoạt động. Trong đó, chủ yếu là trung tâm tiếng Hàn và tiếng Anh. Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước, cho biết: “Theo chức năng nhiệm vụ, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các trung tâm trên địa bàn. Qua kiểm tra, về cơ bản, các trung tâm đều hoạt động đúng theo quy định. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra về cơ sở vật chất, các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, giáo viên người nước ngoài... nhằm đảm bảo các trung tâm hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn huyện”.
Là một trong những TTNN có hợp đồng giảng dạy với giáo viên là người nước ngoài, bà Lê Thị Nguyện, Giám đốc TTNN Bibi (Triệu Sơn), cho biết: “Trung tâm của chúng tôi hiện có giáo viên dạy là người nước ngoài. Hiện nay, pháp luật quy định về các điều kiện để giáo viên nước ngoài được giảng dạy tại các trung tâm rất nghiêm ngặt, do đó, trung tâm đã hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý của giáo viên nước ngoài để giáo viên có thể lao động hợp pháp. Bên cạnh đó, trung tâm cũng hướng dẫn để giáo viên tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sinh sống và lao động tại Việt Nam”.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 259 TTNN đang hoạt động. Các đơn vị đã được cấp phép đều hoạt động đảm bảo quy định của pháp luật, thu hút ngày càng nhiều học viên đến học tập, đặc biệt là sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Sở GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động giáo dục của các TTNN. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp quản lý, nhất là quản lý người nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở giáo dục... Qua kiểm tra, hầu hết các trung tâm đều chấp hành nghiêm các quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng lao động, công tác tuyển sinh, các khoản thu nộp đối với học sinh, chất lượng đào tạo và thực hiện tốt các quy định về chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy...
Ông Trịnh Văn Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: “Thời gian qua, sở phối hợp với các ngành chức năng, trong đó có Công an tỉnh để thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động của các TTNN, riêng năm 2024 tổ chức 2 đợt kiểm tra đối với các TTNN trên địa bàn. Bên cạnh đó, sở cũng chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn quản lý. Qua đó, góp phần chấn chỉnh hoạt động, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ tại các trung tâm”.
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện nay các TTNN đã xây dựng chiến lược phát triển trung tâm theo định hướng đáp ứng nhu cầu, trình độ của người học, nâng cao năng lực, đủ trình độ để tham gia các kỳ thi cấp chứng chỉ quốc tế như Ielts, Toefl, Toeic, Cambridge, HSK, Topik, JLPT... do các tổ chức nước ngoài cấp.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trung tâm được trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động giảng dạy tại đơn vị, thường xuyên cập nhật, tham khảo các giáo trình, tài liệu được các nhà xuất bản uy tín trong nước và nước ngoài in ấn... Từ đó, biên soạn kế hoạch chi tiết của nội dung đào tạo, giáo án giảng dạy; các hoạt động giáo dục được tổ chức linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức phong phú, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong lớp học, đồng thời rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho học viên...
Nhiều TTNN cũng tiếp tục quan tâm, chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ với định hướng và giới thiệu việc làm cho người học ngoại ngữ để đi lao động nước ngoài (LĐNN), lựa chọn nghề nghiệp, gắn đào tạo ngoại ngữ với nhu cầu của người lao động trong các công ty nước ngoài; công tác quản lý, sử dụng LĐNN tại các trung tâm ngoại ngữ cơ bản đảm bảo theo quy định như việc lưu trữ hồ sơ (hợp đồng lao động, giấy phép lao động, thẻ tạm trú, các loại văn bằng chứng chỉ)...
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý giáo viên là người nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn. Việc thẩm định, cấp phép hoạt động giáo dục cũng cần nhiều thời gian. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong thực hiện quản lý Nhà nước tại các trung tâm, cơ sở giáo dục sử dụng LĐNN chưa thường xuyên. Một số đơn vị chưa quan tâm bổ sung thêm cơ sở vật chất, chưa đầu tư trang thiết bị hiện đại, còn sử dụng các phòng học của nhà ở, thiết kế hộ gia đình nên diện tích và cách bố trí phòng học, thư viện, phòng hành chính, phòng chờ của giáo viên, học sinh, các công trình vệ sinh còn chật hẹp, chưa tương xứng với quy mô hoạt động của đơn vị. Công tác phòng cháy, chữa cháy, nội dung quảng cáo của một số đơn vị chưa được quan tâm, chưa đúng theo giấy phép được cấp. Ngoài các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, vẫn còn những đơn vị hoạt động trái quy định của pháp luật như tự thành lập, tự cấp phép, hoạt động ngoài địa điểm được cấp phép, tự giải thể không báo cáo cơ quan có thẩm quyền...
Để các TTNN đi vào hoạt động đúng, hiệu quả bền vững cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành chức năng, các cấp chính quyền trong công tác quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học, góp phần cùng với các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Linh Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-cua-cac-trung-tam-ngoai-ngu-249354.htm
Bình luận (0)