Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tìm cơ chế bền vững cho cải cách thể chế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang thay đổi, cải cách thể chế không chỉ hướng đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như những giai đoạn trước mà cần tạo những đột phá mạnh mẽ. Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế bền vững sẽ đảm bảo cải cách thể chế hiệu quả, thường xuyên và trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống của các bộ, ngành và đội ngũ công chức.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng14/05/2025

Tìm cơ chế bền vững cho cải cách thể chế
Doanh nghiệp mong tiếp tục đẩy mạnh cải cách cả về tư duy lẫn biện pháp thực thi

"Làn gió mới" của những lần cải cách

Theo ông Phan Đức Hiếu, quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt Nam gắn liền với những cột mốc cải cách thể chế quan trọng. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ năm 1988 và 1990, đánh dấu bước chuyển mình đầu tiên trong tư duy quản lý kinh tế. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến vào năm 1999-2000 khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành, thay đổi căn bản từ cơ chế "xin - cho" sang đăng ký kinh doanh. Những thay đổi này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp từ hàng trăm ngày xuống còn vài chục ngày, đồng thời bãi bỏ 150-160 giấy phép kinh doanh không cần thiết.

Kết quả của cuộc cải cách này thật ấn tượng. Ông Hiếu chia sẻ: "Chỉ sau 5 năm thực thi Luật Doanh nghiệp 2000 (2000-2005), số doanh nghiệp thành lập mới đã tăng gấp nhiều lần so với 10 năm trước đó. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập trong giai đoạn này chiếm tới 80% tổng số doanh nghiệp được thành lập trong cả 15 năm (1990-2005)". Thành công này đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, dù vẫn còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng.

Bước sang giai đoạn 2020, Luật Doanh nghiệp mới tiếp tục mang lại làn gió đổi mới mạnh mẽ hơn. Với triết lý "doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm", cùng việc bãi bỏ 161 giấy phép và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn 15-30 ngày, khí thế kinh doanh đã bùng nổ mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 5 năm (2020-2025), số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng gấp 10 lần so với trước đó, tạo nên lực lượng doanh nghiệp đông đảo như hiện nay.

Từ những kinh nghiệm này, ông Hiếu nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách cả về tư duy lẫn biện pháp thực thi. Những thành công của Luật Doanh nghiệp 2000 và 2020 đã chứng minh rõ ràng rằng, việc giảm bớt rào cản pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính chính là chìa khóa then chốt để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Với những kỳ vọng này, quá trình triển khai Nghị quyết số 68 tới đây nếu được thực thi đúng và đầy đủ, ông Hiếu kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ trở thành cột mốc thứ ba với một sự thay đổi về chất, giúp nâng tầm vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Nếu thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài thủ tục hành chính mà chúng ta vẫn nhìn thấy là các loại phí, lệ phí; chi phí tuân thủ lớn nhưng đôi khi không được nhận diện; chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ, ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Tạo đột phá cải cách mạnh mẽ và bền vững

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ. Cơ hội và dư địa cải cách thể chế vì thế là rất lớn và có 3 việc cần làm ngay. Đó là nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.

Trên tinh thần cần có những cải cách mang tính đột phá, ông Phan Đức Hiếu đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thể chế. Theo đó, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật cho cải cách thể chế, thay vì sửa chữa nên ưu tiên bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không phù hợp; cần có cơ chế bền vững cho cải cách thể chế. Trên thế giới, có 4 hình thái cải cách thể chế thì Việt Nam đã trải qua 3 hình thái là ban hành thể chế tốt; cải cách đơn lẻ; triển khai ở một số ngành, lĩnh vực theo sáng kiến của một hoặc một số cơ quan.

Tuy nhiên, cải cách rất khó khăn nếu chỉ xuất phát (đơn lẻ) từ chính các cơ quan thực thi pháp luật. Vì lý do đó, cần có cơ chế bền vững hướng đến thực hiện hình thái thứ 4 của cải cách thể chế đó là đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào. Dẫn kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, Anh, Mỹ…, ông cho biết các quốc gia này đều thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB). Cơ quan này tại Anh có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng; tại Mỹ gửi lại đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng, kèm theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Trong thời gian tới, Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền. Cơ quan này có các chức năng chính như kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tim-co-che-ben-vung-cho-cai-cach-the-che-164169.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm