![]() |
Hàng nghìn m2 rừng phòng hộ bị chặt phá tại xã Tân Long huyện Đồng Hỷ |
Người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long cho biết khu vực này vốn là rừng cây thân gỗ lớn, có một con đường dân sinh rải đá từ thời Pháp thuộc. Đồng thời, khu vực này có một khu di tích nhà bê tông do người Pháp xây dựng từ năm 1912.
Vẫn theo người dân, vào thời điểm năm 2015, một số cá nhân (ngụ tại xã Tân Long) đã phát cây, chặt gỗ để làm nương rẫy, khu vực nhà bê tông do người Pháp xây dựng được một gia đình cải tạo làm nhà ở phục vụ cho việc chặt phá rừng.
Ông Đ.V.Q, một người dân địa phương cho biết “đỉnh điểm của hoạt động phá rừng là vào tháng 2 và tháng 3/2025, một số cá nhân tiếp tục đưa máy móc vào khai thác, tiếng máy cưa lốc vang cả cánh rừng này mỗi ngày”.
![]() |
Những cây gỗ tự nhiên bị "xẻ thịt" |
Người dân xóm Mỏ Ba nhiều lần gửi đơn phản ánh đến chính quyền địa phương, tuy nhiên tình trạng vẫn tiếp diễn. Theo một số người dân chia sẻ lại, sau khi chặt hạ rừng phòng hộ, các cá nhân liền trồng keo vào vị trí đó. “Giờ vào khu đó toàn thấy keo non, còn những gốc cây rừng cũ thì nằm trơ ra. Mỗi năm họ phá một ít, nhìn mà xót ruột,” một người dân chia sẻ.
Theo chân người dân vượt qua đoạn đường mòn, phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam có mặt tại khu vực rừng bị xẻ thịt, vạt rừng phòng hộ từng dày đặc cây gỗ lớn nay chỉ còn trơ trọi đất trống, cây non, gốc cây bị cưa sát mặt đất. Khu vực rừng bị chặt phá lổn nhổn những gốc cây bị đốn hạ, thân cây đã được đưa đi, một vài cây chưa kịp vận chuyển nằm chỏng chơ, bên cạnh là những luống keo vừa mới trồng.
Theo người dân, ban đầu chỉ có các cây gỗ to bị chặt, nhưng sau một thời gian, cứ có đất trống là người ta trồng keo. Diện tích rừng phòng hộ vì thế dần bị thay thế, “gặm nhấm” từng mảng nhỏ đến khi không còn nhận ra.
Không chỉ mất rừng, việc thay thế bằng cây keo cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Có nhà gần khu vực rừng bị tàn phá, anh V.V.D, cho biết, các khe nước nhỏ quanh khu vực này trước kia vẫn có nước chảy quanh năm, nhưng nay thì không còn nhiều như trước.
“Chưa vào giữa mùa khô mà nước đã cạn. Lúa, chè thiếu nước tưới, nhiều hộ phải tìm nguồn nước để canh tác, rất vất vả. Nếu rừng còn bị phá thế này thì mai kia lấy gì mà sản xuất?”, anh V.V.D nói thêm.
Không dừng lại ở đó, đường ống nước của một số hộ dân dẫn nước từ đầu nguồn về đều bị cắt phá (nghi do có sự tác động của những người phá rừng, trồng keo) khiến người dân ở đây rất bức xúc.
![]() |
"Rừng xanh rên siết" những lóng gỗ còn lại tại hiện trường |
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thừa nhận có tình trạng rừng phòng hộ tại xã Tân Long (Đồng Hỷ) bị xâm lấn, khai thác trái phép.
Ông cho biết, khu vực bị chặt phá mà phóng viên đề cập nằm ở lô 1, khoảnh 7, tiểu khu 177. Diện tích rừng bị tác động khoảng 1.400m². Thời điểm kiểm tra đã hiện có hơn 20 gốc cây gỗ lớn đã bị đốn hạ, nhiều luống keo đã mọc thay thế.
“Sau khi nhận được đơn tố giác của người dân, Chi cục kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ chủ trì, phối hợp với UBND xã Tân Long, các tổ chức, các nhân có liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc”, ông Long cho biết thêm.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tại Thái Nguyên sớm có kết luận và giải quyết sự việc trước vấn nạn phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường./.
Nguồn: https://baophapluat.vn/thai-nguyen-rung-phong-ho-o-bi-xe-thit-cay-lau-nam-bi-thay-the-bang-keo-non-post549092.html
Bình luận (0)