Vĩnh Phúc là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của vùng Thủ đô Hà Nội, vì vậy, tỉnh có lợi thế phát triển đô thị. Những năm qua, tỉnh đã quy hoạch, khai thác các nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý để phát triển đô thị Vĩnh Phúc hiện đại, thông minh theo hướng đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I…
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng và 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500… Mục tiêu đến năm 2025, hệ thống đô thị Vĩnh Phúc gồm 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 55% (gồm 2 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V). Giai đoạn 2026 - 2030, hệ thống đô thị sẽ được nâng cấp phát triển theo chiều sâu; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%.
Cùng với đó, tỉnh dành nhiều nguồn lực tài chính đầu tư phát triển đô thị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hình thành 34 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II (thành phố Vĩnh Yên) và 1 đô thị loại III (thành phố Phúc Yên), 32 đô thị loại V. Các đô thị đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển các vùng phụ cận của các địa phương cũng như trên toàn tỉnh và tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Lũy kế hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 dự án hoạt động hiệu quả, trong đó có 476 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,43 tỷ USD; 829 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 142,4 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh trong 5 năm (2020 - 2025) đạt 3,19 tỷ USD, vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra (mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD). Từ đó, tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2024 đạt 7,52% (cao hơn bình quân chung của cả nước).
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2026 - 2030, hệ thống đô thị sẽ được nâng cấp phát triển theo chiều sâu với tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%, đạt các tiêu chí của đô thị loại I, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 của tỉnh nằm trong top đầu cả nước đạt từ 10,5 - 11%/năm.
Theo đó, thành phố Vĩnh Yên có vai trò là đô thị trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, thương mại - tài chính và vùng kinh tế động lực của tỉnh; là trung tâm kinh tế, đầu mối giao lưu lớn của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; trung tâm đô thị động lực chủ đạo (cực phát triển trung tâm) tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ một thị xã nghèo trong “quên lãng”, sau ít năm tái lập tỉnh, Vĩnh Yên phát triển trở thành đô thị loại III, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh. Năm 2006, Vĩnh Yên được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh và năm 2014 được công nhận là đô thị loại II. Vĩnh Yên đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
Cùng với phát triển đô thị, thành phố tập trung phát triển công nghiệp. Tiêu biểu là KCN Khai Quang thu hút hàng trăm doanh nghiệp, nhà máy quy mô lớn, uy tín đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. 5 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố Vĩnh Yên duy trì đạt từ 8 - 10%/năm.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt hơn 91,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2023; thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 2.730 tỷ đồng, bằng 108% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân tăng lên, không còn hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu phạm vi toàn vùng tỉnh.
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển các khu chức năng, đô thị, nông thôn.
Trong đó, tập trung phát triển đô thị trung tâm và công nghiệp bao gồm hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên theo hướng tiêu chí đô thị loại II; đô thị Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc, Tam Dương trở thành đô thị loại IV với định hướng thành thị xã Vĩnh Tường và thị xã Bình Xuyên, đầu tư xây dựng thị trấn Tam Hồng, Hợp Hòa, Thổ Tang, Tứ Trưng. Mở rộng các khu đô thị, dân cư mới tại hồ Sáu Vó, xã Ngọc Thanh quanh hồ Đại Lải... và một số vùng phụ cận.
Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh dự kiến đầu tư 32 chương trình và đề án (20 chương trình, đề án thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025; 8 chương trình, đề án thực hiện trọng giai đoạn 2023 - 2030; 4 đề án thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030). Trong đó, 22 dự án trọng điểm đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 23.800 tỷ đồng, 14 dự án vốn xã hội hóa đã và đang chuẩn bị đầu tư với tổng mức đầu tư 15.769 tỷ đồng; 32 dự án trọng điểm được đề xuất mới với tổng mức đầu tư 169.539 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa 147.639 tỷ, vốn ngân sách nhà nước 21.900 tỷ đồng.
Việc đầu tư, hình thành các đô thị mới là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại với mô hình “đô thị đáng sống” trong thời kỳ mới.
Xuân Nguyễn
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127256/Tap-trung-phat-trien-do-thi-thuc-day-tang-truong
Bình luận (0)