Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kinh tế ổn định, tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực
Sáng ngày 6/5, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, được tổ chức ngay sau kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 và Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, 4 tháng đầu năm 2025 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5, đến hết quý II và thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, về công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, một trong những điểm nổi bật là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị; qua đó tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, mở ra không gian phát triển mới và quan trọng nhất tăng cường cho cơ sở, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Về đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các nghị quyết về "bộ tứ chiến lược": Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66), phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68); trình Quốc hội 44 dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9. Trong 4 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 98 nghị định, 132 nghị quyết, 914 quyết định và 13 chỉ thị, 54 công điện.
Thủ tướng đánh giá khái quát tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so tháng 3 và tăng 8,9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 6,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 10,1% (cùng kỳ tăng 6,5%). Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8%. |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng tăng bình quân 3,2%; Thu ngân sách nhà nước đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025, cho thấy lòng tin của nhà đầu tư được tăng cường và củng cố.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp. Đánh giá khái quát, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.
Những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế, như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát trước những biến động bên ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn; đầu tư tư nhân còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng; việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, gây ách tắc và phiền hà cho cấp dưới…
Cơ hội lớn để cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao tự lực, tự cường
Định hướng thời gian tới, về bối cảnh tình hình, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới; đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Tinh thần đặt ra là kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược - đó là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Thủ tướng chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng chỉ rõ 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1. Rà soát chức năng, nhiệm vụ, khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý. 2. Quán triệt, triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. 3. Thực hiện hiệu quả sắp xếp địa giới hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. 4. Triển khai “bộ tứ chiến lược” và các nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. 5. Ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. 6. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân đối lớn. 7. Làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. 8. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn, FDI công nghệ cao. 9. Mở rộng chính sách visa, thu hút khách du lịch, thúc đẩy dịch vụ và sửa đổi Luật Quốc tịch. 10. Xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, thúc đẩy triển khai hàng nghìn dự án chậm trễ. 11. Phát triển văn hóa, công nghiệp giải trí, tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm lớn trong năm 2025. 12. Triển khai quyết liệt chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và xóa nhà tạm. 13. Bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. 14. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, thúc đẩy hội nhập và hoạt động đối ngoại. 15. Tăng cường thông tin, truyền thông chính sách, nhân rộng mô hình tốt, tạo đồng thuận xã hội. |
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả "bộ tứ chiến lược" theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội Nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.
Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu, phấn đấu tăng thu ít nhất 15%; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí. Phát triển thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bộ Tài chính chủ trì phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; phát huy vai trò các đoàn công tác, tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan chuẩn bị kỹ, phục vụ chu đáo Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thực hiện tốt việc giải trình, trả lời chất vấn của Quốc hội.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thu-tuong-trien-khai-hieu-qua-bo-tu-chien-luoc-thuc-hien-bang-duoc-cac-muc-tieu-lon-163766.html
Bình luận (0)