Say mê hạt cà phê sạch cao nguyên
“Tôi vốn là lính Trường Sa, gắn bó với đảo từ năm 1985 - 1989. Lính đảo hồi ấy khó khăn, thiếu thốn đủ bề, làm gì có ai biết cà phê vị như thế nào. May mắn, khi ra quân, tôi gắn với nghề chế biến cà phê từ đó tới giờ”, ông Võ Hùng, người cựu binh Trường Sa, Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV Cà phê Võ Hùng (Công ty Võ Hùng) chia sẻ. Người lính ấy, sau những năm tháng hào hùng thanh xuân đã gắn bó đời mình với một trong những vựa cà phê lớn nhất Việt Nam: Lâm Đồng.

Ông Hùng cho biết, cà phê của những vùng đất mang thương hiệu Cầu Đất, Lâm Hà, Di Linh được sinh ra từ vùng nắng, gió và hơi sương. Ông chia sẻ, tại các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, ông đã từng làm việc, chất lượng hạt cà phê Lâm Đồng luôn được bạn hàng, các nhà rang xay đánh giá rất cao. Chất lượng cà phê cao nguyên ổn, nhưng hầu hết nông dân cũng như nhiều doanh nghiệp chủ yếu phơi khô, bán cà phê nhân xanh nguyên liệu. Chính vì thế, trăn trở của ông là làm sao để nâng cao được chất lượng và thương hiệu hạt cà phê cao nguyên.
Năm 2017, ông xây dựng thương hiệu cà phê Võ Hùng với mục tiêu làm ra sản phẩm cà phê cuối cùng, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, chế biến sâu, nâng cao giá trị cà phê là mục tiêu của Công ty Võ Hùng. “Hiện tại, chúng tôi đang sản xuất, chế biến nhiều mặt hàng cà phê khác nhau, từ cà phê nhân xanh, cà phê bột cho tới cà phê phin giấy. Cà phê phin giấy là sản phẩm chúng tôi làm ra với mục tiêu chiếm lĩnh ngách nhỏ trong thị phần cà phê, đó là cung ứng cho dân văn phòng và phục vụ du lịch. Cà phê phin giấy của chúng tôi, khách hàng chỉ cần mở phin, chế nước sôi là có một ly cà phê hoàn hảo”, ông Hùng chia sẻ.
Để có ly cà phê với chất lượng cao nhất, Công ty Võ Hùng đã liên kết chặt chẽ với nông dân, đề xuất nông dân canh tác quy trình VietGAP, hái cà phê chín.
Định hướng xuất khẩu
Nhiều năm gắn bó với nghề cà phê, ông Võ Hùng khẳng định, phải xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cà phê Lâm Đồng, giá trị hạt cà phê mới tăng lên, tạo uy tín với khách hàng trong nước cũng như khách hàng ngoài nước. Bởi vậy, ông cũng là một thành viên nằm trong Ban Vận động xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Lâm Đồng. “Niềm mong mỏi của tôi là xây dựng được một cộng đồng cà phê vững mạnh, sản xuất sạch, chế biến sâu, xây dựng được ngành công nghiệp cà phê bền vững”, ông chia sẻ. “Chúng tôi xuất khẩu cà phê sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và đang hướng về khách hàng Hồi giáo và Trung Đông. Mỗi thị trường, khách hàng đều có gu uống cà phê khác nhau và doanh nghiệp phải nắm bắt được để định hướng sản xuất”, ông Hùng thông tin.

Hiện tại, công suất của công ty đạt 20 tấn cà phê/tháng, cà phê phin giấy, cà phê bột cũng như cà phê nhân xanh đã được xuất khẩu với thương hiệu Võ Hùng. Đây là động lực và cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục vươn lên. Ông Võ Hùng cũng cho biết, ông nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cũng như các cơ quan quản lý về thông tin, thủ tục hành chính cũng như kinh phí. Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước tạo niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu, vươn lên, chinh phục những chân trời xa hơn.
Nguồn: https://baolamdong.vn/thuong-hieu-ca-phe-phin-giay-cua-nguoi-cuu-chien-binh-383767.html
Bình luận (0)