Đến xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhắc đến chị Phạm Thị Ngân, Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên, mọi người biết đến như tấm gương của người phụ nữ đã dành trọn tâm huyết để xây dựng điểm tựa việc làm cho hàng trăm phụ nữ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật ở địa phương.
Khởi nguồn hành trình phát triển từ nghề thủ công
Sinh năm 1963, chị Phạm Thị Ngân xuất thân là một phụ nữ nông thôn thuần túy. Vào những năm 2000, chị học nghề đan cói, móc hộp, thêu ren… từ các lớp dạy nghề tại xã. Từ đôi bàn tay khéo léo, chị dần trở thành người thợ giỏi, rồi được địa phương tín nhiệm giao phụ trách nhóm phụ nữ làm nghề.
Tuy nhiên, việc sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh theo đơn hàng không giúp người lao động duy trì thu nhập ổn định. Trăn trở với thực tế đó, đến năm 2008, chị cùng chồng quyết định thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu Trung Kiên – mô hình sản xuất hướng đến mục tiêu kép: phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm ổn định cho những người phụ nữ yếu thế, người cao tuổi và người khuyết tật.
Chị Ngân bên những chiếc túi siêu thị được xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài
Đó là khởi đầu của một hành trình dài đầy gian khó – từ việc vay mượn vốn ngân hàng, học hỏi thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đến việc đào tạo nghề cho chị em chưa từng biết đến kim chỉ, máy may. Nhưng cũng chính trong hành trình đó, bản lĩnh, tâm huyết và tình yêu với cộng đồng của người nữ giám đốc mới được tôi luyện rõ nét nhất.
Mô hình sản xuất gắn với cộng đồng
HTX Trung Kiên hiện có cơ sở sản xuất chính đóng tại xã Hoằng Trung và 2 cơ sở sản xuất nhỏ tại xã Hoằng Khánh và Hoằng Hà, đều sản xuất 2 sản phẩm chính là túi siêu thị và móc hộp xuất khẩu theo mô hình liên kết với một số công ty ở tỉnh Hà Nam. Sản phẩm chính của HTX là túi siêu thị thân thiện với môi trường và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre, cói, bẹ chuối, dây nhựa được xuất khẩu sang nhiều thị trường.
HTX hiện thu hút khoảng 50 công nhân thường xuyên và tạo việc làm cho 70 lao động mùa vụ tại địa phương. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất ra khoảng 200.000 túi và 1.000 sản phẩm thủ công, đem lại doanh thu ổn định khoảng 2 tỷ đồng/năm và lợi nhuận từ 35–40 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập bình quân tại HTX hiện đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng; riêng nhóm làm việc tại xưởng có thể đạt 7-10 triệu đồng/tháng. Những chị em nhận hàng về làm tại nhà – đa phần là người chăm con nhỏ, người cao tuổi – cũng có thể kiếm được 2–3 triệu đồng mỗi tháng, đủ để cải thiện đời sống gia đình.
Đặc biệt, HTX còn nhận đào tạo và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, hộ nghèo, người già neo đơn. Nhiều gia đình ở địa phương do người trẻ đi làm xa, ở nhà chỉ có trẻ con và người già. Họ nhận việc về nhà làm nhưng sức khỏe yếu, không mang hàng đến HTX được, chị Ngân lại nhờ chồng mang xe chở hàng vào tận nhà dân để thu mua hàng. Ai cần học nghề, chị chỉ bảo tận tình, hướng dẫn họ làm đạt tiêu chuẩn thì thôi và nhất định không lấy tiền. Chị bảo "Hỗ trợ được cho các hoàn cảnh neo đơn được bao nhiêu, tôi luôn sẵn lòng, dốc sức".
HTX Trung Kiên của chị Ngân có sử dụng nhiều lao động là người già, phụ nữ và người khuyết tật tại địa phương
Người "giữ lửa" cộng đồng
Bận rộn với vai trò Giám đốc HTX, nhưng chị Ngân vẫn không ngừng cống hiến cho địa phương trong nhiều vai trò khác nhau: Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Trung Hậu, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, đại biểu HĐND xã. Dù công việc nhiều, chị vẫn sắp xếp khoa học, tranh thủ từng giờ để quán xuyến sản xuất, hỗ trợ công nhân, chăm sóc gia đình và làm tốt công tác xã hội.
Ngoài công việc kinh doanh, chị còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện: tặng quà cho gia đình chính sách, người khuyết tật; cùng chị em trồng 200m đường hoa, làm sạch đường làng, ngõ xóm. Với chị, "cho đi" là một phần không thể thiếu trong triết lý sống.
Nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ, chị Ngân đã được trao nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội Phụ nữ các cấp. Đặc biệt, Giải Vì cộng đồng của dự án "Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi" là sự ghi nhận xứng đáng cho mô hình sản xuất đầy tính nhân văn mà chị xây dựng.
Chị Phạm Thị Ngân (áo dài dỏ) nhận Giải Vì Cộng đồng - Giải thưởng Phát triển Kinh doanh tháng 5/2025
Giải thưởng Phát triển Kinh doanh là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng trưởng Doanh nghiệp của tôi: Nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đang tăng trưởng do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam" do Quỹ Châu Á tài trợ và Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển là chủ dự án. Giải thưởng được dành cho các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, đồng thời là học viên của dự án để giúp họ khởi sự, duy trì và phát triển kinh doanh bền vững.
Trong đợt trao giải thứ 2, Giải thưởng đã nhận được 65 hồ sơ đến từ 3 tổ chức đối tác của dự án và được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí cụ thể: Hiệu quả kinh tế, Tính bền vững trong tương lai, Bảo vệ môi trường, Hỗ trợ phụ nữ và cộng đồng. Ban Cố vấn đã làm việc qua 2 vòng: xét hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp tại nhà các ứng viên tiềm năng, để tìm ra những người xứng đáng nhận các giải quan trọng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thanh-cong-la-dem-den-co-hoi-cho-nguoi-khac-20250522162421682.htm
Bình luận (0)