Lĩnh vực năng lượng
Trên Tạp chí Doanh nghiệp tiếp thị có bài: "Bộ Công Thương phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc".
Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc về Việt Nam qua lưới điện quốc gia và khung giá phát điện loại hình nhà máy thủy điện tích năng. Theo Quyết định 1231 của Bộ Công Thương phê duyệt khung giá nhập khẩu điện Trung Quốc về Việt Nam, mức giá tối đa của khung giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc thông qua lưới điện quốc gia được quy định tại khoản 3, điều 9 Thông tư 9/2025 của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương ban hành khung giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc cao nhất 9,3 cent/kWh. Ảnh: EVN |
Theo đó, Bộ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện là 9,3 UScent/kWh (tương đương khoảng 2.430 đồng/kWh, theo tỷ giá ngày 8/5). Căn cứ khung giá này, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và bên bán điện đàm phán giá nhập khẩu điện từ Trung Quốc bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm chi phí mua điện.
Báo Vietnam Plus có bài: "Ban hành quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí".
Chính phủ ban hành quy định mới về cơ chế phát triển dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên trong nước và LNG nhập khẩu, hiệu lực từ ngày 8/5/2025. Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.
Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP; có hiệu lực từ ngày 8/5/2025. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tên Điều 15 thành "Cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí".
Đồng thời, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu
Báo Đại biểu nhân dân đăng tải thông tin: "Tổ yến Việt trước cơ hội mở rộng thị trường Trung Quốc".
Ngày 8/5, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư mới về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, thay thế Nghị định thư năm 2022. Đây được coi là bước tiến quan trọng, tạo điều kiện để tổ yến Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Nghị định thư xuất khẩu tổ yến ký ngày 15/4/2025, bao gồm cả tổ yến sạch, tổ yến thô và thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022. Ảnh: Tâm Tâm |
Đến nay, 13 doanh nghiệp Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu tổ yến; hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến đã được xuất khẩu chính ngạch, đạt giá trị hơn 4 triệu USD.
Lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế
Báo Chính phủ đăng tải thông tin: "Nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN: Hoàn thành 98% tiến độ đàm phán".
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Đàm phán và các nhóm kỹ thuật trong quá trình đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN thời gian vừa qua, đồng thời ghi nhận sau 14 phiên đàm phán chính thức, hiện nay, các nước ASEAN đã hoàn thành được gần 98% tiến độ.
Chủ tọa Ủy ban TNC đã báo cáo các Bộ trưởng về các vấn đề còn tồn đọng trong một số lĩnh vực như quy tắc xuất xứ, hàng tân trang, minh bạch hóa, tự do hóa thuế quan hơn nữa, điều khoản hiệu lực của Hiệp định ATIGA nâng cấp… cũng như đưa ra các khuyến nghị nhằm xử lý các vấn đề này.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA và hoan nghênh kết quả làm việc tích cực của Ủy ban TNC và các nhóm kỹ thuật trong thời gian vừa qua.
Lĩnh vực thương mại điện tử
Trang tin www.vcci.com.vn đăng bài: "Dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng được đánh giá cao".
Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hồ sơ dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cần bổ sung chính sách để bảo đảm bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm.
Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) cũng bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết xây dựng chính sách bởi hiện nay, thị trường giao dịch phát triển rất nhanh. Đồng thời, đánh giá cao sự tiếp thu góp ý của Bộ Công Thương, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo gia cố thêm quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền. Bộ Nội vụ đánh giá, hồ sơ Bộ Công Thương làm rất công phu, kỳ công, đủ điều kiện trình Chính phủ.
Nguồn: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-95-phe-duyet-khung-gia-nhap-khau-dien-386837.html
Bình luận (0)