Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập "Tổ công tác đặc biệt" của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh.
Ngày 31/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 6 năm 2024. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt tổ chức thực hiện. Ảnh: Lê Hiếu
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập "Tổ công tác đặc biệt" của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 1311/VPCP-NN ngày 18/2/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Theo đó, Văn bản số 1311/VPCP-NN gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận 9 nhóm vấn đề quan trọng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết.
Để cụ thể hóa các kết luận nêu trên, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giúp người nông dân khơi dậy khát vọng làm giàu, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập "Tổ công tác đặc biệt" của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra hiện trạng sử dụng đất tại các nông lâm trường quốc doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra (trong quý II năm 2025) để có cơ chế, chính sách khai thác nguồn đất đai có hiệu quả.
Phải có quyết sách rất mạnh mới khai thác được nguồn đất đai hiệu quả
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới" diễn ra ngày 31/12/2024, nông dân Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An)- Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013 và 2015, người đang sản xuất trên diện tích gần 1.000ha và là nông dân Việt Nam xuất sắc bày tỏ sự ấn tượng khi gần đây, Trung ương đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng. Đặc biệt, Luật Đất đai đã được đưa vào thực tế sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, ông Huy gửi đến Thủ tướng một số kiến nghị, trong đó có vấn đề liên quan tới đất đai. Ông Huy cho biết, từ hơn 20 năm trước, lúc đó đất cần người sản xuất, Đảng và Nhà nước có chính sách vận động thành lập nông lâm trường, đưa dân đến khai hoang sản xuất, giao khoán trả sản phẩm.
Sau đó, mô hình này hoạt động không hiệu quả, dẫn đến thoái trào giải thể, chuyển về địa phương quản lý, nông dân vẫn canh tác trả tiền thuê đất theo quy định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo quy định mới, muốn thuê đất thuộc diện này, cũng phải thực hiện đấu giá, nên các địa phương đang rất khó thực hiện vì người nông dân đã đầu tư xây dựng đồng ruộng chỉnh sửa mặt bằng rất tốn kém, thậm chí bỏ tiền khai hoang từ nhiều năm.

Đất của các lâm trường bị lấn chiếm, xâm canh hàng chục ngàn hecta trên khắp Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN
Trong khi, nếu tiến hành đấu giá, thì phải thực hiện việc thu hồi, chuyển đổi vị trí người nông dân đang sản xuất rất khó cho địa phương và người dân. Từ đó, ông Huy kiến nghị, cần xây dựng công thức thu tiền sử dụng đất nông nghiệp cho từng loại đất có cải tiến để ổn định sản xuất cho nông dân.
Bộ TNMT cũng đã diễn giải, công đầu tư trên đất còn lại thì đất nông nghiệp này không phải đấu giá mà tiếp tục được thuê, nhưng địa phương chưa chấp nhận điều này vì họ lo lắng tất cả đất này sẽ phải giải phóng khi đưa về địa phương quản lý.
Thứ hai là, về đầu tư vốn cho nông nghiệp xanh, mặc dù có nhiều gói tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng hiện nay chưa có gói nào mạnh và cụ thể đi vào sản xuất.
Thứ ba là, về khoa học công nghệ, đây là yếu tố mấu chốt nhằm đưa nông dân đất nước ta tiến vào kỷ nguyên vươn mình, làm sao có thể số hoá nông nghiệp? Ông Võ Quan Huy kiến nghị Chính phủ có những chương trình đầu tư khoa học công nghệ mang tính chất dẫn dắt.
Ví dụ hiện nay trong thu hoạch rừng, cao su cành vụn rất nhiều nhưng chưa có ai đầu tư máy móc để thu gom, băm vụn. Nếu có máy móc thì sẽ cải thiện vấn đề môi trường, thất thoát sau thu hoạch.
Thứ tư là, về vấn đề liên kết, nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng "bênh" nông dân nên vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên.
Cuối cùng, ông Võ Quan Huy kiến nghị Thủ tướng dành thời gian "vi hành" xuống các nông, lâm trường để tìm hiểu, lắng nghe câu chuyện, tâm tư của người nông dân đang sản xuất tại các vùng đất này, để từ đó thấy được các vấn đề "nhức nhối" ở nông lâm trường và có thể đưa ra những chủ trương, quyết sách giúp bà con yên tâm sản xuất.
Về vấn đề nông dân Võ Quan Huy nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc quản lý, sử dụng đất đai ở nông lâm trường là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Trước đây, ở một số nơi hình thành các nông lâm trường rồi giao đất cho cán bộ nhân viên của nông lâm trường sản xuất. Tuy nhiên, cán bộ các nông lâm trường không sử dụng lại giao tiếp cho người khác, giao tới 5-6 lượt nên dẫn đến khó quản lý.
"Thực tế việc sử dụng, khai thác đất nông lâm trường đang rất lãng phí. Tôi giao luôn cho Bộ TNMT, Bộ NNPTNT, trong đó Bộ TNMT chủ trì, khảo sát, báo cáo lại nguồn đất đai này một cách nghiêm túc. Phải có quyết sách rất mạnh mới khai thác được nguồn đất đai này hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: https://danviet.vn/thu-tuong-yeu-cau-lap-to-cong-tac-dac-biet-kiem-tra-hien-trang-su-dung-dat-tai-cac-nong-lam-truong-2025022114530496.htm
Bình luận (0)