“Đất vàng” nằm dọc đường Lê Lợi cần được tháo điểm nghẽn. Ảnh: Ngọc Hòa |
Huế có nhiều khu “đất vàng” có giá trị đắc địa nằm dọc đường Lê Lợi, với tầm nhìn hướng thẳng ra sông Hương ngay trung tâm thành phố. Điều đáng tiếc là thay vì trở thành những dự án phát triển dịch vụ – thương mại như những mô hình rất thành công của nhiều thành phố ven sông khác trên cả nước, thì những khu đất ấy lại bị bỏ phí suốt thời gian dài sau khi các cơ quan nhà nước di dời đến khu hành chính tập trung tại phường Xuân Phú.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “đất vàng” bị bỏ hoang. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là nhiều vướng mắc trong quản lý tài sản công. Theo Luật Quản lý tài sản công, khi chuyển đổi công năng sử dụng, các tòa nhà cũ vốn từng là trụ sở làm việc, phải được xử lý đúng quy định.
Nhà đầu tư muốn triển khai dự án mới tại khu vực “đất vàng” này buộc phải gánh thêm chi phí tháo dỡ, làm sạch mặt bằng. Bên cạnh đó, họ cũng phải trả tiền thuê đất một lần cho chu kỳ thường dao động trong vòng 50 năm, dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn nhiều so với một dự án trên nền đất trống. Điều này không chỉ làm nhà đầu tư “chùn chân”, mà còn khiến dư luận băn khoăn khi nhiều năm nay, Huế đang để lãng phí một nguồn lực quý giá ngay trung tâm thành phố. Trong bối cảnh ấy, phát biểu của ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng UBND thành phố Huế, về việc thành phố sẽ “xem xét và có phương án cụ thể cho từng vị trí lô đất trong thời gian sớm nhất” khi trao đổi với báo chí gần đây là một tín hiệu tích cực, mang đến nhiều tin vui và hy vọng.
Đáng chú ý là thành phố sẽ cân nhắc định giá tài sản còn lại trên đất với mức hợp lý, hoặc thậm chí chủ động tháo dỡ những công trình không còn phù hợp quy hoạch. Mục tiêu là tạo ra quỹ “đất sạch” trước khi tổ chức đấu giá, từ đó kêu gọi đầu tư minh bạch, cạnh tranh và hấp dẫn hơn.
Việc khẩn trương triển khai giải pháp này không chỉ giúp “hồi sinh” những khu đất hoang phế, mà còn góp phần phát huy thế mạnh du lịch – dịch vụ của Huế.
Dọc sông Hương, khu vực trung tâm từ lâu đã được định hướng trở thành bộ mặt văn hóa, nơi giao thoa giữa di sản Cố đô và đời sống đương đại. Việc đưa vào các dự án khách sạn, trung tâm thương mại, không gian nghệ thuật hoặc công viên chuyên đề có thể biến nơi đây thành điểm nhấn thu hút du khách, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương. Tất nhiên, một khi quy hoạch mới được thực hiện, đòi hỏi phải chú trọng bảo tồn giá trị lịch sử – văn hóa, tuân thủ các quy định về chiều cao, mật độ xây dựng, cũng như gìn giữ cảnh quan hai bờ sông Hương.
Vấn đề quan trọng còn lại là tính công khai, công bằng và hiệu quả trong quá trình đấu giá. Thành phố cần minh bạch thông tin về giá khởi điểm, chi phí xử lý tài sản trên đất, cùng các ưu đãi hoặc ràng buộc về quy hoạch để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Một sân chơi bình đẳng, với các tiêu chí rõ ràng, không chỉ đảm bảo lợi ích lâu dài cho đô thị Huế, mà còn tạo tiếng vang cho môi trường đầu tư ở địa phương. Song song đó, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục hành chính cũng là yếu tố tiên quyết. Thực tế cho thấy, nếu thủ tục giải tỏa, định giá, đấu thầu… kéo dài có thể sẽ làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn. Vậy nên thành phố cần đẩy nhanh tiến độ, chủ động hỗ trợ và hướng dẫn nhà đầu tư, nhất là trong những khâu phức tạp để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa sớm kích hoạt tiềm năng còn bỏ ngỏ. Chủ động “tháo điểm nghẽn” càng sớm thì cơ hội làm bừng sáng dọc bờ sông Hương, góp phần khẳng định thương hiệu “thành phố du lịch văn hóa” của Huế càng hiệu quả.
Tháo điểm nghẽn cho “đất vàng” dọc sông Hương không chỉ là lời giải cho bài toán lãng phí đất công, mà còn mở ra triển vọng phát triển dài hơi, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương và người dân.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/thao-diem-nghen-cho-dat-vang-doc-song-huong-152629.html
Bình luận (0)