Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính lịch sử

Việt NamViệt Nam29/04/2025


KỲ HỌP LẦN THỨ 23 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ) HĐND TỈNH KHÓA XIII:

Ngày 28.4, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp lần thứ 23 (kỳ họp chuyên đề lần thứ 15). Tại kỳ họp này, 2 nội dung quan trọng mang tính lịch sử liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã đã được các đại biểu xem xét, thảo luận và nhất trí thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, kỳ họp lần này quyết định những nội dung “mang tính lịch sử”: Chủ trương hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định; chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xem xét, quyết định một số nội dung về phát triển KT-XH trong năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó có Tờ trình về việc bố trí ngân sách tỉnh tham gia dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Chủ tọa điều hành Kỳ họp.

Đồng thuận, thống nhất

Theo Tờ trình về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trình bày, sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính, gồm 41 xã, 17 phường, giảm 97 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (tỷ lệ giảm 62,58%). Về Tờ trình chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, sau sắp xếp, đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai (mới) có diện tích tự nhiên 21.576,53 km2, quy mô dân số hơn 3,58 triệu người và có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường). Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hiện nay.

Góp ý về nội dung dự thảo nghị quyết về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, đại biểu Lê Thị Vinh Hương (đơn vị Tuy Phước) đề nghị làm rõ nơi đặt trung tâm hành chính xã, phường mới sau sáp nhập. “Trong tờ trình có ghi nơi đặt trung tâm hành chính nhưng trong dự thảo nghị quyết thì không ghi nội dung này. Bên cạnh đó cũng cần phải thống nhất chung tên gọi là trung tâm hành chính hay nơi đặt trụ sở làm việc, để làm cơ sở pháp lý sau này”, đại biểu Hương kiến nghị. 

Trả lời ý kiến này, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn cho biết, theo Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, trung tâm chính trị - hành chính dùng cho đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp, còn đơn vị hành chính cấp xã thì gọi là nơi đặt trụ sở làm việc. 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Nội vụ, trong dự thảo nghị quyết của HĐND chỉ cần ghi rõ diện tích tự nhiên, quy mô dân số khi sáp nhập và tên xã, phường thành lập mới, không yêu cầu ghi nơi đặt trụ sở làm việc. “Việc không ghi cụ thể nơi làm việc nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương có thể điều chỉnh vị trí làm việc cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông, sinh hoạt của người dân”, ông Lê Minh Tuấn nói. 

Hướng đến phát triển và phục vụ dân tốt nhất

Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 16 nghị quyết với sự tán thành cao của các đại biểu tham dự kỳ họp. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Chủ động xây dựng các phương án để báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm bộ máy mới bắt tay vào hoạt động ngay theo nghị quyết của Quốc hội, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, sau khi có các kết luận, nghị quyết của Trung ương về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và Bình Định, Ban Thường vụ 2 tỉnh đã có 2 buổi làm việc và xác định các nhiệm vụ đặt ra khi 2 tỉnh sáp nhập lại.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính 2 tỉnh, nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy và phân công cán bộ, thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất 2 tỉnh, thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai mới. Trước ngày 20.5, Đề án sẽ hoàn thành và Ban Thường vụ 2 tỉnh sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định.

“Việc nhập 2 tỉnh sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển KT-XH, tạo không gian phát triển mới, kết hợp tiềm năng to lớn của vùng Tây Nguyên với phát triển kinh tế biển của Bình Định. Tỉnh Gia Lai mới sẽ có vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và tạo cơ hội cho chuỗi nông sản, du lịch, công nghiệp, kinh tế biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Đối với vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính xã, phường của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc rất kỹ, quá trình triển khai thực hiện bảo đảm 3 điều kiện: Các xã, phường hợp nhất lại phải gần dân, sát dân, giải quyết tốt nhất công việc cho nhân dân; tạo được sự ổn định kể cả về văn hóa, lịch sử, truyền thống; hình thành được không gian phát triển mới. Tỉnh sẽ bố trí cán bộ có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ ở các xã, phường.

“Sau khi sáp nhập, sẽ có 12 xã, phường mới được xác định là các địa phương trọng điểm, có nhiều dư địa, tạo động lực phát triển KT-XH cho tỉnh. Về tên gọi, bản thân tôi cũng rất tâm tư, nhiều lần gọi điện nói chuyện với bí thư, chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố và đều nhấn mạnh rằng đây là trách nhiệm với lịch sử. Đến nay, gần như tất cả địa danh, ký ức truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với quá trình phát triển của tỉnh nói chung, của từng địa phương nói riêng đều đã được xuất hiện trên bản đồ địa giới hành chính”, đồng chí Hồ Quốc Dũng chia sẻ.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng cho biết trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 tới, lãnh đạo tỉnh sẽ không nghỉ mà tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát thực tế các khu vực dự kiến sẽ đặt trụ sở làm việc các xã, phường mới sau sáp nhập. Phương châm đặt ra là đặt trụ sở ở khu vực có vị trí thuận tiện nhất, không để người dân khi cần phải qua “3 đèo, 4 động” mới đến được. “Quan điểm chung là nhập các xã, phường lại để phát triển, chứ không phải để khó khăn hơn, nghèo khó hơn”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

 

Theo Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025, sau sắp xếp, tỉnh Bình Định còn 58 đơn vị hành chính cấp xã.

Cụ thể, TP Quy Nhơn còn 5 phường và 1 xã, gồm các phường: Quy Nhơn, Quy Nhơn Đông, Quy Nhơn Tây, Quy Nhơn Nam, Quy Nhơn Bắc, xã đảo Nhơn Châu. TX An Nhơn còn 5 phường và 1 xã, gồm các phường: Bình Định, An Nhơn, An Nhơn Đông, An Nhơn Nam, An Nhơn Bắc, xã An Nhơn Tây. TX Hoài Nhơn còn 7 phường: Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Tam Quan, Hoài Nhơn Đông, Hoài Nhơn Tây, Hoài Nhơn Nam, Hoài Nhơn Bắc. Huyện Phù Cát còn 7 xã: Phù Cát, Xuân An, Ngô Mây, Cát Tiến, Đề Gi, Hòa Hội, Hội Sơn. Huyện Phù Mỹ còn 7 xã: Phù Mỹ, An Lương, Bình Dương, Phù Mỹ Đông, Phù Mỹ Tây, Phù Mỹ Nam, Phù Mỹ Bắc. Huyện Tuy Phước còn 4 xã: Tuy Phước, Tuy Phước Đông, Tuy Phước Tây, Tuy Phước Bắc. Huyện Tây Sơn còn 5 xã: Tây Sơn, Bình Khê, Bình Phú, Bình Hiệp, Bình An. Huyện Hoài Ân còn 5 xã: Hoài Ân, Ân Tường, Kim Sơn, Vạn Đức, Ân Hảo. Huyện Vân Canh còn 3 xã: Vân Canh, Canh Vinh, Canh Liên. Huyện Vĩnh Thạnh còn 4 xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn. Huyện An Lão còn 4 xã: An Hòa, An Lão, An Vinh, An Toàn.

 

Bố trí 750 tỷ đồng thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua nghị quyết về việc bố trí vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Theo đó, thống nhất bố trí 750 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại TX An Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại nút giao đường Hồ Chí Minh (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), với tổng chiều dài 123 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Định dài khoảng 37,4 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai khoảng 85,6 km.

Cao tốc được thiết kế với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án sẽ có 2 hầm An Khê và Mang Yang với quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư của dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là 43.510 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đoạn qua tỉnh Bình Định là 2.269 tỷ đồng.

NGUYỄN HÂN - HỒNG PHÚC



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=355116

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm