Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phi công Việt từng khiến thế giới chấn động khi một mình cướp máy bay địch

(Dân trí) - Một mình giữa đất địch, ông Hùng len lỏi vào khu vực trực thăng, trèo lên buồng lái, cướp chiếc trực thăng UH-1, bay về vùng giải phóng.

Báo Dân tríBáo Dân trí28/04/2025

1.webp

Giữa cái nắng như đổ lửa của tháng 4, khi cả miền Nam đang náo nức chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, ông Hồ Duy Hùng lặng lẽ ngồi lật từng trang sách Điệp viên gãy cánh, cuốn sách gói trọn cả một đời làm tình báo thầm lặng và kiêu hãnh.

Người từng khiến thế giới chấn động khi đánh cắp trực thăng UH-1 của Mỹ năm 1973, vượt khỏi vòng kiểm soát của địch để bay về vùng giải phóng, giờ đây sống bình dị trong ký ức cũ. Ông từng được cài cắm sâu vào nội bộ chính quyền Sài Gòn, sống giữa lằn ranh sinh tử để chuyển tin về cho cách mạng.

Những trang sách chứa cả tuổi trẻ hào hùng, nhưng với ông Hùng chẳng đáng nhắc đến so với bao máu thịt của đồng đội, đồng bào hi sinh để có được hòa bình.

"Sức tôi chẳng đáng kể gì", ông khiêm tốn.

Năm nay, trong lòng người điệp viên già vẫn bồi hồi chờ đợi ngày diễu binh. Ông mong có thể gặp lại những đồng đội năm xưa - những người từng cùng ông chiến đấu, sống chết vì lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc.

2.webp

3.webp

Ông Hồ Duy Hùng, bí danh Chín Chinh, (SN 1947 tại Cẩm Sơn, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam), sinh ra trong một gia đình cách mạng. Cha ông - cụ Hồ Duy Từ - là một trong những Đảng viên đầu tiên của huyện Duy Xuyên, các anh chị em đều tham gia hoạt động bí mật, có người làm điệp báo trong vùng địch.

14 tuổi, ông học Trường Trần Cao Vân (Tam Kỳ) tham gia phong trào học sinh chống chính quyền. Năm 1967, bị lộ ông rời quê vào Quy Nhơn sống với chú, vừa học vừa tiếp tục hoạt động bí mật trong phong trào sinh viên Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1968, theo chỉ đạo tổ chức, ông gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa, vào học trường sĩ quan Thủ Đức. Cuối năm đó, ông Hồ Duy Hùng được chọn học Anh ngữ phi hành, tháng 12/1969, sau khi tốt nghiệp Trường Sinh ngữ Quân đội, ông được cử sang Mỹ học lái trực thăng.

Tại Mỹ, ông tốt nghiệp loại giỏi với dòng UH-1 và được đào tạo thêm về điều khiển trực thăng vũ trang (gunship).

"Để có được tấm bằng lái ấy, tôi đã phải nỗ lực vượt qua chính mình, cả nỗi đau bị người thân ghẻ lạnh, mỉa mai...", ông Hùng nói.

Năm 1970, ông về nước, được phân về Phi đoàn 215, Sư đoàn 2 Không quân Việt Nam Cộng hòa đóng tại Nha Trang, đồng thời tổ chức giao cho làm thành viên tổ điệp báo E4.

Nhờ vị trí này, ông cung cấp nhiều tài liệu tuyệt mật: Bản đồ, ảnh trinh sát, tần số liên lạc của quân Mỹ... giúp ích rất lớn cho lực lượng cách mạng ta.

Tuy nhiên, sau 5 tháng trở về nước, tháng 3/1971, ông bị An ninh quân đội Sài Gòn bắt giữ vì bị phát hiện có xuất thân từ gia đình cách mạng, nhiều người tham gia hoạt động cho Mặt trận Giải phóng. Ông bị giam, thẩm vấn suốt 5 tháng. Không có đủ bằng chứng buộc tội hoạt động chống chính quyền, ông bị sa thải khỏi quân đội với lý do "khai man lý lịch, có dấu hiệu thân Cộng".

Trở về lực lượng ta, năm 1972, ông Hùng được giao nhiệm vụ đánh cắp hoặc cướp máy bay của địch trong chiến dịch "Mùa hè đỏ lửa". Nhưng khi đó tình hình chiến sự ác liệt, quân địch đóng dày đặc, kiểm soát nghiêm ngặt các sân bay, không thể thực hiện.

4.webp

5.webp

Một năm sau, tháng 11/1973, ông Hùng trở lại Đà Lạt, nhận nhiệm vụ do quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao, lấy một chiếc trực thăng UH-1, bay về vùng giải phóng để phục vụ cho kế hoạch đánh vào Dinh Độc Lập.

"Thực tế nhiệm vụ này do tôi tự đề xuất", ông nói.

Ông hiểu rõ đây là nhiệm vụ mà cái chết có thể ập đến trong chớp mắt - thất bại đồng nghĩa với hi sinh. Với ông, làm tình báo là đi trên lưỡi dao, chỉ một bước hụt là mất mạng. Nhưng nếu tính toán đủ kỹ, xác suất sống sót vẫn là 50-50, ông chọn bước tiếp.

"Tôi chuẩn bị tinh thần. Nếu thất bại, tôi chết. Nhưng giữa chiến trường, ai mà chẳng đối mặt với cái chết? Đã nhận nhiệm vụ thì không quay đầu", ông nói, giọng chắc nịch.

Kế hoạch tiếp cận máy bay được ông chuẩn bị kỹ lưỡng, từng chi tiết như một ván cờ sinh tử. Ông chọn bãi đất trống gần nhà hàng Thủy Tạ, bên hồ Xuân Hương - nơi từng là điểm đáp quen thuộc khi ông còn là phi công của Phi đoàn 215. Nhờ kinh nghiệm dày dạn, ông nắm rõ mọi ngóc ngách khu vực này.

6.webp

Tại đây, gần như không có lực lượng quân sự canh gác. Chốt duy nhất là người dân vệ đứng ở sân tennis - một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, chính là cơ hội vàng để ông hành động.

Vị trí đỗ máy bay nằm ngay trong tầm quan sát tuyến đường lên chợ Đà Lạt. Ông tính toán: "Nếu phi công Mỹ xuất hiện bất ngờ, tôi có thể phát hiện từ xa và xử lý ngay, hoặc rút lui an toàn, hoặc ra tay chớp nhoáng, khiến đối phương không kịp phản ứng".

Ngày 4/11, ông tiếp cận một chiếc trực thăng đang đậu tại bãi, sau khi kiểm tra, phát hiện nhiên liệu không đủ bay về căn cứ nên lặng lẽ rút lui.

Sáng 7/11, dù thời tiết xấu, ông vẫn kiên trì theo dõi. Đúng 9h, một chiếc UH-1 mang số hiệu 60139 bất ngờ hạ cánh.

Ông lập tức tiếp cận, nhanh chóng leo vào buồng lái, kiểm tra cần điều khiển và hệ thống khóa, sau đó kiểm tra nhiên liệu và điện áp. Thấy đồng hồ báo đủ 24V - mức có thể khởi động - ông Hùng bật công tắc, kiểm tra lần cuối. Điện ổn định, ông yên tâm rời buồng lái, tháo dây cố định cánh quạt đuôi rồi quay lại vị trí điều khiển.

Thay vì mất 3-4 phút như quy trình thông thường (tháo dây chằng đuôi, cuộn dây, đưa vào khoang, thắt dây an toàn, khởi động, theo dõi vòng tua, nhiệt độ động cơ…), ông chỉ mất 40 giây để đưa chiếc trực thăng cất cánh.

Chiếc UH-1 nghiêng mình lướt qua mặt hồ Xuân Hương, lao thẳng vào màn mưa trắng xóa, biến mất giữa bầu trời xám xịt, hướng về căn cứ cách mạng.

Khoảnh khắc đặt chân vào buồng lái, với ông Hùng, chẳng khác nào cưỡi ngựa xông pha trận mạc - không chỗ cho sợ hãi hay do dự. Trong đầu ông lúc ấy chỉ còn một mục tiêu: Khởi động máy bay, đạt đủ vòng tua, cất cánh an toàn.

Nhưng bầu trời Đà Lạt cuối năm không dễ dàng buông tha. Vừa rời mặt đất, mây mù bao phủ dày đặc, vừa cất cánh, mưa trút xuống. Trong lúc khẩn trương, ông sơ ý quên bật thiết bị chuyển điện - bộ phận điều khiển đồng hồ chân trời, thứ duy nhất giúp định hướng trong mù sương.

7.webp

"Bay vào mây không có chỉ báo phương ngang, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào", ông Hùng kể lại giây phút sinh tử năm ấy.

Mây đặc bao vây chiếc UH-1. Không ánh sáng, không phương hướng, ông gần như bị nuốt chửng giữa bầu trời trắng xóa. May thay, chiếc đồng hồ đo độ cao - loại cơ học sử dụng áp suất không khí - vẫn hoạt động. Ông lập tức kéo cần lái, đưa trực thăng vọt lên độ cao trên 2.000m, tránh nguy cơ đâm vào núi trong địa hình hiểm trở của Đà Lạt.

Dù hành động này đi ngược lại quy định tác chiến, phải bay sát ngọn cây để tránh radar địch, ông chấp nhận rủi ro bị phát hiện để đổi lấy sự an toàn cho chiếc trực thăng.

Trong tình huống không còn đồng hồ chân trời, ông Hùng buộc phải dùng đồng hồ tốc độ làm cơ sở giữ thăng bằng. "Tốc độ quá thấp, máy bay sẽ mất lực nâng và rơi. Ngược lại, nếu vượt ngưỡng, mũi máy bay sẽ chúi xuống rất nguy hiểm", nam phi công giải thích.

Tay điều khiển không ngừng hoạt động, ông giữ tốc độ ổn định ở mức 120-130km/h, từng giây giành giật với tử thần giữa không trung.

Khi thấy đường băng Liên Khương hiện ra dưới lớp mây, ông hét lên: "Sống rồi!". Giữa hành trình bay vật lộn trong mây mù, khi lấy lại bình tĩnh, ông Hùng sực nhớ, mình quên bật công tắc inverter để xác định vị trí.

8.webp

9.webp

"Tôi vội bật lên. Ngay lập tức, đồng hồ chân trời sáng đèn trở lại, đồng hồ nhiên liệu cũng hiện thông số. Lúc đó mới biết mình đã bay suốt 20 phút trong vùng trời trắng xóa", ông kể. Với ông, đó là 20 phút dài nhất cuộc đời.

Xác định lại được vị trí, ông lập tức hạ thấp độ cao, trở lại lộ trình ban đầu. Nhưng chưa kịp thở phào, một nỗi lo khác ập đến. "Tôi sợ bộ binh dưới đất bắn nhầm, tưởng là trực thăng địch", người phi công cho hay.

Khi còn cách mục tiêu một đoạn, đèn báo nhiên liệu bật đỏ - chỉ còn 15 phút bay, trong khi căn cứ vẫn cách 50-60km, thấy phía dưới là trại bộ đội ta, ông Hùng quyết định hạ cánh gần đó. Sau khi giấu kín và ngụy trang chiếc UH-1 cẩn thận, ông một mình đi bộ hơn 2km tìm đến đơn vị.

Mặc thường phục, ông không để lộ thân phận là phi công. "Tôi thấy một đồng chí đang gác, báo cáo xin được gặp thủ trưởng. Một lúc sau, đồng chí chính trị viên đi ra, cùng tôi quay lại hiện trường kiểm tra máy bay", ông kể.

Ban đầu, các chiến sĩ tỏ ra dè chừng, máy bay quá xa không thể trông giúp, yêu cầu bay về gần doanh trại. 

10.webp

11.webp

Theo kế hoạch ban đầu, chiếc trực thăng UH-1 do ông Hùng cướp về sẽ mang theo nửa tấn thuốc nổ, "nhập thần" bay dọc sông Sài Gòn vào sáng ngày 1/1/1974 để đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, kế hoạch không được phê duyệt thay vào đó, chiếc máy bay được điều động lên biên giới Lộc Ninh.

Ông Hùng nhận nhiệm vụ khảo sát địa bàn, phối hợp với đơn vị tác chiến của Đoàn 75 pháo binh đưa máy bay vào điểm tập kết an toàn.

Trong quá trình chuẩn bị, một chiến sĩ pháo phòng không từ miền Bắc được giao nhiệm vụ dẫn đường. Đúng lúc chuẩn bị cất cánh, trinh sát địch bay qua, sợ bị lộ ông Hùng buộc phải trì hoãn, đợi trời tối và kẻ thù rút đi.

Mặt trời khuất dần, trong ánh sáng mờ nhạt, ông Hùng không thể xác định chính xác vị trí hẹn trước. Theo kế hoạch, mặt đất sẽ đốt khói làm tín hiệu. Nhưng đúng lúc đó, một đám khói khác - từ nhóm người đang nấu ăn gần đó - khiến ông nhầm lẫn.

"Khi tôi hạ cánh, thì ra bên dưới là nhóm bộ đội đang nấu cơm chiều, không phải đơn vị đón tôi. Thấy máy bay lạ, họ lập tức nã đạn từ ba phía", ông nhớ lại.

12.webp

Giữa làn đạn dồn dập, ông Hùng buộc phải kéo cần điều khiển, đưa máy bay lẩn sâu vào rừng. Trong bóng tối, ông nhìn thấy một khu đất trũng không có cây, lập tức cho máy bay đáp xuống. Máy bay đã trúng đạn, nhưng may mắn không phải phần trọng yếu.

Tối hôm đó, ông Hùng cùng đồng đội bàn bạc sáng hôm sau sẽ quay lại vị trí bị bắn nhầm, chọn đúng thời điểm bộ đội đang tập thể dục hoặc tưới rau - ít cảnh giác nhất - để hạ cánh.

Sáng hôm sau, đúng như dự tính, ông cất cánh, vòng trở lại khu vực cũ, hạ máy bay xuống bãi cỏ tranh cách khu trồng rau 200m. Người dẫn đường mặc quân phục, đội nón cối, nhảy xuống trước rồi nhanh chóng di chuyển theo đúng kế hoạch. Ông Hùng cũng lập tức tắt máy, nhảy ra sau.

Chưa kịp làm gì, cả hai người đã bị bao vây. Các chiến sĩ tại đó chĩa súng thẳng vào. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm, dù chưa ai nổ súng, họ lập tức liên lạc với Bộ Tư lệnh để xin chỉ thị.

Trong giây phút sinh tử, ông Hùng nhanh trí rút ra một tờ giấy - vật bất ly thân mà Phó Tham mưu Miền đích thân trao tận tay từ trước, dặn phải luôn mang theo bên người phòng bất trắc. Tờ giấy vỏn vẹn vài dòng: "Đồng chí Chín Chinh đang thực hiện nhiệm vụ do Bộ Tham mưu giao. Đề nghị các đơn vị tạo điều kiện, hỗ trợ".

May mắn, người chỉ huy trung đội nhìn thấy giấy liền nhận ra chữ ký của cấp trên. Tình thế nguy cấp được hóa giải trong chớp mắt.

"Một tờ giấy nhỏ mà cứu được cả hai mạng người và một chiếc máy bay vô cùng quý giá", ông Hùng xúc động nhớ lại.

13.webp

Chiếc trực thăng UH-1 nằm tại Lộc Ninh khoảng một tháng thì một đoàn cán bộ Không quân - gồm phi công và kỹ thuật viên từ Hà Nội - được cử vào khảo sát, tập huấn.

"Lúc bàn bạc, chúng tôi nhận ra nếu cứ để trực thăng hoạt động tại vùng này sớm muộn cũng bị địch phát hiện, ném bom phá hủy. Sau khi báo cáo, cấp trên chỉ đạo phải tìm cách đưa chiếc trực thăng ra miền Bắc phục vụ huấn luyện", ông Hùng kể lại.

Tuy nhiên, bay thẳng ra Bắc là điều không tưởng - quãng đường quá xa, nguy cơ bị đánh chặn trên không rất cao. Giải pháp duy nhất là tháo rời chiếc máy bay và vận chuyển theo đường Trường Sơn, vượt hơn 1.000km đèo dốc, suối sâu, núi hiểm. "Khó nhất là khi đến nơi, máy bay vẫn phải còn nguyên vẹn và bay được", ông Hùng nhấn mạnh.

Sau nhiều tính toán, phương án tối ưu được lựa chọn, tháo rời chiếc UH-1 thành nhiều bộ phận. Hệ thống xe tải quân dụng chiến lợi phẩm được điều động. Hai chiếc Zin 157, cùng một chiếc cần cẩu GMC của Mỹ được huy động đến để phục vụ tháo dỡ và di chuyển UH-1 ra Bắc. Mọi chi tiết đều được cố định chắc chắn và ngụy trang kỹ lưỡng.

Ngày 26/3/1974, đoàn xe đặc biệt âm thầm lăn bánh. Sau gần một tháng vượt núi băng rừng, đối mặt với đủ hiểm nguy và thử thách, chiếc UH-1 cuối cùng được đưa an toàn về tới sân bay Hòa Lạc (Sơn Tây). Tại đây, chiếc trực thăng đặc biệt ấy chính thức được biên chế vào Tiểu đoàn 5, Lữ đoàn Không quân 919 - mở đầu cho một hành trình mới, góp phần vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.

52 năm trôi qua kể từ phi vụ lịch sử ấy, mỗi khi nhắc lại câu chuyện, ánh mắt ông Hùng vẫn ánh lên niềm xúc động như đang sống lại khoảnh khắc ngày 7/11/1973. Người lính năm xưa không chỉ cướp được một chiếc máy bay - mà còn thể hiện được bản lĩnh, sự gan dạ, không khuất phục trước kẻ thù.

Nội dung: Nguyễn Ngoan

Ảnh: Nguyễn Ngoan

Thiết kế: Huy Phạm

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/phi-cong-viet-tung-khien-the-gioi-chan-dong-khi-mot-minh-cuop-may-bay-dich-20250423120903817.htm






Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm