Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng điều hành cuộc họp. |
Theo báo cáo của Sở Công Thương, nhóm dự án năng lượng tái tạo theo Nghị quyết số 233 cơ bản đã được giải quyết về thủ tục quản lý đất đai đối với các dự án điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, vẫn còn 222 công trình điện mặt trời mái nhà trên đất nông, lâm nghiệp cần tiếp tục rà soát, xử lý. Đối với các dự án điện đang vận hành thuộc Quy hoạch điện VII, tỉnh có 4 dự án điện mặt trời quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - năng lượng. Mặc dù đã phát điện thương mại, song các dự án này gặp khó do chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý cho việc đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, cũng như các thủ tục đất đai, tài chính và quản lý vận hành.
Về các dự án thuộc Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tỉnh có 107 dự án với tổng công suất gần 16.536 - 18.936MW. Đến nay, mới có 14 dự án (công suất 4.249MW) được cấp chủ trương đầu tư, 2 dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 (4.000MW đến 6.400MW) đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý điều chỉnh chủ trương đầu tư; 91 dự án (gần 8.287MW) chưa chọn được nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là sự khác biệt trong quy trình mời thầu, lập hồ sơ giữa hai tỉnh trước khi sáp nhập, gây khó khăn cho việc chuẩn hóa thủ tục theo quy định mới. Từ thực tế này, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh sớm phân định rõ trách nhiệm xử lý từng nhóm dự án; đồng thời đề xuất Bộ Công Thương cập nhật quy hoạch và ban hành cơ chế giá phù hợp để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng khẳng định, để kinh tế của tỉnh tăng trưởng 2 con số, năng lượng sẽ là trụ cột rất quan trọng. Do đó, cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để các dự án sớm đi vào vận hành. Ông yêu cầu Sở Công Thương rà soát kết quả xử lý khó khăn đối với nhóm dự án theo Nghị quyết số 233 trước khi báo cáo Chính phủ; đồng thời tham mưu thống nhất quy trình mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong lĩnh vực điện lực. Đối với các dự án gặp vướng mắc do điều chỉnh quy hoạch, các sở, ngành phải chủ động phối hợp với nhà đầu tư triển khai trước các thủ tục khác trong khi chờ quy hoạch được phê duyệt.
ĐÌNH LÂM
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/thao-go-kho-khan-vuong-mac-cho-cac-du-an-dien-da703db/
Bình luận (0)