Lĩnh vực TMĐT đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ trong việc xây dựng nguồn nhân lực - Ảnh minh họa
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương), thách thức lớn nhất là thiếu hụt nhân lực chất lượng cao do thị trường lao động hiện tại chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng nhân sự cho ngành TMĐT, đặc biệt là các vị trí đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao.
"Lĩnh vực TMĐT đòi hỏi kiến thức tổng hợp từ kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị và cả ngoại ngữ. Việc đào tạo ngắn hạn chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi các chương trình đào tạo chính quy vẫn còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng", ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn nhìn nhận một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến TMĐT vẫn nặng về lý thuyết, thiếu kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng "thực chiến" cần thiết để có thể bắt tay ngay vào công việc. Điều này buộc doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian và chi phí để đào tạo lại. Theo đó, chỉ khoảng 30% nhân lực trong các doanh nghiệp cung cấp giải pháp TMĐT được đào tạo bài bản, chính quy. 70% còn lại phải tự học hoặc chuyển ngành từ các lĩnh vực khác như marketing, công nghệ thông tin, kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp TMĐT, cùng với sự thiếu hụt ứng viên chất lượng, khiến công tác tuyển dụng trở nên vô cùng khó khăn. Doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực cho việc tìm kiếm, thu hút và sàng lọc ứng viên. Nguồn nhân lực cũng đặc biệt thiếu ở các địa phương ngoài Hà Nội và TPHCM do khoảng cách phát triển TMĐT giữa các địa phương còn khá xa so với trình độ phát triển ở 2 địa phương này.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho biết trong bối cảnh cạnh tranh cao và nhu cầu nhân lực lớn, việc giữ chân những nhân sự giỏi và giàu kinh nghiệm cũng là một bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp. Nếu không có chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc tốt và lộ trình phát triển rõ ràng, doanh nghiệp rất dễ để mất người vào tay đối thủ.
Ngoài ra, ngành TMĐT thay đổi và cập nhật công nghệ rất nhanh. Do đó, nhân sự trong ngành này cần phải liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng để không bị tụt hậu. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải có chiến lược đào tạo và phát triển nhân sự bài bản và liên tục.
"Mặc dù nhiều trường đại học, cao đẳng đã mở ngành đào tạo về TMĐT nhưng chương trình giảng dạy đôi khi chưa bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, xu hướng thị trường và yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Ngoải ra, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình và đào tạo thực hành cần được tăng cường hơn nữa', ông Tuấn nhìn nhận.
Thúc đẩy chuyển biến toàn diện trong đào tạo
Về định hướng thời gian tới, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ đang đẩy mạnh kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực TMĐT. Các giải pháp cụ thể bao gồm: Sửa đổi chương trình đào tạo, cập nhật học liệu, tổ chức hỗ trợ thực tập và tăng cường hoạt động kiến tập cho sinh viên.
"Đặc biệt, việc phát triển đội ngũ giảng viên có kiến thức cập nhật theo xu hướng công nghệ mới được xem là yếu tố then chốt. Đồng thời, Bộ cũng chủ trương xây dựng mạng lưới kết nối bền chặt giữa các trường đại học, viện đào tạo với doanh nghiệp nhằm tạo ra môi trường đào tạo sát với thực tiễn và phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường", bà Oanh nhấn mạnh.
Một trong những sáng kiến đáng chú ý là chương trình Go Online do Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số triển khai. Chương trình này sẽ được tổ chức ở cả 6 khu vực kinh tế trên cả nước, tập trung đào tạo chuyên sâu về các vấn đề cốt lõi của TMĐT như khung pháp lý, quy định về thuế, chiến lược phát triển kinh doanh và các giải pháp quảng cáo số. Qua đó, chương trình sẽ giúp trang bị kiến thức và kỹ năng thực tiễn cho doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ tại địa phương.
Song song, bà Oanh cho biết Cục cũng phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thực hiện Chương trình Hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống, đặt mục tiêu đào tạo kỹ năng kinh doanh TMĐT cho khoảng 300.000 tiểu thương trên toàn quốc. Chương trình này bao gồm việc xây dựng "Sổ tay chuyển đổi số", các khóa huấn luyện kỹ năng và phiên livestream bán hàng riêng biệt, góp phần xây dựng cộng đồng kinh doanh số toàn diện, cởi mở và phát triển bền vững.
Bộ Công Thương đang đẩy mạnh kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực TMĐT bằng giải pháp cụ thể bao gồm: Sửa đổi chương trình đào tạo, cập nhật học liệu, tổ chức hỗ trợ thực tập và tăng cường hoạt động kiến tập cho sinh viên - Ảnh minh họa
Thích ứng với công nghệ mới
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, trên thực tế, các chương trình đào tạo về TMĐT hiện nay đang ngày càng đa dạng và có sự chuyển biến mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ. Nhiều trường đại học đã tích hợp các học phần liên quan đến công nghệ mới trong ngành Công nghệ thông tin và các ngành liên quan như TMĐT, tài chính số. Điển hình, các môn học như: Ứng dụng AI trong TMĐT (sản xuất nội dung, video, hình ảnh sản phẩm), Blockchain và tiền mã hóa, Trí tuệ nhân tạo và học máy trong tài chính, Quản lý và phân tích dữ liệu lớn đã bắt đầu xuất hiện trong chương trình đào tạo của một số trường.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chủ động triển khai các chương trình đào tạo công nghệ số cho doanh nghiệp và địa phương, nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động thương mại điện tử trong toàn xã hội.
Ông Tuấn cho biết thêm, trước vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và tính biến động mạnh của ngành TMĐT, ý tưởng xây dựng chương trình đào tạo "theo đơn đặt hàng" giữa Nhà nước và doanh nghiệp đang được xem là một hướng đi tiềm năng.
Đây là mô hình cần được nghiên cứu nghiêm túc vì có nhiều ưu điểm: Chương trình đào tạo sẽ sát với thực tế, linh hoạt cập nhật xu hướng mới, chú trọng tính thực hành và kinh nghiệm, đồng thời tạo cầu nối hiệu quả giữa cung – cầu lao động. Điều này cũng góp phần phát huy nguồn lực tổng hợp của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng để mô hình này thực sự hiệu quả và bền vững, cần có cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch, vai trò điều phối chủ động từ phía Nhà nước và sự cam kết mạnh mẽ từ doanh nghiệp. Quan trọng hơn, chương trình đào tạo dù "đặt hàng" cũng cần bảo đảm trang bị cho người học kiến thức nền tảng và kỹ năng cốt lõi, giúp họ thích ứng lâu dài với môi trường TMĐT luôn thay đổi.
Anh Thơ
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thi-truong-25-ty-usd-va-bai-toan-nhan-luc-cho-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-102250516134749253.htm
Bình luận (0)