Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Tiếp sức” cho sản phẩm OCOP vươn tầm quốc tế

Qua gần 06 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Trà Vinh, với định hướng chiến lược đúng đắn, cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ bằng những chính sách thiết thực, sản phẩm OCOP Trà Vinh đã vươn tầm cao mới. Chương trình đã giúp đặc sản địa phương ngày càng nâng cao giá trị và chất lượng, cải thiện đáng kể thu nhập người dân nông thôn. Đến nay, sản phẩm OCOP Trà Vinh không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà đã vươn xa, có mặt tại nhiều thị trường quốc tế khó tính, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.

Việt NamViệt Nam31/03/2025

tiep-suc-cho-san-pham-ocop-vuon-tam-quoc-te.jpg

Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm bên lô hàng mật hoa dừa hữu cơ của Sokfarm chuẩn bị xuất khẩu sang Australia. 

Chinh phục thành công thị trường khó tính

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh FARM (Sokfarm), huyện Tiểu Cần thành lập năm 2019, là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ với mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, Sokfarm cung cấp cho thị trường 06 sản phẩm chính gồm mật hoa dừa tươi, mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa lên men, giấm mật hoa dừa, đường mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa. Tất cả các sản phẩm này đều đạt chuẩn OCOP; trong đó, mật hoa dừa cô đặc và đường mật hoa dừa là sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao), các sản phẩm còn lại đều đạt 4 sao.

Sản phẩm nước tương mật hoa dừa của Sokfarm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng cấp Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Sokfarm cho biết, những ngày đầu khởi nghiệp công ty gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm khá mới mẻ trên thị trường. Cùng với những hạn chế về nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc, công ty còn gặp khó về thị trường tiêu thụ, bởi người tiêu dùng thường khá đắn đo khi chọn mua sản phẩm mới.

May mắn, trong năm 2019, Sokfarm được chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh) do Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại 800 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Sokfarm còn được tiếp cận nhiều chính sách khác như chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ kinh phí mua máy sấy; được ngành chức năng tỉnh Trà Vinh tạo điều kiện tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế… Sau khi được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm của Sokfarm nhanh chóng được người tiêu dùng biết đến và tin dùng.

Theo ông Phạm Đình Ngãi, chương trình OCOP cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh là nguồn trợ lực đưa sản phẩm Sokfarm ngày càng vươn xa, được khách hàng tin tưởng chọn mua để sử dụng hoặc và làm quà biếu. Không chỉ khẳng định uy tín và chất lượng ở thị trường trong nước, sản phẩm Sokfarm đã chinh phục thành công nhiều thị trường quốc tế khó tính.

Cùng với việc có mặt tại hơn 40 tỉnh, thành ở Việt Nam, sản phẩm của Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường 08 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan và Libăng. Năm 2024, công ty đã xuất khẩu hơn  60.000 đơn vị sản phẩm; trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ và Úc; tăng trưởng doanh thu của Công ty đạt 27%.

Ông Phạm Đình Ngãi cho biết thêm, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh đang hỗ trợ Sokfarm hoàn thiện thủ tục hồ sơ thực hiện Dự án xây dựng chuỗi giá trị OCOP. Khi dự án được phê duyệt, ngoài việc nhận sự hỗ trợ xây dựng nhà xưởng 500m2 để mở rộng quy mô sản xuất, Sokfarm còn được ngành chức năng hỗ trợ đánh giá, chứng nhận chất lượng các sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ quốc tế.

Hiện nay, người tiêu dùng quốc tế rất quan tâm đến các sản phẩm tác  động tích cực đến môi trường và sức khỏe, vì vậy sản phẩm hữu cơ luôn là sự lựa chọn ưu tiên, bền vững. Đây là cơ hội Sokfarm khẳng định uy tín, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng và các nhà phân phối quốc tế, mở ra thời cơ gia tăng thị phần và xây dựng thương hiệu Việt uy tín trên trường quốc tế.

“Tiếp sức” sản phẩm OCOP phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, Chương trình OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; là nhiệm vụ trọng tâm địa phương thực hiện thường xuyên, lâu dài. Đây cũng là chương trình đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh,  thúc đẩy Trà Vinh phát triển kinh tế bền vững.

Thời gian qua, cùng với việc bố trí kinh phí hàng năm, tỉnh huy động nhiều nguồn lực, tranh thủ các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm các kênh phân phối…

Đến nay, Chương trình OCOP đã lan tỏa sâu rộng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Sau khi được “gắn mác” OCOP, sản phẩm luôn được khách hàng tin tưởng, ưu tiên chọn mua để sử dụng hoặc làm quà biếu. Nhờ vậy, đặc sản địa phương ngày càng được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, một số sản phẩm OCOP Trà Vinh “tự tin” cạnh tranh thị trường toàn cầu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại của khách hàng trong và ngoài nước.

Tỉnh Trà Vinh hiện có 393 sản phẩm được công nhận đạt OCOP; trong đó, 03 sản phẩm đạt 5 sao; 07 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao; 46 sản phẩm đạt 4 sao và 337 sản phẩm đạt 3 sao, của tổng số 250 chủ thể, gồm: 32 công ty, 07 doanh nghiệp, 35 hợp tác xã, 04 Tổ hợp tác và 172 hộ kinh doanh.

Qua khảo sát của ngành chức năng, sau khi đạt chuẩn, sản lượng và doanh thu hàng năm của sản phẩm OCOP 5 sao tăng từ 30 - 60%; 4 sao tăng từ 20 -52% và 3 sao tăng từ 10 -25%.

Đồng chí Huỳnh Kim Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, chương trình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn; phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Hiện nay, các cơ sở tham gia Chương trình OCOP được tạo điều kiện tiếp cận Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Trà Vinh, như hỗ trợ kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm; thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP; mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất; hỗ trợ thủ tục và  kinh phí cho các chủ thể nâng hạng sao…

Các cơ sở tham gia Chương trình OCOP còn được tham gia các khóa học, tập huấn về Chương trình; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ do bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong cả nước tổ chức.

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện chương trình; hỗ trợ nâng chất sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm; đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Theo đồng chí Huỳnh Kim Nhân, bên cạnh những đầu tư về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực và sự chủ động thương mại, tham gia các chuỗi phân phối…, các chủ thể OCOP cần linh hoạt và sáng tạo hơn trong xây dựng và thiết kế sản phẩm, chú trọng bao bì, cách đóng gói để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THANH HÒA


Nguồn: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tiep-suc-cho-san-pham-ocop-vuon-tam-quoc-te-44591.html


Chủ đề: Trà Vinhocop

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm