Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiếp sức cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

(Baothanhhoa.vn) - Từ nguồn vốn hỗ trợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thành (NHCSXH Thạch Thành) đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa20/05/2025

Tiếp sức cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn

Cán bộ NHCSXH Thạch Thành kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách tại thị trấn Vân Du.

Đối tượng vay vốn của chương trình là các gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn; nguồn vốn này thực sự hỗ trợ đắc lực trong việc cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, XDNTM, tạo việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thành, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Tìm hiểu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn huyện, chúng tôi được cán bộ NHCSXH Thạch Thành giới thiệu đến gia đình bà Đặng Thị Nương ở thôn Đồng Phú, xã Thành Tân. Bà Nương cho biết: “Gần 10 năm trước, gia đình tôi được vay vốn từ nhiều chương trình cho vay ưu đãi của NHCSXH. Năm 2023, sau khi thoát nghèo, gia đình tiếp tục được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, đầu tư mua 6 con bò. Sau hơn 2 năm, đàn bò phát triển lên 10 con. Từ tiền bán bò, tôi đầu tư thâm canh thêm diện tích trồng rừng, cuộc sống gia đình ổn định, kinh tế phát triển, thu nhập hàng năm của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng".

Không chỉ riêng gia đình bà Nương, thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Thạch Thành đã được tiếp cận vốn vay từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư, mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất; mua giống cây trồng, vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, kinh doanh; xây dựng và cải tạo trang trại chăn nuôi... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi, như mô hình phát triển kinh tế rừng, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các ngành nghề... Từ đó, góp phần thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình tại vùng khó khăn trên địa bàn.

Ông Phạm Quốc Phương, Phó Giám đốc NHCSXH Thạch Thành, cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, căn cứ nhu cầu thực tế, đơn vị tham mưu cho ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện giao vốn về các xã và triển khai đến các thôn, xóm. Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình; hướng dẫn hộ vay làm thủ tục hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất cho vay; bảo đảm 100% đối tượng khi có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được giải quyết vốn vay theo quy định. Tất cả các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm thực hiện ngay tại UBND các xã, giúp các đối tượng chính sách thuận tiện giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch, đi lại. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả bớt gốc vay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để đáp ứng đầy đủ, bảo đảm cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn từ chương trình này. Cùng với đó, ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền; triển khai các hoạt động cho vay và thu hồi nợ, lãi đúng quy định; hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Từ mức cho vay ban đầu chỉ 30 triệu đồng/hộ, từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã tăng mức cho vay đối với chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn lên tối đa 100 triệu đồng/người. Việc nâng mức cho vay đã tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn vay vốn làm ăn, cải thiện đời sống, tạo tiền đề xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng khó khăn. Đến trung tuần tháng 5/2025, toàn huyện có 1.524 hộ đang sử dụng vốn chương trình với dư nợ trên 87,7 tỷ đồng. NHCSXH Thạch Thành đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã và các hội, đoàn thể kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng và được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được tiếp cận vốn vay nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, khẳng định sự đúng đắn, tính nhân văn của chương trình, tạo động lực để các hộ dân thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tiep-suc-cho-ho-san-xuat-kinh-doanh-vung-kho-khan-249350.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm