Tại Đồng Nai, thuốc giả không thể "lọt" vào các bệnh viện vì phải đủ giấy tờ, điều kiện pháp lý mới được tham gia đấu thầu, trúng thầu. Ảnh: Minh Tài |
Ngoài ra, các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân khi nhập thuốc cũng phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp và phải nhập các thuốc kinh doanh lên phần mềm quản lý kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia của Bộ Y tế. Tuy nhiên, chỉ khi các nhà thuốc, quầy thuốc tham lợi nên nhập thuốc không có chứng từ để bán, không báo cáo lên cơ sở dữ liệu quốc gia thì thuốc giả mới có thể lưu hành.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cũng chia sẻ một thực tế là lực lượng thanh, kiểm tra ngành y tế hiện nay khá mỏng, trong khi số lượng quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh dày đặc nên khó kiểm soát thuốc giả ở các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân.
Trước đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược và thuốc chữa xương khớp giả quy mô lớn trên toàn quốc. Từ năm 2021 đến khi bị bắt, các đối tượng đã tuồn ra thị trường lượng lớn thuốc giả, thu lời gần 200 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã thu giữ gần 10 tấn thuốc và nguyên liệu làm thuốc giả, gồm 21 loại thuốc và nhiều hóa chất, phụ gia dùng trong sản xuất.
Liên quan đến vụ việc này, theo Bộ Y tế, báo cáo sơ bộ hiện nay, toàn bộ các thuốc giả đều không được cấp giấy đăng ký lưu hành. Các đối tượng giả nhãn mác của các thuốc đã được cấp phép lưu hành. 17 loại sản phẩm giả mà Công an Thanh Hóa đã bắt giữ, các đối tượng tự nghĩ ra tên thuốc, địa điểm sản xuất để in lên nhãn, lừa dối người tiêu dùng.
Trong khi đó, tất cả các loại thuốc muốn vào được bệnh viện đều phải có đủ giấy tờ, chứng từ mới được tham gia đấu thầu tập trung. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các sản phẩm giả này chủ yếu được bán trên mạng, tại kênh bán lẻ.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để chủ động triển khai công tác phòng chống hàng giả, đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo UBND, sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tỷ lệ thuốc giả trong những năm gần đây đều dưới 0,1%.
Dù vậy, liên quan đến vụ việc này, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc và phối hợp cùng lực lượng chức năng trong công tác chống thuốc giả.
Do đó, Sở Y tế Đồng Nai cũng khuyến cáo các nhà thuốc, quầy thuốc bán hàng phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thực hiện nghiêm túc việc nhập dữ liệu lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, đối với người dân khi mua thuốc phải có toa, lấy hóa đơn đầy đủ và kịp thời báo cáo về Sở Y tế hoặc cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở bán thuốc không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả...
Bích Nhàn
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202504/thuoc-gia-khong-the-lot-vao-he-thong-benh-vien-tai-dong-nai-e4d10f9/
Bình luận (0)