Dây chuyền may mặc phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH May Xuất khẩu Việt Thành. Ảnh: MỸ THANH
Thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết 68-NQ/TW
Việc thể chế hóa các định hướng chính sách trong Nghị quyết thành các quy phạm pháp luật để thi hành được xem là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo tính ổn định, minh bạch và khả thi của môi trường pháp lý đối với khu vực tư nhân.
Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành có liên quan tiến hành rà soát, để lên kế hoạch sửa đổi và bổ sung các đạo luật hiện hành có liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư và kinh doanh như Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðấu thầu, Luật Phá sản… theo hướng loại bỏ các rào cản trong thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và thiết lập hệ thống cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Ðặc biệt, cần sớm lập ban soạn thảo nghiên cứu khả năng xây dựng và ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Bởi lẽ đây là cơ sở pháp lý thống nhất quy định về quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc hỗ trợ và cơ chế khuyến khích đối với kinh tế tư nhân.
Thiết lập cơ chế giám sát và phản biện chính sách
Sự tham gia giám sát độc lập và phản biện chính sách của cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả của chính sách. Do đó, thiết lập các cơ chế đối thoại chính sách định kỳ giữa các cơ quan quản lý như Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh và khu vực tư nhân cùng với sự tham gia của các tổ chức trung gian như hiệp hội ngành nghề, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế. Khuyến khích hoạt động phản biện chính sách của các chủ thể có liên quan theo hướng công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo trước khi ban hành các chính sách mới về kinh tế tư nhân.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân
Một hệ thống pháp lý công bằng, bảo vệ hiệu quả quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân sẽ góp phần củng cố niềm tin và khuyến khích đầu tư.
Ðể khắc phục tình trạng chênh lệch trong thực thi chính sách giữa Trung ương và địa phương, cần áp dụng các chỉ số đánh giá năng lực điều hành ở cấp địa phương như Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong điều hành phát triển kinh tế tư nhân. Song song đó, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ và đánh giá lãnh đạo địa phương từ phía doanh nghiệp. Trường hợp xảy ra vi phạm trong quá trình thực thi chính sách cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như gọi vốn cộng đồng, đầu tư mạo hiểm, khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình, công nghệ mới như tiền ảo, tiền điện tử. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả của hệ thống tư pháp và trọng tài thương mại theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường hiệu quả xét xử, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại.
Quá trình cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách như nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW là một yêu cầu thiết yếu để đáp ứng những thách thức và cơ hội phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới. Ðể thực sự thay đổi cách nghĩ, tạo sự đồng lòng trong nhận thức và hành động, chúng ta cần những giải pháp mang tính hệ thống, bao quát và có tính đột phá cao, giúp khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng và vai trò to lớn của kinh tế tư nhân. Từ đó, củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra động lực và một nguồn năng lượng mới phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ths. Lâm Bá Khánh Toàn
(Khoa Luật, Trường Ðại học Cần Thơ)
Nguồn: https://baocantho.com.vn/the-che-hoa-nghi-quyet-so-68-nq-tw-tao-da-cho-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-a186546.html
Bình luận (0)