Trong bối cảnh khoa học trở thành mạch nguồn sống động, dẫn dắt dòng chảy đổi mới sáng tạo và mở lối cho khát vọng Việt Nam vươn mình ra thế giới, thế hệ trẻ chính là lực lượng tiên phong. Họ mang trong mình tinh thần dũng cảm, tư duy sáng tạo và khát vọng lớn lao.
TS Nguyễn Viết Hương - Phó trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Kỹ thuật Phenikaa, Đại học Phenikaa là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ nhà khoa học Việt Nam đầy nội lực. Anh là chủ nhân của bằng độc quyền sáng chế quốc tế với công trình “Phát triển công nghệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển SALD”. Đồng thời anh có 37 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 với 15 bài là tác giả chính.
Kể về cơ duyên đến với nghiên cứu khoa học chuyên sâu, TS Hương cho biết, có lẽ duyên phận bắt đầu khi anh nhận được học bổng của Đề án 322 - cử sinh viên đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Chàng trai 19 tuổi mang theo hoài bão theo đuổi ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ nano đã lựa chọn Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia Lyon - trường kỹ sư hàng đầu nước Pháp.
Yêu thích khoa học công nghệ từ khi còn là cậu học sinh nhưng hành trình nghiên cứu khoa học của anh lại bắt đầu khá muộn. Bước ngoặt đến từ năm cuối của chương trình kỹ sư, các sinh viên có một kỳ thực tập 6 tháng. Anh được giới thiệu sang IMEC, Leuven (Bỉ) - một trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano vào loại lớn nhất châu Âu.
“Khi tới IMEC, tôi bị choáng ngợp bởi sự chuyên nghiệp và yêu cầu khắt khe đối với công việc nghiên cứu. Lúc này tôi nhận ra, nếu muốn hiểu rất sâu về một lĩnh vực, bản thân cần bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Tôi đã đăng ký làm nghiên cứu sinh tiến sĩ để có thể học sâu hơn. Đây cũng là khởi đầu cho công việc hiện tại tôi đang theo đuổi” - TS Hương nhớ lại.
9 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Pháp, TS Nguyễn Viết Hương đã nhận được nhiều lời mời về việc định cư và làm việc lâu dài ở đất nước này. Tuy nhiên, anh đã từ chối những lời mời hấp dẫn đó vì anh luôn tâm niệm “ra đi ước hẹn ngày về thăm quê”.
Trở về Việt Nam, TS Hương bắt đầu làm việc tại Đại học Phenikaa từ năm 2019 cũng như bắt tay vào dự án xây dựng hệ thống SALD - hệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử ở áp suất khí quyển đầu tiên tại Việt Nam. Vượt qua muôn vàn khó khăn, sau 3 năm làm việc không ngừng nghỉ, anh và các cộng sự đã cho ra mắt phòng thí nghiệm công nghệ SALD.
Thành công này không chỉ là kết quả nỗ lực cá nhân mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình của khoa học công nghệ trong nước. TS Hương đánh giá Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã cởi nút thắt về mặt chính sách, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Nhờ có chính sách cởi mở, những nhà khoa học trẻ sẽ có thêm niềm tin và động lực để đầu tư dài hạn cho nghiên cứu, xây dựng các nền tảng công nghệ của Việt Nam.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là cái tên được nhắc nhiều trong đoàn thể thao Việt Nam sau Olympic Paris 2024. Thu Vinh gây ấn tượng mạnh khi là vận động viên duy nhất của Việt Nam lọt vào chung kết hai nội dung môn bắn súng ngay trong lần đầu tiên tham dự Olympic. Cũng tại Olympic Paris 2024, Trịnh Thu Vinh đã đạt thành tích hiếm gặp trong môn bắn súng khi có loạt bắn 14 điểm 10 liên tiếp ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.
Bắt đầu sự nghiệp thể thao bằng bộ môn điền kinh nhưng sau 3 năm, Trịnh Thu Vinh bất ngờ rẽ hướng sang bắn súng - bộ môn trái ngược hoàn toàn với những gì trước đó cô được tập luyện.
“Nếu điền kinh yêu cầu sự nhanh nhẹn, linh hoạt thì bắn súng lại có phần điềm tĩnh hơn, chậm mà chắc. Vì vậy, khi mới chuyển sang bộ môn này, tôi gặp không ít khó khăn. Tôi phải làm quen với cách cầm súng, tư thế ngắm bắn chính xác, nhiều lần tiếng đạn quá to khiến tôi giật mình” - Thu Vinh nhớ lại những ngày đầu.
Tiếp xúc với bắn súng khá muộn và chưa có nhiều kinh nghiệm, vì vậy nữ xạ thủ buộc phải cố gắng gấp nhiều lần nhằm bắt kịp đồng đội. Nhớ lại những ngày ở trường bắn tập luyện, mồ hôi ướt đẫm bộ đồ thể thao, cổ tay mỏi nhừ vì cầm súng khiến Thu Vinh bồi hồi.
“Trong những ngày tháng luyện tập, tôi gặp áp lực và căng thẳng đến mức tưởng như không thể tiếp tục. Khi ấy, tôi thường xem lại những câu chuyện vượt khó của người khác để nhắc nhở bản thân" - nữ xạ thủ bày tỏ.
Giọt mồ hôi rơi trên trường bắn đã đổi thành giọt nước mắt hạnh phúc khi nữ xạ thủ gặt hái được thành quả. Những tấm huy chương ở các giải đấu quốc nội và quốc tế lần lượt đến với Thu Vinh, càng thêm khẳng định lựa chọn đúng đắn của cô gái trẻ.
Năm 2024 là năm đặc biệt đối với nữ xạ thủ sinh năm 2000 khi cô liên tiếp nhận được nhiều huy chương quốc tế, bằng khen và danh hiệu. Tháng 1.2024, Thu Vinh giành tấm Huy chương Vàng nội dung 10m súng ngắn hỗn hợp đồng đội tại Giải Bắn súng vô địch châu Á. Trước đó, Thu Vinh đã giành quyền tham dự Olympic Paris 2024 sau khi đạt hạng 5 nội dung 10m súng ngắn hơi cá nhân nữ tại Giải vô địch bắn súng thế giới. Nữ xạ thủ cũng vinh dự nhận Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
“Trong năm 2025, tôi sẽ phối hợp với ban huấn luyện tiếp tục tập luyện, hoàn thành các giải đấu trong nước và quốc tế, nhất là kỳ SEA Games 33. Mong rằng tôi có thể hoàn thành tốt mọi mục tiêu như kế hoạch đã đề ra, mang về cho bắn súng Việt Nam thêm nhiều thành tích tốt hơn nữa” - Thu Vinh kỳ vọng.
Giành Huy chương Vàng Olympic Vật lí Châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2024 và mới nhất là Giải thưởng "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024", Thân Thế Công - sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội là một điển hình cho nỗ lực học tập không ngừng.
Dù đã đạt nhiều thành tích trong học tập, nhưng Thế Công chưa bao giờ để bản thân “ngủ quên trên chiến thắng”. Công luôn đặt ra mục tiêu cao hơn trong lĩnh vực công nghệ mới nhằm tiếp tục thôi thúc bản thân phấn đấu, phát triển không ngừng. Chia sẻ về định hướng trong tương lai, Thế Công cho biết bản thân muốn trở thành kỹ sư trong ngành công nghệ bán dẫn.
“Công nghệ bán dẫn và chip điện tử không chỉ là ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích của tôi mà còn là ngành nghề xã hội đang rất cần. Chính phủ đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực này. Tôi mong muốn mang những kiến thức học được góp phần vào sự phát triển của đất nước trong tương lai” - Thế Công chia sẻ.
Với nam sinh, muốn dân tộc vươn mình thì mỗi cá nhân phải nỗ lực hơn để đủ sức, lực và trí, hòa mình cùng kỷ nguyên mới.
"Giới trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Muốn đảm đương trọng trách ấy, mỗi người cần không ngừng học tập và rèn luyện. Bởi lẽ, kiến thức chính là chìa khóa mở ra cánh cửa của thành công. Khi có nền tảng tri thức vững vàng, chúng ta mới có thể nắm bắt những cơ hội, vươn lên phát triển bản thân và đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước" - Thế Công khẳng định.
Nguồn:https://laodong.vn/emagazine/the-he-tre-viet-nam-ban-linh-vung-buoc-tien-vao-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-1497052.ldo
Bình luận (0)