Thời gian qua, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với điều kiện sản xuất. Đồng thời, chủ động áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, qua đó, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Việc mạnh dạn cải tạo vườn tạp đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân. |
Cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế không chỉ giúp khai thác hết tiềm năng, lợi thế đất sản xuất, tăng lợi nhuận, mà còn giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ 4 công vườn tạp chuyển đổi sang trồng tắc xen với sầu riêng, cô Nguyễn Thị Vân (xã An Bình) cho biết: “Trước đây vườn của tôi trồng đủ thứ lại ít chăm sóc nên năng suất thấp, không có hiệu quả kinh tế. Sau khi địa phương vận động cải tạo vườn tạp, tôi mạnh dạn trồng sầu riêng, rồi trồng thêm tắc, ớt để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ đó mà 2 năm nay tôi có thu nhập khá từ ớt và tắc, còn sầu riêng vẫn phát triển xanh tốt”.
Lên liếp 3 công ruộng kém hiệu quả để trồng dừa, xen thêm tắc, chú Phạm Minh Chánh (xã Quới An) chia sẻ: “Xung quanh đã lên liếp gần hết nên trồng lúa không hiệu quả, tôi chuyển sang trồng dừa, xen thêm tắc, cau kiểng. Có đồng vô đồng ra. Giá cau kiểng, tắc luôn ổn định, thêm dừa hiện có giá cao nên lợi nhuận cũng tăng hơn từ 40-60% so với trước đây”.
Cũng vậy, chuyển đổi vườn tạp sang trồng chanh không hạt, anh Lê Văn Hanh (phường Đông Thành) cho hay: “Vườn cam, bưởi già cỗi, không hiệu quả nên tôi chuyển sang trồng chanh không hạt. Trồng chanh không hạt từ cải tạo đất đến lúc bắt đầu thu hoạch khoảng hơn 1 năm. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái quanh năm. Nhờ đó mà tôi có thu nhập thường xuyên, cuộc sống gia đình ổn định hơn”.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển đổi phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp là giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng cây ăn trái và xu hướng còn tiếp tục.
Việc cải tạo vườn tạp góp phần thay đổi nhận thức về tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, không để đất bỏ hoang; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những hướng đi tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần cải thiện môi trường.
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của kinh tế vườn; hướng dẫn các hộ dân bố trí lại vườn khoa học, phù hợp với quy hoạch tổng thể và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn như vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng dừa hữu cơ, hành tím, dưa hấu, mía... Xây dựng và duy trì nhãn hiệu nông sản, mã số vùng trồng; từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sản xuất xanh, sạch, tuần hoàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Song song đó, nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế tương đối khá.
Việc xây dựng nhãn hiệu và mã số vùng trồng được quan tâm thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất bán các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Tăng cường phát triển mô hình tổ hợp tác và HTX nhằm tạo điều kiện cho nông dân kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202507/tang-thu-nhap-tu-cai-tao-vuon-tap-eca28a3/
Bình luận (0)