Theo Nghị quyết 68-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước, và tạo ra khoảng 82% việc làm.
Nghị quyết khẳng định đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu đến năm 2030 là có 2 triệu doanh nghiệp, đạt 20 doanh nghiệp/1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng trưởng kinh tế tư nhân đạt 10-12%/năm; đóng góp 55-58% GDP, 35-40% thu ngân sách nhà nước.
Trong năm 2025, yêu cầu rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, rút ngắn 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh. Đồng thời, cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp không phụ thuộc địa giới hành chính.

Lần đầu tiên, Đảng ta – cụ thể là Bộ Chính trị – khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất và giải quyết an sinh xã hội. Nghị quyết 68 thể hiện tư duy mới, quyết liệt, tạo đột phá trong chính sách và nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân – một sự chuyển mình mạnh mẽ cả về lý luận và thực tiễn. Nếu thực hiện tốt, Nghị quyết này sẽ mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết nhấn mạnh đột phá về môi trường thể chế: tôn trọng quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng; có cơ chế đủ mạnh để xử lý hiệu quả tranh chấp thương mại. Đây là nền tảng để kinh tế tư nhân vươn lên, kết nối, mở rộng. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, sau khi nghị quyết được triển khai thực chất, khu vực tư nhân sẽ không còn rào cản để phát triển bình đẳng với các thành phần khác trong và ngoài nước.
Trước đó, nhiều vấn đề của kinh tế tư nhân đã được nêu, nhưng lần này Đảng đã nhìn nhận rõ ràng và toàn diện hơn. Rào cản lớn nhất là sự kỳ thị, thiếu thể chế bảo vệ, thiếu đơn đặt hàng từ Nhà nước, khó tiếp cận dự án lớn – khiến khu vực này không dám lớn, dẫn đến phổ biến mô hình hộ kinh doanh, hợp tác xã quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp nhưng chưa được công nhận tương xứng.

Điểm mới trong Nghị quyết 68 là xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng cho 3 nhóm: tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và hộ kinh doanh. Mục tiêu là xây dựng cấu trúc kinh tế hai tầng: tầng trên là các tập đoàn lớn dẫn dắt nền kinh tế, tầng dưới là mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng hộ kinh doanh gắn kết theo mô hình NICs thành công.
Nghị quyết cũng bao quát và nhận diện khu vực tư nhân rộng lớn không chỉ trong doanh nghiệp mà cả 5 triệu hộ kinh doanh – những doanh nghiệp tiềm năng trong tương lai.
Việc Tập đoàn VinSpeed đề xuất tham gia làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang nhận được ủng hộ. Nếu thành công, dự án này sẽ là phép thử tiêu biểu, chứng minh sự trưởng thành và khát vọng cống hiến của khu vực tư nhân, đồng thời là minh chứng thực tế cho năng lực và tầm vóc mới của doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng sẽ là thước đo hiệu quả chính sách của Đảng, minh chứng cho sự chuyển biến nhận thức, thể chế và tâm lý trong toàn hệ thống.
Kinh tế tư nhân giống như một đứa trẻ đang lớn – muốn trưởng thành, phải cho nó quyền tự lập, dám tham gia vào việc lớn. Nhà nước không chỉ là “người viết luật chơi” mà còn phải là khách hàng lớn, giao các dự án tầm cỡ quốc gia cho tư nhân đảm nhiệm. Việc này cần đi kèm với kịch bản quản lý rủi ro, giám sát hiệu quả để đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia như Nghị quyết chỉ đạo. Nếu đường sắt cao tốc Bắc – Nam được tư nhân làm thành công thì đây chính là đột phá lớn nhất, là minh chứng sống động cho tính đúng đắn của chính sách.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khó khăn đã được nêu nhiều, trải rộng ở mọi khía cạnh: từ nguồn lực đầu vào, sản phẩm đầu ra, năng lực nội tại đến quản trị doanh nghiệp. Họ thường phải tự xoay xở từ A-Z, thiếu hợp tác, thiếu áp dụng công nghệ và thiếu “sức mạnh cộng đồng”. Hệ thống pháp lý hiện tại còn yếu trong việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp vừa và nhỏ, cổ đông nhỏ, đặc biệt trong xử lý tranh chấp hợp đồng. Câu chuyện đòi nợ là ví dụ điển hình – nhiều doanh nghiệp bị “chôn vốn” vì nợ khó đòi, trong khi cơ chế pháp lý chưa có lời giải hiệu quả, gây nguy cơ đổ vỡ dây chuyền.
Ngoài ra, DNNVV thường thiếu chiến lược đầu tư dài hạn và không có “sân chơi riêng” do chưa có Luật về DNNVV thực chất. Họ khó cạnh tranh với các “ông lớn”, do đó cần pháp luật phân chia thị trường, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển thị trường ngách, tham gia vào dự án lớn cùng các tập đoàn, từ đó lớn dần lên.
Chính sách hỗ trợ phải bao trùm toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp, từ luật pháp đến đầu vào, đầu ra – tức là phải thực sự hiểu họ cần gì để giải quyết đúng điểm nghẽn.
Thời gian tới, cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn, đồng hành và lắng nghe doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV và hộ kinh doanh, để thiết kế chính sách sát thực tế. Việc chống tham nhũng, nhũng nhiễu – những nguyên nhân khiến tăng chi phí, làm mất cơ hội kinh doanh – cần được ưu tiên cao nhất.
Một đề xuất hay là cho DNNVV thuê lại tài sản công, đặc biệt là nhà đất đang hoang phí, dư thừa sau sắp xếp tổ chức hoặc không còn sử dụng. Việc này vừa hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở vật chất, vừa tận dụng hiệu quả nguồn lực công, đồng thời giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.
Song song với hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân các DNNVV cũng phải tự khẳng định vai trò bằng cách hoạt động đúng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao tinh thần dân tộc và khát vọng vươn lên như nghị quyết đã chỉ rõ. Điều quan trọng hơn là tăng cường hợp tác, gắn kết, hỗ trợ nhau trong cộng đồng doanh nghiệp – bỏ lối làm ăn “chộp giật”, phi pháp, thiếu đạo đức.
Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, nâng chất lượng và cạnh tranh về giá, xây dựng thương hiệu riêng, tìm hiểu thị trường nước ngoài để xuất khẩu. Phải biết hợp lực để hình thành công ty cổ phần, phát triển theo chuỗi. Muốn đi xa, phải đi cùng nhau – còn nếu chỉ “một mình từ A-Z” thì sẽ mãi nhỏ bé.
Nếu doanh nghiệp tư nhân được tin tưởng, tạo điều kiện, được tiếp sức từ Đảng, Nhà nước, đối tác, thị trường và người tiêu dùng, chắc chắn khu vực này sẽ lớn mạnh, củng cố vững chắc vị thế, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Nguồn: https://baonghean.vn/thong-diep-va-ky-vong-moi-tu-nghi-quyet-68-nq-tw-10298218.html
Bình luận (0)