Những doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương 

Những bất cập

Từ năm 2021 đến nay, Huế đã thành lập 10 CCN với tổng diện tích hơn 323ha. Trong đó, 5 cụm đã đi vào hoạt động, gồm: An Hòa, Thủy Phương, Tứ Hạ, Hương Hòa, Hương Phú, thu hút 128 dự án đầu tư, tạo việc làm cho hơn 8.300 lao động, với tỷ lệ lấp đầy đạt 65,73%.

Chỉ riêng năm 2024, thành phố đã phê duyệt thành lập thêm 2 CCN mới: Phú Diên (huyện Phú Vang) và Điền Lộc 2 (TX. Phong Điền), mở rộng không gian sản xuất ra các vùng ven đô. Cùng lúc đó, các ngành công nghiệp chủ lực như, may mặc, sản xuất ô tô, chế biến nông sản tiếp tục tăng trưởng ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 6 – 7%, với giá trị sản xuất đạt khoảng 38.000 tỷ đồng.

Những con số trên không chỉ phản ánh sức hấp dẫn đầu tư, mà còn cho thấy Huế đã và đang hình thành một năng lực sản xuất thực sự, thay vì công nghiệp chỉ là lĩnh vực “phụ trợ du lịch”.

Dẫu vậy, thực tế cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp (DN) “đứng chân” trên các khu kinh tế, công nghiệp; còn các CCN vẫn mắc kẹt trong những bài toán quen thuộc: Hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa có nhà máy xử lý nước thải, quy hoạch dân cư chồng lấn, cơ chế vận hành chưa đạt chuẩn... Minh chứng rõ nét nhất như tại CCN Thủy Phương (TX. Hương Thủy) hiện chỉ có 3 tuyến đường gom trong số 5 tuyến đã được đầu tư, còn lại chờ vốn. Trong khi đó, dự toán nâng cấp các tuyến đường gom với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng đã được lập, nhưng chưa bố trí được nguồn lực. Một số DN tại cụm này đang gặp khó trong mở rộng sản xuất do dân cư sống sát nhà máy, quy hoạch tái định cư chưa thực hiện được. Điển hình như, Công ty cổ phần Viên nén năng lượng Thừa Thiên Huế dù mỗi năm xuất khẩu 90.000 tấn viên nén xuất sang Nhật Bản nhưng vẫn phải tự xoay xở về hạ tầng, môi trường và lao động.

Một nghịch lý khác cũng đang tồn tại, đó là các CCN vốn được quy hoạch để giải quyết bài toán đô thị hóa, tập trung sản xuất, song có cụm lại chưa có mô hình quản lý rõ ràng, có cụm chưa có đơn vị chủ quản, chưa có bộ phận vận hành kỹ thuật. Và nhiều cụm vẫn đang hoạt động kiểu “ai vào trước thì vào, còn lại chờ… đường”.

Những tín hiệu tốt

Nếu coi CCN chỉ là nơi “gom xưởng sản xuất lại với nhau” thì chúng ta đang bỏ lỡ vai trò lớn hơn của nó đó là một hạ tầng mềm của tăng trưởng vùng. CCN cần được thiết kế như một “hệ sinh thái sản xuất vừa và nhỏ” – có hạ tầng đồng bộ, logistics kết nối, khu đào tạo nghề sát bên, cơ chế hỗ trợ đầu tư cụ thể và có ban điều hành chuyên trách. Mô hình này không xa lạ, nhiều tỉnh như, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bắc Ninh… đã triển khai với hiệu quả rõ rệt.

Ở Huế, nơi có nhiều DN quy mô vừa, nhỏ, nguồn lao động dồi dào, nhưng thiếu liên kết ngành. CCN hoàn toàn có thể là nơi tạo ra những “chuỗi sản xuất địa phương”, từ may mặc đến cơ khí, chế biến nông sản, thiết bị y tế… Song, chúng ta vẫn thiếu CCN như vừa nêu.

Huế đã thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, với vị thế mới, cách tư duy cũng phải mới.

Được biết, thành phố đã lên kế hoạch thành lập và mở rộng 20 CCN đến năm 2030, với tổng nhu cầu vốn trên 6.000 tỷ đồng sẽ được huy động từ ngân sách, xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác. Định hướng ngành nghề rõ ràng, đó là công nghệ cao, sạch, tiết kiệm năng lượng, có liên kết chuỗi, thay vì dàn trải. 100% CCN sẽ có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, gắn với quy hoạch đô thị – sinh thái – sản xuất.

Quan trọng hơn, thành phố đã có bước chuyển về thể chế, đó là ban hành quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh (nay là TP. Huế) theo Quyết định số 89/2024/QĐ-UBND ngày 15/11/2024, thành lập Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng CCN và tích cực đưa CCN vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư chiến lược. Ngoài ra, thành phố đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030, trong đó khuyến khích các trường nghề liên kết với DN để đào tạo sát với nhu cầu thực tế; chính quyền địa phương cũng sẽ có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động tham gia các khóa kỹ thuật chuyên sâu….

Đó là những tín hiệu tốt. Việc còn lại là cụ thể hóa các chủ trương ấy, từ mặt bằng đến nguồn vốn, quản lý đến vận hành nhằm phát huy hiệu quả của các CCN.

Bài, ảnh: Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/tang-nang-luc-phat-trien-cho-cum-cong-nghiep-152628.html