Những năm qua, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi Tây Nguyên đã có những thay đổi rõ rệt: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh;
Văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy…
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đến nay, các ngành, các cấp đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; một số nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành; kết quả giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt khá. Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Tây Nguyên vẫn là vùng khó khăn của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp kém (nhất là hệ thống giao thông, viễn thông, điện, thủy lợi…); số người được tiếp cận các dịch vụ xã hội còn ở mức thấp. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành một số đề án, cơ chế, chính sách còn chậm so với kế hoạch đề ra và yêu cầu thực tiễn.
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi Tây Nguyên, mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện 3 chương trình còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cần quán triệt sâu sắc đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi (ban hành các văn bản dễ hiểu, cách hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ); phù hợp với đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện; bảo đảm tính kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các cấp, các ngành cũng cần rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các địa phương phải cân đối giữa chính sách bồi dưỡng, đào tạo phù hợp với bố trí, sử dụng cán bộ quản lý và cả nguồn nhân lực nói chung. Trong công tác này, cần chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng lực thực hiện của cả hệ thống quản lý công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ trung ương tới địa phương; củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới…
Nguồn: https://baolamdong.vn/tap-trung-khac-phuc-nhung-han-che-bat-cap-382698.html
Bình luận (0)