Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận dấu ấn sâu đậm của Thông tấn xã Việt Nam với vai trò một cơ quan thông tin chiến lược, tin cậy của Đảng, Nhà nước trong suốt các cuộc kháng chiến vĩ đại. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, với lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí kiên trung, các nhà báo Thông tấn đã có mặt ở khắp các chiến trường, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên Việt Nam Thông tấn xã ở miền Bắc luôn bám sát thực tiễn sản xuất, chiến đấu. Tại miền Nam, ngày 12/10/1960, bản tin đầu tiên của Thông tấn xã Giải phóng đã đánh dấu sự ra đời của tiếng nói chính thức từ chiến trường, góp phần quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cổ vũ phong trào cách mạng.
Đặc biệt, Thông tấn quân sự (thuộc biên chế Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) trở thành một bộ phận của Việt Nam Thông tấn xã, liên tục chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, liên tục phát đi những bản tin khẩn, tiếp thêm ý chí cho đồng bào, chiến sỹ ở cả hậu phương và tiền tuyến.
Gần 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Những mất mát đó mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của ngành.
Khi nhà báo thành chiến sỹ
Theo hồi ký của cố nhà báo Đỗ Phượng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (1990-1996), từ năm 1959, trước Đại hội III của Đảng, lãnh đạo của ta đã chuẩn bị cho việc xây dựng bộ phận Việt Nam Thông tấn xã ở miền Nam, tập hợp những người có khả năng làm biên tập và kỹ thuật thông tấn, tích cực chuẩn bị những điều kiện vật chất tại chỗ để có thể chủ động thu, phát tin.

Hà Nội có nhiệm vụ lựa chọn những cán bộ miền Nam tập kết, tốt nghiệp đại học ở nước ngoài hoặc ở trong nước để bổ sung cho các chiến trường. Mặt khác, tuyển chọn các học sinh miền Nam đã hoặc đang học cấp III đủ tiêu chuẩn để đào tạo thành điện báo viên và nhân viên kỹ thuật thông tấn cho các chiến trường.
Thêm nữa, ngay bản thân phòng Thông tấn quân sự do Cục tuyên huấn biệt phái ra Việt Nam Thông tấn xã từ đầu những năm 60 cũng luôn được bổ sung và tăng cường. Nhiều sỹ quan từ các đơn vị được Tổng cục chính trị điều về Thông tấn xã, kể cả những sỹ quan pháo binh, sỹ quan tham mưu chuyên vẽ bản đồ quân sự và quen theo dõi diễn biến chiến sự.
Năm 1963, Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã – nhà báo Vũ Linh được cử vào làm Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng. Như vậy, chỉ trong vòng 3, 4 năm, Thông tấn xã Giải phóng đã hình thành khá đầy đủ cơ cấu của một hãng thông tấn, có phóng viên cả tin, ảnh bám trụ các địa bàn nóng, theo sát các đơn vị chủ lực, các quân khu, các bộ chỉ huy chiến dịch. Không chỉ đánh địch bằng tin ảnh mà còn tiêu diệt địch bằng vũ khí nóng. Có nhiều đồng chí trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Đường liên lạc 2 chiều giữa Thông tấn xã Giải phóng với Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội không khi nào bị đứt quãng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Nguyễn Dĩnh, nguyên phóng viên Thông tấn quân sự cho hay mọi phân công nhiệm vụ, hoạt động tác chiến, đào tạo nghiệp vụ của Thông tấn quân sự luôn gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam, như một bộ phận không thể tách rời và hoạt động giống như một phòng ban của Thông tấn xã Việt Nam. Nhà báo Đỗ Phượng khi đó là người ký giấy cho ông vào công tác tại các mặt trận.

“Trong suốt 30 năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi cùng các phóng viên của phòng Thông tấn quân sự đã gắn bó như anh em một nhà và có nhiều kỷ niệm với các phóng viên, biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam, đặc biệt là với các phóng viên Ban biên tập tin Trong nước và Ban biên tập Ảnh,” ông Dĩnh nói.
Các phóng viên Thông tấn quân sự được Thông tấn xã Việt Nam trang bị máy ảnh, phim để tác nghiệp và truyền tin, bài, ảnh về Thông tấn xã Việt Nam để sử dụng.
“Khi đó, anh em chúng tôi đi đâu cũng có nhau, lăn lộn vào những nơi gian khổ nhất, ác liệt nhất để lấy thông tin, chụp ảnh và có những bài viết, hình ảnh thời sự nóng hổi, đảm bảo đưa thông tin nhanh nhất. Thông tấn xã Việt Nam luôn là ngôi nhà thứ hai của nhóm phóng viên Thông tấn quân sự chúng tôi,” nhà báo Nguyễn Dĩnh nhớ lại.
Những dòng tin vương mùi khói súng
Một thành viên khác của Thông tấn quân sự là nhà báo Ngọc Đản. Ông bảo rằng phóng viên chiến trường là người chiến sỹ đặc biệt bởi họ có mặt ở hầu hết các trận địa, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, nóng bỏng nhất.
“Đã có nhiều phóng viên hy sinh tại chiến trường khi đang tác nghiệp nơi chiến hào, hay trên các cứ điểm mà cán bộ, chiến sỹ ta vừa xông lên đánh chiếm, hay bảo vệ. Những bài viết, bức ảnh báo chí đầy ắp các chi tiết sinh động với chân dung những con người cụ thể, phản bác những thông tin dối trá của đối phương,” nhà báo Ngọc Đản nói.

Đó là chưa kể, phóng viên chiến trường là người trực tiếp tác nghiệp tại mặt trận. Xét về mặt nghiệp vụ là phải “tác chiến” tại chỗ nên phải có phong cách chủ động tìm kiếm thông tin, ghi chép hàng ngày, “ba cùng” với các chiến sỹ.
“Kinh nghiệm muôn thuở, đặc trưng nghề nghiệp là thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Viết rồi mà không đưa về nhanh tòa soạn để các Ban Biên tập khai thác, xử lý là coi như công toi,” nhà báo Ngọc Đản kể.
Ngày nay sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin đã làm đổi thay bộ mặt và chất lượng thông tin báo chí, nhất là khả năng truyền tải, đưa tin cập nhật đến từng phút, từng giây các sự việc, sự kiện nổi bật, sức lan tỏa khắp toàn cầu. Nhưng ở vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, phóng viên chiến trường của Việt Nam đưa tin phụ thuộc vào các phương tiện kỹ thuật thô sơ.
Trong ký ức của nhà báo Ngọc Đản, các máy điện báo, teletype, các trạm quân bưu đặt tại các Sở chỉ huy cấp Quân khu, Bộ Tư lệnh mặt trận, ở xa nơi xảy ra chiến sự, có khi phải đi bộ hàng mấy ngày đường. Các phóng viên phải tìm mọi cách liên lạc để gửi bài, ảnh về Tổng xã. Gặp được cán bộ chiến sỹ nhận lệnh ra Hà Nội là bằng mọi cách liên hệ, cầu cứu họ giúp đỡ. Có người đã hy sinh trên đường về Sở chỉ huy mặt trận để gửi tin tức. Đây là công đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi sự sáng tạo, nhanh nhẹn của phóng viên.
Trong số hàng chục phóng viên đi vào chiến trường, phòng Thông tấn quân sự có hai liệt sỹ, đó là Lương Nghĩa Dũng và Thẩm Đức Hòa.
Nhà báo Thẩm Đức Hòa (1931-1967), nhập ngũ năm 1947 khi chưa đầy 17 tuổi, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Nguyên Trưởng phòng Thông tấn quân sự Trọng Bảo, đã kể về liệt sỹ Thẩm Đức Hòa, trên một số báo Quân đội Nhân dân: “Chiến thắng giặc Pháp trở về chưa được bao lâu, anh lại lên đường vào miền Nam chiến đấu. Anh đã có mặt ở chiến trường Trị Thiên-Huế từ những ngày đầu đánh Mỹ ác liệt nhất, là một phóng viên xông xáo, bám sát bộ đội, một người lính dũng cảm. Vừa cầm súng vừa cầm bút, những bản tin chiến sự, những bài viết của anh nóng bỏng tin chiến thắng, sôi sục lửa căm thù. Anh hy sinh ngày 23/11/1967 tại mặt trận phía Tây Thừa Thiên-Huế, sau một loạt bom của kẻ thù.”
Liệt sỹ thứ hai của phòng Thông tấn quân sự là nhà báo Lương Nghĩa Dũng (1935-1972). Vào nghề từ năm 1966, sau khóa đào tạo phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã, nhà báo Lương Nghĩa Dũng được giao nhiệm vụ chụp ảnh các lực lượng vũ trang vừa rèn luyện vừa chiến đấu ở miền Bắc và chuyển quân từng đợt cho chiến trường miền Nam.

Trong cuốn sách "Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn" của Nhà xuất bản Thông tấn, ông Lương Nghĩa Dũng được mô tả là một trong những phóng viên chụp được nhiều ảnh pháo cao xạ nổ súng mãnh liệt đánh trả máy bay Mỹ, mà họng súng bừng bừng lửa khói, chụp được nhiều quả tên lửa rời bệ phóng, vút lên trời tìm diệt máy bay Mỹ. Những bức ảnh làm nức lòng người xem, truyền cho mọi người niềm tin chiến thắng.
Trong chiến công chung của cơ quan thông tấn quốc gia có phần đóng góp không nhỏ của những nhà báo-chiến sỹ phòng Thông tấn quân sự. Những bức ảnh, dòng tin từ khắp các chiến trường được các phóng viên Thông tấn quân sự hối hả chuyển về, cùng mang một cái tên chung rất đỗi tự hào: Việt Nam Thông tấn xã./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thong-tan-quan-su-sat-canh-cung-cac-luc-luong-vu-trang-noi-tran-dia-post1035705.vnp
Bình luận (0)