Lĩnh vực năng lượng
Trên Báo Người lao động có bài: "Đề xuất thêm chính sách bán điện dư cho điện mái nhà quy mô nhỏ"
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất cần có thêm chính sách khuyến khích về bán điện dư với dự án điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ.
Kiến nghị về phát triển điện mặt trời mái nhà nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung được nêu ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2025 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 31/3.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Trên báo Người lao động có bài: "Xuất khẩu rau quả: Phải tính đường dài"
Nếu không có chiến lược dài hơi nhằm cải thiện chuỗi sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng đòi hỏi của đối tác, xuất khẩu rau, quả sẽ khó đạt mục tiêu.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã sụt giảm liên tục trong 3 tháng đầu năm nay. Ảnh: AN NA |
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tháng 3/2025, xuất khẩu rau quả đạt gần 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ 3 liên tiếp xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,1 tỉ USD - giảm 13,2% so với cùng kỳ.
Trên trang tin điện tử tổng hợp CafeF có bài: "Xem xét đề nghị quản lý nhập khẩu máy đào bitcoin".
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa đề nghị Bộ Tài chính sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phân loại, áp mã HS cụ thể đối với mặt hàng máy đào bitcoin để có cơ sở xem xét, đề xuất các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp.
Lĩnh vực thương mại điện tử
Trên báo An ninh Thủ đô đăng tải thông tin: "Ứng dụng AI vào sản xuất: Doanh nghiệp Việt đã triển khai như thế nào?"
AI (trí tuệ nhân tạo) đã được nhiều ngành sản xuất của Việt Nam ứng dụng trong quy trình và sản phẩm. Đây được coi là động lực đổi mới và phát triển của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển” diễn ra sáng 31/3, ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho hay, việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công.
Ví dụ, trong ngành dệt may, điển hình là Vinatex, AI được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường. Nhờ đó, Vinatex đã giảm 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí.
Trong ngành da giày, AI hỗ trợ thiết kế mẫu mã, phân tích xu hướng thị trường và tự động hóa dây chuyền sản xuất.
Trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh có bài: "Việt Nam nên đánh thuế tiền số ra sao?"
Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT cho biết, nếu áp dụng một cơ chế thuế hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường này.
Một hướng tiếp cận hiệu quả là đánh thuế giao dịch ở mức thấp, tương tự thuế giao dịch chứng khoán. Theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường.
Bên cạnh thuế giao dịch, Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự chứng khoán hoặc bất động sản. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các doanh nghiệp truyền thống.
Một nguồn thu tiềm năng khác cho Chính phủ là phí cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền mã hóa. Nhiều quốc gia đã triển khai mô hình này, chẳng hạn Dubai, nơi các dự án tiền mã hóa phải đóng phí cấp phép.
Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống tương tự, Chính phủ có thể vừa kiểm soát thị trường vừa tạo ra nguồn thu không đến từ thuế.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Trên báo dantoc.vn có bài: "Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi"
Hiện nay, nhiều sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những truyền thống văn hóa, tập quán sản xuất. Điều này làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại. Nhiều sản phẩm đã trở thành thế mạnh của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành với nông dân trong xây dựng thương hiệu nông sản để quảng bá và vươn ra các thị trường lớn hơn.
Trên báo Đại Đoàn kết có bài đăng tải: "Vực dậy sức mua cho chợ truyền thống - Bài 1: Vắng khách và dần 'mất điểm'"
Trái với sự nhộn nhịp, sôi động trước đây, hình ảnh những ngôi chợ truyền thống ế ẩm, vắng khách đang là một thực tế đáng buồn hiện nay. Theo giới chuyên gia kinh tế, nếu không đổi mới, nâng cấp về cơ sở hạ tầng cũng như cập nhật những phương thức kinh doanh hiện đại, các chợ truyền thống sẽ không thể khôi phục lại được sức mua.
Lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Trên báo VnExpress đăng tải thông tin: "Trung Quốc mạnh tay chống phá giá xe điện"
Nhà hành pháp cho biết công ty xe điện cạnh tranh không lành mạnh, đưa thông tin sai lệch và giảm giá vô lý sẽ bị xử lý mạnh tay.
Trung Quốc vừa đưa ra những cam kết tăng giám sát thị trường xe điện trong nước để hạn chế tình trạng phá giá, cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của ngành, khi hiện tại chỉ ba nhà sản xuất xe điện nội địa có lãi.
Zheng Bei, Phó giám đốc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn China EV 100 ở Bắc Kinh vài ngày trước rằng các công ty cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý, nếu việc giảm giá của họ bị coi là bất hợp lý. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng bao gồm việc công bố thông tin sai lệch khiến khách hàng hiểu sai, và các chiến dịch bôi nhọ đối thủ. Ông Zheng không nói rõ về hình thức xử phạt.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe con Trung Quốc (CPCA), phát biểu tại diễn đàn rằng, hiệp hội nâng dự báo doanh số xe điện tại Trung Quốc lên mức 3,5%, tương đương 16,1 triệu xe trong năm nay. Trong đó, mức bán tại thị trường nội địa chiếm hơn 60%.
Thị trường xe điện của Trung Quốc hiện có khoảng 50 công ty lớn, nhỏ, từ nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới BYD, cho đến công ty khởi nghiệp Leapmotor, được hỗ trợ bởi tập đoàn Stellantis. Hầu hết các công ty đang thua lỗ vì cuộc chiến giảm giá trong thời gian dài qua. Theo dữ liệu của ngành, chỉ ba công ty Trung Quốc có lãi là BYD, Li Auto và Aito.
Theo CPCA, năm ngoái đã có 227 mẫu xe điện và xe chạy xăng tại Trung Quốc giảm giá, so với 148 mẫu xe vào năm 2023. Năm 2022, chỉ 95 xe giảm giá. Giá bán trung bình của xe điện thị trường này đã giảm 3.352 USD, xuống còn 31.000 USD vào tháng 12/2024. Khách hàng đổi sang xe điện sẽ được giảm giá 2.755 USD tiền mặt, trong khi mức giảm giá cho xe thông thường là 2.066 USD.
Wang Qing, Phó giám đốc Viện Kinh tế thị trường thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Quốc vụ viện, phát biểu tại diễn đàn rằng, khoản trợ cấp trên có thể thúc đẩy doanh số ôtô tăng từ 500.000 đến 1 triệu chiếc trong năm nay. Ông dự đoán lượng xe điện được giao có thể đạt 17 triệu chiếc vào năm 2025, cao hơn 5,6% so với dự báo của CPCA.
Tuy vậy, ngành xe điện tại đất nước tỷ dân đang phải đối phó với tình trạng dư thừa công suất sau khi Mỹ và châu Âu áp thuế trừng phạt để hạn chế nhập khẩu xe do Trung Quốc sản xuất. Theo Goldman Sachs, các công ty xe điện Trung Quốc có khả năng sản xuất khoảng 20,2 triệu chiếc mỗi năm. Tuy vậy năm ngoái chỉ đạt một nửa mức công suất này.
Trên Tạp chí Kinh tế Sài gòn có bài đăng tải: "Nhãn hiệu chứng nhận: Giải pháp củng cố niềm tin người tiêu dùng".
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp khẳng định chất lượng và nâng cao vị thế thương hiệu. Khi được triển khai đúng cách, NHCN sẽ trở thành lá chắn vững chắc chống hàng kém chất lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Báo Công Thương
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-14-tinh-duong-dai-cho-xuat-khau-rau-qua-380982.html
Bình luận (0)