Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp nối hành trình tìm về nguồn cội

François Bibonne sinh năm 1995 tại Paris (Pháp). Anh có dòng máu Việt từ bà nội - bà Nguyễn Thị Koan. Trên con đường tìm về nguồn cội khi thực hiện Once Upon a Bridge II, Bibonne đã có dịp đến Hải Phòng, nơi chôn nhau cắt rốn của bà nội.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng19/07/2025

“Tôi thích mọi thứ bên bờ biển. Hải Phòng có biển và các tòa nhà xưa cũ với lối kiến trúc Pháp nên có gì đó rất đặc biệt. Ở Pháp, bà tôi cũng từng ở miền Nam, bên bờ biển. Có lẽ vì vậy, bà tôi thích Hải Phòng”, Bibonne cho biết.

Chia sẻ với đài RFI, Bibonne kể, ban đầu anh dự định làm một bộ phim về bóng đá Việt Nam. Nhưng rồi, nhiều nhân duyên đưa đẩy, anh chọn âm nhạc, phong cảnh, văn hóa để lồng vào giới thiệu về Việt Nam với thế giới, như là sự tiếp nối của một hành trình tìm về nguồn cội. Trong quá trình làm phim, anh đã đến Pleiku, Kon Tum gặp người dân tộc Ba Na, rồi đến Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) gặp người dân tộc Sán Chay. Họ đã hát cho anh nghe.

Và như được truyền cảm hứng, Bibonne tiếp tục đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam vào Once Upon a Bridge II, tiếp tục kết nối những nhạc cụ dân tộc với những nhạc cụ phương Tây. Anh tham gia vào câu chuyện như một nhân vật, đưa góc nhìn của người ngoại đạo nhưng đam mê vào hành trình cảm xúc khám phá đức tin, bản sắc và tinh thần Việt Nam qua bóng đá.

1.jpg
François Bibonne và đồng bào Sán Chay ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Ảnh: FRANÇOIS BIBONNE

Bibonne học ngành Lịch sử tại Trường Paris 1 Panthéon Sorbonne và từng làm thực tập sinh trong lĩnh vực truyền thông - marketing trước khi chuyển sang đam mê làm phim. Năm 2018, sau khi bà nội mất, anh đến Việt Nam lần đầu để tìm hiểu quê hương và bắt đầu đam mê từ đây. Once Upon a Bridge in Vietnam là bộ phim tài liệu đầu tay dài khoảng 30 phút, ra đời sau 15 tháng sống và ghi hình tại Việt Nam trong một chuyến ở lại kéo dài do đại dịch Covid‑19.

Lấy cảm hứng từ piano và rubato cổ điển, anh đã sử dụng kiến thức âm nhạc và lịch sử, kết hợp kỹ thuật làm phim để tạo “nhịp điệu” cho phim, nêu bật sự khám phá âm nhạc cổ điển Việt Nam và sự giao thoa với âm nhạc phương Tây. Once Upon a Bridge in Vietnam sau đó đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất tại Liên hoan phim Los Angeles 2022 và được trình chiếu ở rất nhiều nơi như Việt Nam, Pháp, Anh và Mỹ. Phim cũng được trình chiếu tại Liên hoan quốc tế Điện ảnh châu Á Vesoul năm 2023, tranh giải ở hạng mục Phim tài liệu.

Sau khi hoàn thành Once Upon a Bridge in Vietnam (2022-2024), lấy cảm hứng từ tên bà nội, François Bibonne chính thức thành lập Studio Thi Koan ở Pháp để thúc đẩy giao lưu âm nhạc và văn hóa, sản xuất các phim tài liệu khám phá văn hóa Việt Nam nhằm tăng cường kết nối nghệ sĩ Việt Nam với khán giả quốc tế. Đây là nơi tổ chức các buổi hòa nhạc, sự kiện kết hợp trải nghiệm văn hóa; chủ yếu khai thác các đề tài về âm nhạc, văn hóa, thể thao, giao lưu nghệ thuật Pháp - Việt. Anh cho biết, tên gọi “Thi Koan” mang dấu ấn gia đình và nguồn cảm hứng cá nhân, đồng thời tượng trưng cho tinh thần kết nối văn hóa Đông - Tây.

Phần 2 của phim tiếp tục hành trình khám phá văn hóa Việt Nam thông qua môn thể thao quốc dân là bóng đá. Bibonne đang hy vọng có thể kịp gửi bộ phim đến Liên hoan quốc tế điện ảnh châu Á Vesoul lần thứ 32, diễn ra tại Pháp (từ 27-1 đến 3-2-2026).

François Bibonne là một hình mẫu độc đáo của dòng đạo diễn độc lập, với hành trình kết nối hai nền văn hóa Pháp - Việt qua âm nhạc, văn hóa và cả bóng đá. Từ dự án đầu tiên mở màn với âm nhạc cổ điển, đến khi bước sang trái bóng và tinh thần thể thao Việt Nam, Bibonne không chỉ kể một câu chuyện cá nhân mà còn kể về một đất nước đa chiều, vừa truyền thống vừa hiện đại, giữ cội nguồn nhưng vẫn lan tỏa toàn cầu.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tiep-noi-hanh-trinh-tim-ve-nguon-coi-post804537.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm