Từ nhu cầu trồng phục vụ bữa ăn trong gia đình, người dân thôn Phong Nam dần nhận ra tiềm năng kinh tế từ loại rau dân dã này. Như nhiều hộ dân khác, gia đình bà Ngô Thị Tấn (70 tuổi) tận dụng hàng rào quanh nhà làm giàn cho cây leo. Cứ cách 10 ngày, bà lại hái một đợt lá mang ra chợ bán. “Lá mơ không cần phân bón hay thuốc trừ sâu nên cứ thế hái bán, giá cả lại ổn định, giúp tôi có thêm đồng ra đồng vào”, bà Tấn chia sẻ.
Nhận thấy cây lá mơ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có đầu ra tốt, nhiều hộ dân mở rộng quy mô sản xuất để thu hoạch số lượng lớn hơn. Đơn cử, gia đình ông Ngô Văn Lui (53 tuổi) hiện trồng 5 sào lá mơ, mỗi ngày thu hoạch 15-20kg lá cung cấp cho thương lái. Mỗi sào đất, ông trồng theo luống, xen kẽ giữa các hàng cọc tre để dây mơ bám chắc, không bị rạp xuống khi mưa gió.
Theo ông Lui, công việc không quá vất vả, chỉ cần bón phân, cắt tỉa đều đặn là cây xanh tốt. Giá lá mơ dao động 20.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm cao hơn. Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng, gia đình ông thu 10-15 triệu đồng từ lá mơ, con số đáng kể so với những loại cây trồng truyền thống khác. Ông cho biết: “Trước đây tôi chỉ trồng vài bụi quanh nhà để ăn, nhưng khi thấy thương lái hỏi mua nhiều, tôi mạnh dạn mở rộng diện tích. Giờ đều đặn mỗi sáng, tôi hái lá, bó thành từng bó nhỏ rồi giao cho mối quen”.
Hiện thôn Phong Nam có gần 50 hộ dân trồng cây lá mơ cho thu nhập. Nhiều thời điểm, thương lái đến tận vườn thu mua. Bà Nguyễn Thị Mai, một thương lái chuyên thu mua rau màu khu vực huyện Hòa Vang cho biết: “Mỗi ngày, tôi gom khoảng 50kg lá mơ chở đi tiêu thụ tại các chợ lớn ở Đà Nẵng. Lá mơ sạch, không hóa chất nên được nhà hàng, quán ăn ưa chuộng. Thời điểm hàng khan hiếm, giá có thể lên đến 40.000 - 45.000 đồng/kg”.
Ngoài giá trị kinh tế, lá mơ còn được biết đến là một vị thuốc dân gian quen thuộc, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, lá mơ có vị đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, hỗ trợ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong điều trị các bệnh liên quan đường ruột như kiết lỵ, đầy hơi, tiêu chảy.
Nhiều người còn dùng lá mơ giã nhuyễn, lấy nước uống để giảm đau dạ dày hoặc kết hợp với trứng gà làm món trứng rán lá mơ, vừa bổ dưỡng vừa tốt cho hệ tiêu hóa. Không chỉ phổ biến trong dân gian, một số nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng lá mơ chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, có tác dụng ức chế vi khuẩn gây bệnh đường ruột, giúp giảm viêm loét dạ dày và cải thiện chức năng tiêu hóa. Bên cạnh đó, nhờ đặc tính kháng khuẩn tự nhiên, lá mơ còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da, mẩn ngứa, mụn nhọt bằng cách giã nát và đắp lên vùng da bị tổn thương.
Trước những lợi ích cả về kinh tế lẫn y học, người dân thôn Phong Nam xem đây là cây thuốc quý trong đời sống thường ngày. Ông Ngô Văn Xí, Trưởng thôn Phong Nam cho biết gia đình ông trồng 2 sào lá mơ, mỗi ngày thu nhập 200.000 – 300.000 đồng. Thời gian qua, nhận thấy tiềm năng từ loại cây này, chính quyền địa phương cũng có định hướng hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất. “Chúng tôi khuyến khích người dân tận dụng đất vườn, đất trống để trồng lá mơ, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng theo luống, làm giàn để cây phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn”, ông Xí thông tin thêm.
HUỲNH LÊ
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/tao-thu-nhap-tu-la-mo-4003009/
Bình luận (0)