Một buổi diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bữa tiệc tập trung đông người trên địa bàn huyện Nông Cống (tháng 10/2024).
Với hơn 42.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó có 22.800 cơ sở sản xuất, 11.900 cơ sở kinh doanh, 4.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 3.600 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP tiếp tục được các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp tăng cường bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú, và được tập trung tuyên truyền vào các dịp trọng điểm trong năm, như: Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu... Cùng với đó, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của các cấp, các ngành được phân định cụ thể rõ ràng; được củng cố, kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã; kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm đối với công tác đảm bảo ATTP của cán bộ, đảng viên, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được cải thiện rõ rệt; số lượng mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi khép kín, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP trên địa bàn tỉnh được tăng cường, góp phần tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP; xử lý, ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.
Năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 1.774 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; tiến hành thanh tra, kiểm tra 37.495 cơ sở, trong đó có 35.946 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 95,9%), phát hiện 1.549 cơ sở vi phạm (chiếm 4,1%); phạt tiền 1.322 cơ sở (chiếm 85,3% cơ sở vi phạm) với số tiền 4.324,3 triệu đồng, nhắc nhở (không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính) 227 cơ sở (chiếm 14,7% cơ sở vi phạm); tịch thu, buộc tiêu hủy hơn 3.000 sản phẩm thực phẩm là bánh, kẹo, sữa các loại và hơn 2.000kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng với tổng giá trị hàng hóa tịch thu, tiêu hủy là hơn 650 triệu đồng; khởi tố 1 vụ việc và 10 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Các nội dung vi phạm chủ yếu đó là: Kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; điều kiện trang thiết bị dụng cụ sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt yêu cầu; không thực hiện lưu mẫu thức ăn và kiểm thực ba bước; sử dụng phụ gia, chất bảo quản thực phẩm ngoài danh mục cho phép... Trên địa bàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra. Cũng trong năm 2024, Chi cục ATVSTP đã tổ chức ký 250 cam kết bảo đảm ATTP cho loại hình bếp ăn tập thể và nhà hàng trong khách sạn; tổ chức 14 hội nghị cho 7 mô hình công tác bảo đảm ATTP; 28 lớp tập huấn ATTP cho cán bộ quản lý và người trực tiếp chế biến thực phẩm trong bếp ăn tập thể trường học địa bàn tỉnh; 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho tuyến về thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm; 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức ATTP cho 260 người thuộc các bếp ăn tập thể doanh nghiệp; 7 lớp tập huấn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố...
Một buổi diễn tập điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bữa tiệc tập trung đông người trên địa bàn huyện Nông Cống (tháng 10/2024).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn còn và diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ...
Từ ngày 15/4 đến 15/5/2025, Thanh Hóa sẽ triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2025 với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Theo đó, sẽ huy động các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm ATTP. Thông qua các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP trong lựa chọn, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong quảng cáo thực phẩm..., nhằm giảm thiểu, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATTP; chủ động kiểm soát và nâng cao chất lượng ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Tháng hàng động vì ATTP năm 2025 là điểm nhấn, đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng thực phẩm không an toàn. Thông qua Tháng hành động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong bảo đảm ATTP...
Bài và ảnh: Tô Hà
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thang-hanh-dong-vi-chat-luong-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-tu-15-4--15-5-no-luc-vi-suc-khoe-cong-dong-245801.htm
Bình luận (0)