Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 3 (NHNN Khu vực 3) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, được thành lập trên cơ sở hợp nhất chi nhánh Ngân hàng Nhà nước của 4 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên và Lai Châu. Sau khi sắp xếp, NHNN Khu vực 3 có 140 công chức và người lao động. Cơ cấu tổ chức gồm 6 phòng: Phòng Tổng hợp; Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khu vực; Phòng Quản lý, giám sát; Phòng Kế toán - Thanh toán; Phòng Tiền tệ - Kho quỹ; Phòng Hành chính - Nhân sự. Trụ sở đặt tại tỉnh Sơn La và duy trì đại diện hoạt động của NHNN Khu vực tại 3 tỉnh còn lại.
Hiện nay, khu vực 3 có 27 tổ chức tín dụng, mạng lưới phủ khắp các huyện, thị xã, thành phố với 54 chi nhánh cấp I, 39 chi nhánh cấp II, 158 phòng giao dịch, 668 điểm giao dịch. Có 243 máy ATM/CDM, 35.500 điểm QR code và 2.583 điểm giới thiệu dịch vụ từ 8 công ty tài chính.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, NHNN Khu vực 3 chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quản lý tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, ưu tiên vốn cho các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đến ngày 28/2, NHNN Khu vực 3 huy động trên 113.000 tỷ đồng, tăng 2,06% so với cuối năm 2024, chiếm 15,9% tổng huy động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Dư nợ cho vay gần 135.000 tỷ đồng, giảm 1,61%. Nguồn tín dụng chủ yếu tập trung các lĩnh vực thế mạnh, như: Cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 37,8% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 27%; các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 16%.
NHNN Chi nhánh các tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp. Cụ thể, tổ chức 37 buổi gặp gỡ dưới hình thức hội nghị, chương trình làm việc, đối thoại, cà phê doanh nhân... Qua đó, các tổ chức tín dụng cho vay 20.500 tỷ đồng, 1.165 doanh nghiệp và 1.699 khách hàng khác; cơ cấu cho 17 khách hàng và giảm lãi suất cho vay, phí và nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Dù đạt nhiều kết quả, hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn gặp khó khăn. Nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng 84% nhu cầu tín dụng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2024 chỉ đạt 7,6%, thấp hơn mức 14,4% của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, cũng như 15,09% của cả nước. Nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn vay.
Thời gian tới, NHNN Khu vực 3 triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối. Đồng thời, nắm bắt nhanh các vướng mắc, tập trung tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan liên quan. Đơn vị cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, khai thông nguồn lực, nhằm đạt tăng trưởng tối thiểu 8% năm 2025.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/thuc-day-tin-dung-tang-truong-kinh-te-Fg6dFlTHg.html
Bình luận (0)