Đòn bẩy phát triển kinh tế cho phụ nữ
Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg (30/6/2017) của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến đào tạo kỹ năng, hỗ trợ vốn, kết nối thị trường. Đề án trở thành động lực giúp phụ nữ phát huy thế mạnh, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và từng bước làm chủ kinh tế.
Trong giai đoạn 2017-2025, các cấp Hội Phụ nữ đã hỗ trợ hơn 2.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh, trong đó có nhiều trường hợp là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ ở vùng chuyển đổi đất nông nghiệp. Đặc biệt, đã có 22 tổ hợp tác và HTX do phụ nữ quản lý được thành lập, chủ yếu trong các lĩnh vực như nông sản sạch, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng... 100% mô hình mới đều được hỗ trợ về thủ tục, vốn, kỹ năng quản lý và phát triển sản phẩm.
Cùng với sự hỗ trợ từ các cấp Hội, Quảng Ninh cũng ban hành nhiều chính sách đặc thù như Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 1919/QĐ-UBND về Đề án “Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; các Kế hoạch phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2030… Qua đó đã mở ra cơ hội mới cho nữ doanh nhân, hộ kinh doanh nữ trong quá trình khởi nghiệp.
Đáng ghi nhận, các cấp Hội đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú như “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” hằng năm, các diễn đàn giao lưu, cuộc thi ý tưởng sáng tạo... nhằm khơi dậy khát vọng làm giàu trong hội viên. Đây cũng là dịp để trưng bày sản phẩm, kết nối nguồn lực, tổ chức hội thảo chuyên đề. Nổi bật, Hội LHPN tỉnh đã triển khai phát động Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Qua đó, năm 2023 dự án "Phát triển sản phẩm ruốc cá thủy tinh dành cho bà bầu và trẻ nhỏ" của chị Lê Thị Bích Thảo (chủ hộ kinh doanh cơ sở sản xuất ruốc ngon sạch Thảo Nguyên, phường Cửa Ông) đã đạt giải ba toàn quốc; năm 2024, dự án "Sản xuất ruốc hải sản ăn liền" của chị Đỗ Thị Thùy (Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn) đạt giải ba toàn quốc.
Không chỉ thành công về ý tưởng, nhiều mô hình đã được nhân rộng như sản xuất nông sản sạch, chăn nuôi hữu cơ, phát triển sản phẩm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng, dịch vụ sinh thái… Nhiều cơ sở do phụ nữ làm chủ đã có sản phẩm OCOP được bảo hộ thương hiệu và giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Postmart, Voso…
Hướng tới khởi nghiệp số và phát triển xanh
Những buổi truyền thông, lớp tập huấn và hội thảo chuyên đề được tổ chức rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh đã góp phần truyền cảm hứng mạnh mẽ, giúp nâng cao kiến thức và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ. Công tác truyền thông được đẩy mạnh trên nhiều nền tảng như báo chí và mạng xã hội Zalo, Facebook và Fanpage của Hội, với hơn 478 tin, bài và 9 phóng sự được đăng tải, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.
Nhờ đó, hơn 226.000 hội viên phụ nữ đã được tiếp cận thông tin về khởi nghiệp; gần 1.300 chị em được đào tạo các kỹ năng thiết yếu như lập kế hoạch kinh doanh, tiếp cận vốn, bán hàng trên nền tảng số. Đặc biệt, Hội đã tổ chức 35 lớp tập huấn chuyên sâu về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng online, quản trị tài chính cá nhân và kinh doanh, dành cho hơn 300 nữ chủ doanh nghiệp và hộ sản xuất nhỏ. Qua đó, nhiều chị em không chỉ làm chủ sản xuất mà còn tự tin tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh hiện đại, nâng cao giá trị hàng hóa.
Bên cạnh hỗ trợ kỹ năng, Hội còn hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH, các quỹ tín dụng… Đồng thời, 100% cán bộ Hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở đã được tập huấn về phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trở thành lực lượng nòng cốt giúp hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh ngay từ cơ sở.
Khởi nghiệp không chỉ là phương thức làm giàu, mà còn là hành trình khẳng định quyền năng kinh tế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Qua thực tế triển khai, Đề án 939 tại Quảng Ninh đã giúp hàng nghìn chị em vượt qua tâm lý e ngại, vươn lên làm chủ mô hình sản xuất, trở thành giám đốc HTX, trụ cột kinh tế gia đình. Nhiều người từng là lao động nông nhàn nay đã có thu nhập ổn định, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đặc biệt, Đề án phát huy hiệu quả tại những nhóm phụ nữ yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ đơn thân... Qua đó không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững, mà còn giảm thiểu bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, xây dựng cộng đồng an toàn, đoàn kết và phát triển.
Cùng với đó, các CLB doanh nhân nữ ngày càng phát triển, trở thành nơi gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong kinh doanh. Từ năm 2018 đến nay, các CLB đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như kết nối thương mại, hội thảo chuyên đề, tham quan học tập trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, Hội Nữ doanh nhân tỉnh được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới, khẳng định vai trò ngày càng rõ nét của nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế địa phương.
Từ nền tảng vững chắc đã đạt được. Hội LHPN tỉnh xác định giai đoạn 2026-2035 sẽ tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh theo hướng chuyển đổi số, phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Đối tượng ưu tiên vẫn là phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc, phụ nữ làm nông nghiệp, sản phẩm OCOP và những chị em bước đầu chuyển đổi mô hình kinh doanh sang môi trường số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các hoạt động sẽ tập trung vào đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật số, xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tiếp cận tài chính linh hoạt...
Nguồn: https://baoquangninh.vn/de-an-khoi-nghiep-939-tiep-suc-phu-nu-lam-chu-kinh-te-3364580.html
Bình luận (0)