Lĩnh vực năng lượng
Báo Đại biểu Nhân dân hôm nay ngày 14/5, đăng tải thông tin: "Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử: Đề xuất quy định rõ về cơ quan pháp quy hạt nhân"
Theo Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Chính phủ quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề xuất cần quy định rõ về cơ quan này trong Luật - điều này có thực sự cần thiết?
TS. Đặng Thanh Lương, nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng cho rằng, dự thảo Luật mới nêu trách nhiệm của chủ đầu tư một cách chung chung; chưa xác định vai trò trung tâm của Cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng... chưa được phân công rõ ràng. “Việc thiếu phân định trách nhiệm cụ thể dễ dẫn đến xung đột, buông lỏng quản lý trong quá trình triển khai”, TS. Đặng Thanh Lương lo ngại.
PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết tính độc lập của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia phải được tuân thủ, đặc biệt trong quản lý an toàn dự án điện hạt nhân. Tính độc lập này để tránh việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý an toàn, như đã từng xảy ra trong Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã giao Bộ Công Thương cấp phép vận hành cho nhà máy điện hạt nhân, trong khi nhà máy điện hạt nhân lại thuộc quyền quản lý của chính bộ này.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Báo Nhân dân đưa tin: "Xuất khẩu thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng ổn định"
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2025 duy trì đà tăng ổn định. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Để duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro về thuế, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tối ưu hóa sản xuất, mở rộng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông ...
Trên tạp chí Tài chính doanh nghiệp đăng tin: "Việt Nam có thể thành quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới"
Theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam có khả năng nhập khẩu tới 4 triệu tấn gạo trong năm 2025, qua đó vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ sau Philippines. Cụ thể, báo cáo của USDA cho thấy nguồn cung gạo toàn cầu trong năm 2025 dự kiến tăng thêm 1 triệu tấn, đạt mức 538,7 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự báo sẽ tăng mạnh hơn, thêm 6,1 triệu tấn, nâng tổng nhu cầu lên 538,8 triệu tấn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt tiếp tục kéo dài.
Thương mại gạo toàn cầu tiếp tục gia tăng trong năm 2025 và 2026 với sản lượng trên 60 triệu tấn. Trong số những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, bất ngờ đến từ Việt Nam với lượng nhập có thể đạt tới 4 triệu tấn trong năm 2025 và 4,1 triệu tấn trong năm 2026. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới do diện tích gieo trồng bị thu hẹp và tăng nhu cầu nhập khẩu từ Campuchia. Trong năm 2024, nhập khẩu gạo của Việt Nam ước tính khoảng 3,4 triệu tấn, sau Philippines và Indonesia.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2025. Việt Nam ước xuất khẩu đến 7,9 triệu tấn gạo so với 7 triệu tấn của Thái Lan và Ấn Độ lên tới 24 triệu tấn. Sự vươn lên của hạt gạo Việt Nam nhờ nhu cầu cao từ thị trường truyền thống Philippines và việc quay trở lại của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Lĩnh vực thị trường trong nước
Báo Tin tức đưa tin: "Sầu riêng rớt giá, roi lên ngôi"
Sầu riêng - loại trái cây từng "làm mưa làm gió", đã "lao dốc không phanh" khi đang vào mùa thu hoạch, do xuất khẩu gặp trở ngại. Trong khi đó, quả mận (roi) lại gây "sốt" với mức giá tăng cao bất ngờ. Theo ông Vũ Văn Duy, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản AnDeend, sở dĩ giá sầu riêng giảm mạnh là do Trung Quốc siết kiểm tra chất lượng trái cây nhập khẩu từ đầu năm nay. Nếu trước đây, mỗi lô họ chỉ kiểm tra khoảng 10% thì hiện nay đã nâng lên 100%. Thời gian xét nghiệm kéo dài khiến hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu, nhiều lô hàng đến nơi đã nứt, hỏng do chờ quá lâu. Một số doanh nghiệp từng cố gắng hoàn tất kiểm định nhưng vẫn phải bán lỗ trong nước (thấp hơn 40% so với giá mua vào) vì không thể thông quan.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, trước đây, thủ tục thông quan chỉ mất 1 - 2 ngày, nay kéo dài 5 - 7 ngày. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng trái cây. Doanh nghiệp đang kiến nghị rút ngắn thời gian xét nghiệm còn 3 - 4 ngày, đồng thời đề xuất tăng số trung tâm kiểm định trong nước và đàm phán với Trung Quốc để công nhận kết quả kiểm tra tại Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong khi nông dân trồng sầu riêng lao đao vì giá giảm mạnh thì thị trường lại chứng kiến sự “lên ngôi” ngoạn mục của roi hồng MST và roi xanh đường. Hai loại trái cây nội địa đang "gây sốt" trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Trong khi ngành sầu riêng chật vật tìm đầu ra, thì trái roi nội địa âm thầm vươn lên nhờ kiểm soát chất lượng và cách tiếp cận thị trường linh hoạt kích thích tính tò mò của người tiêu dùng. Câu chuyện trái ngược này một lần nữa cho thấy, nông sản Việt không thiếu tiềm năng, vấn đề là cách ứng xử với thị trường và chuỗi cung ứng có đủ “miễn nhiễm” với rủi ro hay chưa".
Lĩnh vực thương mại điện tử
Báo Hà Nội mới đăng tải thông tin: "Nhờ thương mại điện tử thúc đẩy phát triển hàng Việt"
Thời gian qua, Tiktok Shop đã hợp tác với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai Tuần lễ thương mại điện tử cấp vùng, mang tên “Go online”, ở cả 6 khu vực kinh tế. Chương trình có hoạt động trọng tâm là đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử, gồm: Khung pháp lý, các quy định quản lý thuế; phương án phát triển kinh doanh; các giải pháp quảng cáo số để trang bị cho các doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ tại các địa phương kiến thức, kỹ năng phát triển kinh doanh thương mại điện tử bền vững.
Chia sẻ giải pháp bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: T.H |
Đây là bước đổi mới quan trọng. Nếu như trước đây, việc hỗ trợ chỉ tập trung giúp người học làm quen với kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, thì nay đã cụ thể và đa dạng nội dung, từ chính sách đến hướng dẫn kỹ thuật phục vụ việc bán hàng online. Qua sàn thương mại điện tử, người sản xuất bán hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng với giá phù hợp, điều khó làm được với cách bán hàng truyền thống. Với cách bán hàng truyền thống, chiều cói thường được bán cho thương lái... nên dù sản phẩm có đẹp đến đâu, người sản xuất vẫn không thể bán được với giá trị xứng đáng, trong khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại có giá cao gấp 2-3 lần.
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-145-thuong-mai-dien-tu-tiep-suc-hang-viet-387568.html
Bình luận (0)