Năm 2025 được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) sau thời gian trầm lắng.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, đây sẽ là giai đoạn thị trường bắt đầu bứt phá, nhờ các chính sách đầu tư công, phát triển hạ tầng và đẩy mạnh nhà ở xã hội.
Chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - BĐS Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) nhận định thị trường BĐS đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, từ khủng hoảng đến phục hồi. Trong đó, 2024 - 2025 là giai đoạn tích lũy và chuẩn bị, với các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn từ năm 2026 nhờ nền kinh tế ổn định, khung pháp lý hoàn thiện và niềm tin thị trường được khôi phục. Việc các luật liên quan BĐS có hiệu lực từ tháng 8-2024 sẽ tiếp tục tạo nền tảng cho sự phát triển minh bạch, ổn định, thúc đẩy tiến độ dự án và tăng nguồn cung nhà ở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, đề xuất Chính phủ sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thực thi nhằm khắc phục bất cập về pháp lý và tháo gỡ khó khăn cho dự án BĐS. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xử lý các dự án vướng mắc pháp lý tại TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa, giúp khai thông nguồn cung.
Theo CBRE Việt Nam, tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cung nhà ở. Trong giai đoạn 2025-2026, nguồn cung căn hộ tại TP HCM dự kiến cải thiện đáng kể, với khoảng 8.000 - 9.000 căn hộ vào năm 2025 và 11.000 căn hộ năm 2026.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc DKRA Group, bày tỏ tin tưởng năm 2025 sẽ đánh dấu sự phục hồi của thị trường, với nguồn cung tăng mạnh nhờ chính sách pháp lý và phát triển hạ tầng. Dự kiến, nguồn cung căn hộ dao động 13.000 - 15.000 căn, tập trung tại TP HCM và tỉnh Bình Dương. Nguồn cung đất nền cũng gia tăng, đạt khoảng 3.000 - 3.500 nền, chủ yếu ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An - những khu vực hưởng lợi từ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và sân bay Long Thành. Trong khi đó, các địa phương Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM vẫn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Ông Võ Hồng Thắng nhấn mạnh tháo gỡ pháp lý là yếu tố quan trọng nhất để thị trường BĐS năm 2025 phát triển bền vững. Việc giải quyết các vấn đề liên quan tiền sử dụng đất cho các dự án tồn đọng là cấp thiết, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và nhà nước cùng có lợi, đồng thời giúp thị trường giao dịch sôi động, lành mạnh. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cũ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kết hợp với việc thực thi nhanh các luật liên quan BĐS để rút ngắn quy trình cấp phép. Khi hệ thống pháp lý thông thoáng hơn, thị trường sẽ sớm ổn định và phát triển lành mạnh.
Dòng vốn tiếp tục là yếu tố then chốt của thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi các dự án có pháp lý rõ ràng, dòng vốn sẽ tự động chảy vào thông qua các kênh thế chấp và mua bán - sáp nhập (M&A). Các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho những dự án chuẩn pháp lý, trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là TP HCM.
Theo Dat Xanh Services - FERI, kịch bản khả quan nhất là nguồn cung mới có thể tăng 30% - 40% năm 2025, lãi suất thả nổi dao động 10% - 12%, giá bán tăng 10% - 15% và tỉ lệ hấp thụ đạt 35% - 40%. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển bền vững của thị trường BĐS trong giai đoạn tới.
Nguồn: https://nld.com.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-nguon-cung-bat-dong-san-19625021721233551.htm
Bình luận (0)