Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo Bộ Nội vụ quán triệt tại cuộc họp giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5, diễn ra chiều 28/4.
Nhiệm vụ "nặng" thêm theo cấp số nhân
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 5, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân cho biết, Bộ sẽ tập trung cao độ, ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng tờ trình, đề án, nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, cấp xã đối với các địa phương thuộc diện sắp xếp.
Các văn bản này sẽ được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm chất lượng, kỹ lưỡng, hiệu quả, đúng trình tự, tiến độ cấp có thẩm quyền giao, với tinh thần làm việc thần tốc, thận trọng, không kể ngày đêm hay nghỉ lễ.
Trong đó, Bộ sẽ khẩn trương xây dựng 1 tờ trình, đề án chung và 1 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời hoàn thiện 23 đề án thành phần của các cấp tỉnh liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cùng các tờ trình, đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới hình thành sau sắp xếp để trình Chính phủ chậm nhất trước ngày 8/5.
Song song đó, Bộ tập trung tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ thông qua các tờ trình, đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, chậm nhất trước ngày 6/5; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chậm nhất trước ngày 10/5.
Các cán bộ, công chức được phân công phụ trách địa bàn chủ động bám sát, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương trong quá trình xây dựng, hoàn thiện tờ trình, đề án và các tài liệu kèm theo, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thống nhất số liệu trong từng hồ sơ theo đúng hướng dẫn của các cấp thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5 của Bộ (Ảnh: Tống Giáp).
Bộ Nội vụ phấn đấu trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/6, làm cơ sở để các địa phương triển khai sắp xếp bảo đảm vận hành cấp xã từ ngày 1/7 và cấp tỉnh sau ngày 30/8.
Đồng thời, Bộ chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Bộ cũng tập trung đôn đốc các bộ, ngành khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Mục tiêu là bảo đảm tổ chức bộ máy sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn và không để xảy ra khoảng trống pháp lý.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác trong tháng 5 đó là Bộ sẽ tập trung tổng hợp những vấn đề liên quan đến tài sản, kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã nghỉ việc.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khái quát, trong tháng 5, áp lực, sức nặng từ khối lượng công việc của Bộ càng tăng thêm ở cấp số nhân, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế.
Trước hết là nhóm thể chế liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính, hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề và Bộ Nội vụ phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Đến ngày 15/6, toàn bộ nội dung phải được hoàn tất và trình lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực. Khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ sẽ ban hành ngay các văn bản liên quan.
"Đây là nhiệm vụ nặng nề. Do đó, tôi yêu cầu Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Công chức - Viên chức và các đơn vị liên quan tập trung cao độ, rà soát tiến độ và phương thức thực hiện để đảm bảo hoàn thành sớm nhất có thể, bởi thời gian không thể chờ đợi thêm", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng lưu ý việc chuẩn bị nội dung tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chủ động nắm bắt, tổng hợp những vấn đề "nóng", thời sự liên quan đến lĩnh vực nội vụ được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận và nhân dân quan tâm như sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp; Chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chịu ảnh hưởng do việc sắp xếp...
Hoàn thành nhiều việc rất lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân khái quát, trong tháng 4, khối lượng công việc đã hoàn thành của Bộ rất lớn, với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, phức tạp.
Đồng thời, Bộ phải khẩn trương triển khai các đầu việc để bộ máy mới đi vào vận hành ổn định sau khi hợp nhất. Nhờ làm tốt việc này mà Bộ đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Kết quả cụ thể, trong tháng 4, Bộ Nội vụ đã hoàn thành 137/146 nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, đạt tỷ lệ 93,8%. Nhiều đơn vị trực thuộc Bộ hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân (Ảnh: Tống Giáp).
Đặc biệt, Bộ đã tập trung tổng lực xây dựng và tham mưu cấp có thẩm quyền đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
"Đây là công việc có tính chất phức tạp, khối lượng công việc lớn, song đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đề án đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua và đang trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện", Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân thông tin.
Hiện nay, Bộ Nội vụ tập trung hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện đề án sắp xếp của địa phương, gửi về Bộ thẩm định, xây dựng đề án chung trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
Song song với đó, Bộ Nội vụ cũng rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư.
Nhìn chung, hoạt động của các bộ, ngành cơ bản ổn định, không phát sinh vấn đề lớn. Trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ gấp rút tổng hợp những vấn đề liên quan đến tài sản, kinh phí để giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trong tháng 4, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu tổ chức thành công các Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Một đầu việc quan trọng khác là hoàn thành và công bố bộ Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024 tại Phiên họp Chính phủ tháng 4.
Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu Chủ tịch nước quyết định tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày thành lập nước, với tổng kinh phí trên 834.000 tỷ đồng.
Bộ cũng đã chủ động nắm bắt tình hình lao động, việc làm tại các địa phương trước tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đối với thị trường lao động Việt Nam. Qua đó, Bộ đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người lao động tìm kiếm, ổn định việc làm.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/noi-vu/trinh-quoc-hoi-ban-hanh-nghi-quyet-nhap-tinh-giam-xa-truoc-306-20250428163913918.htm
Bình luận (0)