Nữ chiến sỹ “chân đồng vai sắt”
Pháo binh là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật có vị trí là hỏa lực chủ yếu của lục quân và hỏa lực mặt đất chủ yếu của quân đội ta và dường như nhiệm vụ này chỉ dành cho nam giới, bởi việc di chuyển những khẩu pháo nặng tới hàng tấn, khi bắn lại phát ra tiếng nổ lớn, đòi hỏi các pháo thủ phải có sức khỏe và sức chịu đựng phi thường. Thế nhưng, trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều đội nữ pháo binh trực tiếp ra chiến trường, chiến đấu trực diện với kẻ thù và đạt nhiều chiến công xuất sắc.
Những pháo thủ trên chiến trường thường phải cơ động trong điều kiện phải mang vác nặng, nên được mệnh danh là những chiến sỹ “chân đồng vai sắt.” Khi chiến đấu, ngoài vai trò là một pháo thủ, nhiều lúc họ còn là những chiến sỹ bộ binh thực thụ, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.
Pháo binh là lực lượng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ: "chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng" và danh hiệu này không ngoại lệ với các “nữ pháo thủ.”
Đơn vị nữ pháo binh mang tên người anh hùng Hồng Gấm. (Ảnh: Hoàng Chu/TTXVN)
"Đường trơn dốc dựng mưa tuôn
Kìa ai vác pháo ngược đường lên cao
Vẫn cười vẫn nói lao xao
Như đàn chim chích bay vào vườn hoa
Ta chào em gái quê ta
Đã thành dũng sỹ xông pha chiến trường
Đã thành vai sắt chân đồng
Đánh giỏi bắn trúng lập công đã từng
Chào em chào những chiến công
Chào ngọn lửa hồng sáng rực niềm tin.
Những câu thơ mà thi sỹ Giang Nam dành tặng cho các nữ chiến sỹ pháo binh 8/3 (phiên hiệu của đội Nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng) năm 1970 đã trở thành những vần thơ thắp lửa.
Những “bông hoa thép” anh hùng
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam và chống chiến tranh phá hoại của chúng ở miền Bắc, đất nước ta thường xuyên hứng chịu bom đạn của quân thù tàn phá cơ sở vật chất và con người, nên xác định, bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh ác liệt đến đâu cũng phải vừa chiến đấu, tấn công tiêu diệt địch, vừa đảm bảo được sản xuất.
Chính vì thế, ở các địa phương dần hình thành đội ngũ “nữ pháo binh” - lực lượng tại chỗ vừa sản xuất, vừa chiến đấu với kẻ thù. Ban ngày những nữ dân quân tích cực cấy cày, tham gia sản xuất với nhân dân địa phương. Khi đêm xuống hoặc có báo động chiến dịch, họ lại cùng ra trận địa pháo trực chiến cùng bộ đội.
Những cái tên như Trung đội dân quân làng Chanh Thôn (Phú Xuyên), Đội nữ pháo binh 8/3 Lâm Đồng, Bến Cát… và cả những cái tên đã đi vào huyền thoại: mười cô gái Lam Hạ, Đội nữ pháo binh Ngư Thủy, đã khắc sâu trong lòng nhân dân địa phương và vang danh cả nước.
- Đại đội dân quân Lam Hạ
Những năm 1966-1967, không quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc nước ta. Những năm tháng đó, nhiều nữ dân quân thuộc Đại đội dân quân Lam Hạ (xã Lam Hạ, thị xã Phủ Lý, nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) đã trực tiếp chiến đấu và anh dũng ngã xuống ngay trên mâm pháo.
Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập vào ngày 5/8/1965. Hòa cùng quyết tâm chung của cả dân tộc “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước," các cô gái Lam Hạ đã tình nguyện viết đơn gia nhập lực lượng dân quân phòng không.
Mười nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Họ là những cô gái tuổi còn rất trẻ, vừa mới rời ghế trường cấp 3, người là nông dân, giáo viên, công nhân. Mười cô gái ấy cùng sinh ra, lớn lên, cùng chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương Lam Hạ. 10 cô hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các cô mới chỉ khoảng 16-22 tuổi.
Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1/10/1966 có 6 cô hy sinh gồm: cô Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Trần Thị Tuyết (sinh năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948) và Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950).
Còn trận địa pháo 57 ly ở Đường Ấm, ngày 9/10/1966, cô Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944) và Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942) cũng anh dũng hy sinh.
Trên trận địa pháo 57 ly ở Hòa Lạc, ngày 7/7/1967, cô Đặng Thị Chung (sinh năm 1944) hy sinh. Thời gian đầu, chị em phân công luân phiên trực chiến, còn lại vẫn thường xuyên chăm lo công việc đồng áng và việc nhà. Nhiều người ra trận địa trực chiến mà quần áo, tay chân, đầu óc còn vương mùi bùn đất.
Tập luyện kỹ, chiến thuật súng pháo phòng không bắn máy bay là điều thật không dễ dàng chút nào với chị em phụ nữ. Nhưng với quyết tâm lớn, được các đơn vị bộ đội yêu quý, cảm phục và được sự động viên của bà con cô bác, người thân, nên các chị em không chỉ thuần thục một mà nhiều vị trí tác chiến trên mâm pháo phòng không 57 ly, 37 ly, súng máy phòng không 14,5 ly để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Các nữ pháo binh Ngư Thủy. (Ảnh tư liệu)
Vừa mới thành lập được 1 năm, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh quyết liệt. Tiêu biểu là những trận đánh đầu tháng 10/1966.
Sáng sớm 1/10/1966, còi báo động máy bay Mỹ đang bay về phía Nam đồng bằng Bắc Bộ phá tan bầu không khí yên tĩnh. Như một phản xạ tự nhiên, chị em dân quân Lam Hạ tức tốc chạy thẳng ra trận địa phòng không. Ngoài trận địa pháo, các pháo thủ nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, quay tầm, chỉnh hướng, sẵn sàng nhả đạn...
Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. Đó là các chị Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương... Chỉ trong buổi sáng ngày hôm đó, đã có 4 đợt với hàng chục tấn bom dội xuống cầu, đường sắt, trận địa pháo, và các vị trí quanh Phủ Lý, gây nên cảnh đổ nát, chết chóc đau thương.
Mặc dù mới tham gia chiến đấu, giữa trận địa bom, đạn vang rền và tiếng gầm rít của động cơ phản lực, song chị em không hề tỏ ra sợ hãi, nao núng, vẫn bình tĩnh đợi mục tiêu lọt vào tầm bắn mới trút lửa đạn, làm cho địch khó tiếp cận mục tiêu ném bom. Đến đợt thứ 4, lúc gần 10h30, trận địa phòng không ở thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ gồm 4 khẩu đội pháo 37 ly bố trí dọc theo trục đường chính của xã, gần Quốc lộ 1, có tới 2 khẩu đội bị trúng bom.
Loạt bom đó đã cướp đi sinh mạng 6 nữ dân quân Lam Hạ gồm Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương.
Tám ngày sau (9/10/1966), trong một trận đánh trả máy bay Mỹ, lại có thêm ba người con gái Lam Hạ là các chị Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở Đường Ấm.
Di ảnh của liệt sỹ Trần Thị Thẹp. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Trong trận chiến đấu khác, ngày 7/7/1967, người con gái thứ 10 - Đặng Thị Chung của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã anh dũng hy sinh tại trận địa pháo 57 ly ở Hòa Lạc.
Mười cô gái - liệt sỹ Lam Hạ, mỗi người một vẻ, song tinh thần chiến đấu, sự hy sinh và những câu chuyện riêng của họ đã trở thành Bài ca đi cùng năm tháng của một thời đánh Mỹ hào hùng.
Mười cô gái Lam Hạ hy sinh không cùng một ngày giống như mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), song tất cả đều là những anh hùng liệt sỹ bất tử với thời gian, sống mãi với tuổi mười sáu, đôi mươi, mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ.
- Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy
Vào năm 1965, do liên tiếp thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc. Quảng Bình - chiếc cầu nối giữa chiến trường miền Nam và hậu phương miền Bắc, đã gánh chịu biết bao bom đạn của kẻ thù.
Trung bình mỗi người dân Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phải gánh chịu trên 130 quả bom, đạn các loại. Ngày 20/11/1967, Tỉnh đội Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy (gọi tắt là Xê gái). Đại đội gồm 3 trung đội, có nhiệm vụ phòng thủ bờ biển và đánh chặn tàu chiến Mỹ trên biển, không cho tàu áp sát hải phận nước ta. Vũ khí được trang bị cho Đại đội là 4 khẩu pháo 85 ly.
Lúc đầu Đại đội có 37 chiến sỹ, đều là xã viên hợp tác xã ngư nghiệp, tuổi đời mới từ 16-22. Những cô gái nhỏ nhắn nhưng đã làm nên những chiến thắng lớn lao.
Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy ngày ấy. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình)
Ngày 7/2/1968 là mốc lịch sử đánh dấu chiến công đầu tiên của Đại đội "Xê gái." Chỉ với 48 viên đạn, các pháo thủ đã bắn trúng tàu chiến số hiệu 013 của Mỹ.
Bà Ngô Thị Thới - Chính trị viên của Đại đội nhớ lại khi mục tiêu chỉ còn cách tầm bắn 13km, Đại đội nhận lệnh bắn từ Đại đội trưởng The, đồng loạt bắn 4 phát (16 viên) vào tàu giặc. Khi bắn phát đầu tiên, địch đã phát hiện được vị trí của bên mình, chúng cho tàu chiến bắn pháo, máy bay địch từ trên cao ném bom xuống, đen mù mịt không thấy gì. Nhưng tất cả chị em vẫn quyết tâm bám sát trận địa không rời mục tiêu, với quyết tâm lập chiến công ngay trận đánh đầu tiên.
Sau chiến công đó, đơn vị tiếp tục chiến đấu và lập thêm nhiều chiến công giòn giã tại các trận: ngày 27/3, 15/5, 14/6/1968 và 5/5, 19/6, 14/7, 29/7/1972. Chiến đấu ngoan cường, nhiều người được kết nạp Đảng ngay trên mâm pháo. Nhiều nữ pháo thủ bị thương vẫn cương quyết bám trận địa, sát cánh cùng đồng đội như Trần Thị Gắng, Nguyễn Thị Bé, Ngô Thị Mãi…
10 năm chiến đấu ròng rã (1967-1976), họ đã làm nên những chiến tích hào hùng. Với những thành tích đạt được, ngày 25/8/1970, Đại đội được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, cả 37 nữ pháo binh Ngư Thủy đều được phong tặng anh hùng.
Đại đội nữ Pháo binh Ngư Thủy bên tượng đài ghi công. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình)
Đặc biệt, Đại đội còn là đơn vị vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen và hai lần tặng thưởng huy hiệu của Người. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1977, đơn vị giải thể, quân số của đơn vị lúc này tổng cộng là 91 người.
Ở miền Nam, sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy ở toàn miền Nam Tết Mậu Thân 1968, nhiều đội pháo binh ở khắp các chiến trường Nam Bộ đã ra đời. Đó là những đơn vị rất đặc biệt - toàn là nữ, trực thuộc các huyện đội được biên chế gọn nhẹ từng tiểu đội đến đại đội.
Là nữ nhưng họ lại chuyên sử dụng súng cối, vừa làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, vừa là những đơn vị chiến đấu thực sự. Điều đặc biệt là các chị hầu hết còn rất trẻ, có người vừa mới qua tuổi trăng tròn. Nhiều người chỉ mới biết đọc biết viết, nhưng khi bắn lại rất chính xác, địch phản pháo vẫn bình tĩnh, linh hoạt xử lý tình huống...
- Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát
Ở miền Đông Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Bến Cát (Bình Dương) nổi tiếng với khả năng vừa có thể chiến đấu độc lập, cũng có thể đánh phối hợp và còn làm tốt công tác phục vụ chiến đấu, dân vận, địch vận.
Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát được thành lập vào tháng 1/1968. Từ khi thành lập đến hết Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khẩu súng AK đã cùng Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát xung trận, độc lập chiến đấu và phối hợp chiến đấu hơn 400 trận; bẻ gãy nhiều cuộc hành quân, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, đồn bốt của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.
Khẩu súng AK của Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát được lưu giữ ở Bảo tàng Quân khu 7. (Nguồn: Quân đội Nhân dân)
Điển hình là ngày 20/10/1972, trên đường đi công tác về căn cứ thì đội hình hành quân của đơn vị bị 3 chiếc trực thăng vũ trang của địch phát hiện. Chúng sà xuống bắn vào đội hình của đơn vị. Trước tình hình trên, dưới sự chỉ huy của cán bộ đại đội, toàn thể đơn vị lợi dụng địa hình, địa vật che đỡ, dàn thế trận, dùng súng bộ binh đồng loạt đánh trả.
Ngay loạt đạn đầu, 1 chiếc trực thăng bị bắn rơi tại chỗ, 2 chiếc khác bỏ chạy. Một lúc sau, địch lại tập trung 5 chiếc khác đến bắn phá, chị em Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát tiếp tục nổ súng đánh trả và bắn rơi thêm 1 chiếc, số còn lại bỏ chạy.
Với nhiều chiến công xuất sắc, năm 1969, Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát được tặng danh hiệu “Đơn vị thành đồng quyết thắng."
Ngày 20/10/1976, Đại đội nữ Pháo binh Bến Cát vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
- Đội nữ cối Xuân Lộc
Đội pháo binh Đồng Nai nổi tiếng, được hình thành từ Trung đội trợ chiến nhưng quen được gọi là đội cối Xuân Lộc.
Do yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang huyện Xuân Lộc và nhằm đáp ứng thực tế chiến trường, cuối năm 1968, đơn vị pháo cối thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc được thành lập. Tên chính thức là đội trợ chiến hoặc đội cối Xuân Lộc nhưng do đặc điểm thành viên đội cối phần lớn là nữ nên vẫn được gọi với cái tên: Đội nữ cối Xuân Lộc.
Theo cựu chiến binh Đỗ Thị Thuận (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), nguyên Đội trưởng Đội nữ cối Xuân Lộc, trận đầu tiên vào ngày 12/3/1969, 4 chiến sỹ trong đơn vị gồm Nghiệp (Nguyễn Hoàng Nghiệp, đội trưởng), Hồng, Ngọc, Chấn từ căn cứ Tân Phong hành quân đến ấp Phú Bình, nơi có Ty Cảnh sát của quân đội Sài Gòn đóng để nghiên cứu trận địa. Địa hình nơi đây đất đá gồ ghề, khó đi, Ty Cảnh sát gần nhà dân, dễ bị lộ, khó quan sát mục tiêu.
Nhưng khi 4 chiến sỹ bò sát vào hàng rào để điều nghiên thì dãy hàng rào chỉ cách mục tiêu khoảng 300m, phía dưới được xếp đá có thể làm vật cản đạn địch. Ngay lập tức, 4 chiến sỹ đưa khẩu cối 60 li cùng 15 viên đạn và đặt cối bắn thẳng vào Ty Cảnh sát quân đội Sài Gòn; tiêu diệt ngay tên cảnh sát trưởng và nhiều tên khác bị thương nặng…
Sau thắng lợi trận đầu, đội tiếp tục giành nhiều thành tích trong những trận chiến đấu tiếp theo. Trong trận giải phóng Xuân Lộc, đội được phân công chốt chặn sử dụng pháo, cối để yểm trợ cho bộ đội chủ lực và độc lập tác chiến, tiêu diệt các kho tàng, căn cứ, phương tiện chiến tranh dọc quốc lộ 1, khu vực đồn Cầu Sập (xã Suối Cát ngày nay) và chặn địch từ Bình Thuận vào; đặc biệt là yểm trợ chặn đánh Lữ đoàn Dù 2 của quân đội Sài Gòn đổ bộ từ Long Khánh lên...
“
Chị em trong đội cối vừa là chỉ huy, vừa là pháo thủ, vừa nạp đạn, vừa tải thương lại kiêm y tá. Chị em luôn mang trên mình 3 loại vũ khí: súng AK (khoác chéo lưng), lựu đạn dắt bên hông và cối 82 ly hoặc 60 ly, chiến đấu liên tục, kìm chân địch.
“Chị em trong đội cối vừa là chỉ huy, vừa là pháo thủ, vừa nạp đạn, vừa tải thương lại kiêm y tá. Chị em luôn mang trên mình 3 loại vũ khí: súng AK (khoác chéo lưng), lựu đạn dắt bên hông và cối 82 ly hoặc 60 ly, chiến đấu liên tục, kìm chân địch. Đến 17 giờ 30 ngày 9/4/1975, đồn Cầu Sập (Suối Cát), đồn Xuân Phú (dinh Ông Cung), ngã tư Ông Đồn bị ta tiêu diệt, mở ra thắng lợi cho giải phóng Xuân Lộc," cựu chiến binh Đỗ Thị Thuận kể lại.
Những ngày sau đó, Đội nữ cối Xuân Lộc tiếp tục chiến đấu, yểm trợ cho bộ binh ta tiến lên giải phóng Long Khánh, mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc (thị xã của tỉnh Long Khánh lúc bấy giờ - thành phố Long Khánh ngày nay).
Gần 7 năm chiến đấu, Đội nữ cối Xuân Lộc đã tham gia đánh 144 trận, trong đó độc lập tác chiến 74 trận, tiêu diệt 771 lính quân đội Sài Gòn, 134 lính Mỹ (có 1 phi công); phá hỏng và thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Đội cũng đau xót tiễn đưa nhiều đồng đội hy sinh như chị Thu, anh Nghiệp và nhiều đồng chí khác.
- Đội nữ pháo binh Long An
Ở miền Trung và Tây Nam Bộ, Đội nữ pháo binh Châu Thành (Long An) được vang danh với tên gọi quen thuộc là “Đội nữ pháo binh Long An.”
Từ một khẩu đội được thành lập ngày 9/2/1968 tại xã Phú Ngãi Trị, Đội phát triển thành 3 khẩu đội cối 60 ly với 30 pháo thủ toàn nữ, nhưng là nỗi khiếp sợ của các căn cứ Mỹ trên “vành đai diệt Mỹ” ở Long An.
Trong ký ức của chị Trương Thị Hồng Quân, Trung đội phó đội nữ pháo binh tỉnh Long An, chiến công của các đội nữ pháo binh Long An-Kiến Tường đã góp phần làm nên những trang sử vàng của mảnh đất trung dũng kiên cường toàn dân đánh giặc. Đó là các trận đánh vào chốt Mỹ ở Cần Đốt, vành đai Rạch Kiến, Bình Tịnh, Hiệp Thạnh khiến địch thiệt hại nặng nề. Đó là các trận nã pháo trúng Dinh Tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, trận đánh vào sân bay bẻ gãy trận càn của địch vào Đức Lập.
Các nữ pháo thủ của Đội nữ pháo binh Long An anh hùng. (Ảnh: Tư liệu)
Chỉ trong 3 năm, từ 1968 đến 1970, nữ pháo binh Long An đã đánh vào Đức Hòa 416 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục xe tăng, hàng ngàn tên Mỹ ngụy.
Và trận Mậu Thân 1968, cùng với các đồng đội, Khẩu đội trưởng Hồng Quân đã rót hàng chục trái đạn, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại vùng cực Nam của Tổ quốc, hầu hết các huyện của tỉnh Cà Mau đều tổ chức được các trung đội nữ pháo binh và lập được thành tích đáng nể. Nữ pháo binh Châu Thành bắn rơi cả máy bay phản lực, diệt hàng chục tên địch, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng; Trung đội nữ pháo binh huyện Đầm Dơi trong trận công đồn Chà Là, trong 10 phút nổ súng với 21 phát đạn cối đã diệt gọn một trung đội bảo an địch.
Trung đội Nữ pháo binh Trảng Bàng (Ảnh do phóng viên Báo Tây Ninh chụp lại tại Nhà truyền thống huyện Trảng Bàng).
Đội nữ pháo binh Cái Nước tuy được thành lập muộn (tháng 11/1972) nhưng chỉ sau 3 năm đã tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ, diệt 2 đại đội bảo an, 1 trung đội thám báo, 125 tên địch và tham gia cùng các đơn vị khác trong tỉnh chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975…
“Các chị em bảo nhau luyện tập từng ngày để đánh địch chính xác, hiệu quả hơn. Sự sống và cái chết chỉ kề nhau trong gang tấc thôi. Chiến đấu là vậy còn điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn và vô cùng khắc nghiệt, có khi 2-3 ngày chị em mới tắm được một lần”, chị Nguyễn Hồng Thanh, chính trị viên, Trung đội nữ pháo binh Châu Thành tâm sự…
Trung đội nữ pháo binh Trảng Bàng tham gia bắn pháo vào các mục tiêu của địch trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)
Với họ - những nữ pháo thủ - hai chữ “độc lập” cho Tổ quốc đã trở thành động lực để không gì ngăn cản bước chân tưởng như yếu mềm của người phụ nữ.
Trong lịch sử chiến đấu và trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vang dội, bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, trong thành quả chung đó, có sự đóng góp của những nữ pháo thủ anh hùng./.
Đội nữ pháo binh tỉnh Cà Mau học tập rèn luyện kỹ năng chiến đấu chuẩn bị cho ngày giải phóng 20/4/1975 (Ảnh tư liệu). (Ảnh: Võ An Khánh/TTXVN)
Nguồn:https://mega.vietnamplus.vn/doi-nu-phao-binh-nhung-bong-hoa-thep-anh-hung-6778.html
Bình luận (0)