Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tìm về lễ hội Nàng Han

Mường So được coi là cái nôi của người Thái trắng (Lai Châu) với nhiều di tích lịch sử, lễ hội truyền thống; trong đó, truyền thuyết về nữ anh hùng Nàng Han có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại bình yên cho bản làng. Hằng năm, vào Rằm tháng Hai, đồng bào nơi đây tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn của nữ anh hùng Nàng Han.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân01/04/2025

Khi những rặng ban trổ mầu tinh khôi cũng là lúc người dân Mường So nô nức trảy hội Nàng Han. Đền Nàng Han tọa lạc tại thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Cùng với thời gian, di tích này trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh, hằng năm thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự hội, chiêm bái, cầu may.

TRUYỀN THUYẾT NỮ TƯỚNG ANH HÙNG

Truyền thuyết kể rằng, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ), thuở nhỏ, nàng đã giỏi kiếm cung, cưỡi ngựa. Năm ấy, giặc phương bắc lộng hành, khắp nhân gian nơi đâu cũng cảnh dân chúng lầm than. Không chịu cảnh đày ải của giặc, Nàng Han đã hóa trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi trai tráng khắp các mường cùng đoàn kết đánh giặc.

Sau khi dẫn quân thắng trận trở về, đến mó nước đầu bản (nay là địa điểm đặt đền thờ Nàng Han), nàng cởi xiêm y tắm gội, rồi một vầng mây ngũ sắc sà xuống đưa nàng bay về trời. Từ đó, người dân lập miếu thờ và vào Rằm tháng Hai hằng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn nàng. Cũng từ đó, ở đây hình thành thêm tục lấy nước về gội đầu rửa mặt để cầu may; người dân truyền tai nhau rằng, nếu dùng nước ở mó nước nơi Nàng Han tắm rửa, con gái thì xinh đẹp nết na, con trai thì tháo vát, cường tráng.

Năm 2007, đền thờ Nàng Han được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Và mới đây, ngày 19/2/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 326/QĐ- BVHTTDL đưa lễ hội Nàng Han xã Mường So, huyện Phong Thổ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Nhân dân Nông Văn Nảo, người nhiều năm chủ trì tại lễ hội Nàng Han cho biết: Lễ hội không chỉ là dịp nhân dân về chiêm bái, mà còn là nơi để du khách được giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống; góp phần xây dựng đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

ĐỔI THAY TRÊN VÙNG ĐẤT NHIỀU DI TÍCH, LỄ HỘI

Tại lễ hội Nàng Han, trong câu chuyện cùng các già làng, được biết, xã Mường So có 1.715 hộ với bảy dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 70%. Mường So là nơi có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nhất tỉnh Lai Châu (đền thờ Nàng Han, hang Thẩm tạo, hang Kháng chiến Nà Củng, đồn Mường So, Di chỉ khảo cổ học hang Nậm Tun).

Thực hiện Nghị quyết 04 của Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Mường So có chín đội văn nghệ được duy trì. Buổi tối, tại nhà văn hóa các thôn bản, những nghệ nhân vẫn miệt mài dạy bảo, uốn nắn từng động tác, lời ca đối với các thế hệ kế cận. Bà Lò Thị Đối, bản Vàng Pheo kể: Hơn một tháng nay, để chuẩn bị cho lễ hội Nàng Han, cứ tối đến, mọi người lại tề tựu về nhà văn hóa bản xem múa, các thành viên đội văn nghệ ai ai cũng say sưa luyện tập để chuẩn bị cho lễ hội Nàng Han.

Bên cạnh không khí lễ hội là câu chuyện về phát triển kinh tế, nhiều phong trào điển hình như “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân xã phát động; phong trào “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” của Đoàn Thanh niên xã. Hiện nay, Mường So đang triển khai trồng rau màu theo chuỗi liên kết; nhiều mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng nông trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Lò Văn Chín ở bản Huổi Én với mô hình rau củ quả, trừ chi phí, mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng/năm; hay gia đình ông Tô Văn Hữu thành công từ mô hình chăn nuôi trâu với tổng đàn trâu có thời điểm lên tới hơn 50 con trâu, thu về gần 200 triệu đồng/ năm cho gia đình. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 5 đến 7%...

Chủ tịch UBND xã Mường So Đặng Xuân Thanh chia sẻ: Mường So đã và đang khai thác tốt những giá trị lịch sử, văn hóa. Đây là lợi thế mở ra nhiều hướng phát triển cho địa phương, trong đó có phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng bền vững.

Nguồn: https://nhandan.vn/tim-ve-le-hoi-nang-han-post869409.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm