Ngày 28/3 vừa qua, tại Hà Nội, Cục TDTT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.
Theo đó, Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046 được xây dựng dựa trên việc đánh giá của tất cả các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là những môn thường xuyên được thi đấu trong chương trình của ASIAD và Olympic.
Thời gian tới đây, Cục TDTT Việt Nam sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng các môn thể thao dự kiến được lựa chọn đầu tư trọng điểm
Thông qua phân tích, đánh giá và rà soát, ban soạn thảo chương trình đã đưa ra 17 môn thể thao trọng điểm đều là những môn tiềm năng và có khả năng đạt được Huy chương tại đấu trường Olympic và ASIAD.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được nhiều góp ý đến từ các chuyên gia đầu ngành. Trong đó, không ít ý kiến tập trung vào các phương án nhằm nâng cao hiệu quả sự đầu tư với các môn thể thao, đặc biệt là nhóm môn thể thao trọng điểm.
Theo đánh giá của ban soạn thảo cùng các nhà chuyên môn, các nguồn lực đầu tư như: cơ sở vật chất, con người, tài chính... hiện tại vẫn còn rất giới hạn để trải đều ra 17 môn thể thao như dự kiến.
Trong đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh cho rằng, ngành TDTT cần có sự rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống để xác định đâu là những môn thực sự có khả năng cạnh tranh huy chương ở Olympic và ASIAD. Qua đó, mạnh dạn cắt giảm những môn không có lợi thế và tập trung đầu tư vào những môn có tiềm năng nhất.
Thực tế cho thấy, một số môn từng được coi là trọng điểm nhưng hiện nay không còn khả năng cạnh tranh cao có thể sẽ phải điều chỉnh hoặc loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên. Việc này đòi hỏi một chiến lược dài hơi, dựa trên các tiêu chí khoa học và thực tiễn, thay vì chỉ chạy theo thành tích ngắn hạn.
Trả lời phỏng vấn giới truyền thông sau hội thảo, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Đặng Hà Việt nhận định, hầu hết các ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều rất đúng, trúng, song ở một góc nhìn khác thì các ý kiến cũng khá mâu thuẫn với nhau. Bởi vì đứng đầu thành tích ớ SEA Games là môn Olympic thì điều này vô cùng khó khăn. Ngay từ những môn thể thao được xác định trọng điểm thì cũng có những nội dung trọng điểm.
Lấy ví dụ về một số môn môn Taewondo, Cử tạ, Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết, ở những môn thể thao này, ngành TDTT cũng chỉ tập trung vào những nội dung có hạng kg nhẹ (phù hợp với thể trạng người Việt Nam), những môn này cũng chỉ có khoảng 10 nội dung ở đấu trường Olympic và gần 20 nội dung ở đấu trường ASIAD, nhưng thực tế lực lượng VĐV có khả năng thì cũng chỉ tập trung vào 2 – 3 nội dung có thể tranh chấp Huy chương. Các nội dung khác cũng không đủ nguồn lực để đầu tư dàn trải.
Nhưng ở một số môn thể thao khác như: Điền kinh, Bơi lội thì có thể giải quyết được bài toán nâng số lượng đầu tư trọng điểm hơn... Về cơ bản cũng tùy vào từng môn thể thao để có thể đưa ra những tính toán phù hợp, đầu tư đúng, trúng đạt hiệu quả.
"Cục TDTT Việt Nam sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng, đặc biệt là trong 17 môn thể thao dự kiến được lựa chọn đầu tư trọng điểm sẽ có sự rà soát và đánh giá lại để xác định được trọng tâm, trọng điểm đầu tư đạt được hiệu quả tốt nhất" - Cục trưởng Đặng Hà Việt cho hay./.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/tiep-tuc-ra-soat-lua-chon-nhom-mon-the-thao-dau-tu-trong-diem-huong-toi-asiad-va-olympic-20250331154711378.htm
Bình luận (0)