Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, người Việt tiêu thụ lượng thịt lợn thứ 4 thế giới và xu hướng này đang ngày càng tăng.
Người Việt tiêu thụ thịt lợn thứ 4 thế giới
Tại Hội nghị Cơ hội, thách thức và giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo tổ chức ngày 3.4, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết kết thúc quý I/2025, tổng đàn 31,8 triệu con (giảm hơn 200 ngàn con so với thời điểm 1.1.2025 (giảm 0,63%), nhưng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể: năm 2021 khoảng 30 kg/người/năm, năm 2022 khoảng 32 kg/người/năm, năm 2023 khoảng 33,8 kg/người/năm, năm 2024 ước đạt 37,04 kg/người/năm (tính theo kg thịt xẻ/người/năm). Việt Nam đứng thứ 4 về tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.
Về giá thịt lợn, quý I năm 2025 do thị trường vào dịp Tết Nguyên đán nhu cầu thịt lợn tăng cao từ tháng 1 năm 2025. Cho tới tháng 3.2025, có những thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn và hiện tại đã giảm dần.
Nguyên nhân được phía Cục đưa ra là do dịch tả lợn châu Phi, việc siết chặt nguồn hàng nhập lậu, nhiều địa phương trong cả nước đã tổng rà soát và lên kế hoạch di dời hoặc dừng hoạt động các trang trại chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi. Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi và Thú y cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ngày càng tăng của người dân cũng là một trong số lý do khiến giá thịt lợn tăng.
"Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về tiêu thụ thịt lợn thì năm 2024 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng 2 bậc và xếp thứ 4 thế giới", Cục này lý giải.
Dự báo giá lợn
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, giá lợn hơi dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Tuy nhiên khó có khả năng tăng đột biến nếu công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Ngoài ra, thị trường có thể điều tiết bằng lượng thịt lợn nhập khẩu (hiện nhập khẩu chủ yếu từ Nga, Brazil, Đức, Hà Lan, Ba Lan..).
"Việt Nam kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến còn hạn chế, chủ yếu mới có các sản phẩm thịt lợn sữa chế biến, thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh. Nhập khẩu kim ngạch chưa nhiều (khoảng 292 nghìn tấn năm 2024, đạt 460 triệu USD), vì vậy thị trường trong nước dự báo ít ảnh hưởng do nhân tố tác động từ thị trường thịt lợn quốc tế chưa có nhiều biến động", ông Hòa nói thêm.
Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục đầu tư Khoa học Công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị, giảm giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đặc biệt phát triển thương hiệu quốc gia lợn bản địa có chất lượng và giá trị khác biệt. Triển khai chuyển đổi số, chỉ đạo địa phương giám sát, theo dõi thực hiện kê khai chăn nuôi chính xác làm cơ sở cho công tác dự tính, dự báo thị trường và sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi – giết mổ/chế biến/chế biến sâu – phân phối mới giúp ngành phát triển hướng tới hiệu quả và bền vững.
Nguồn
Bình luận (0)