Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tỉnh Quảng Trị xây dựng những làng quê kiểu mẫu

Trên hành trình vươn lên từ gian khó, tỉnh Quảng Trị không chỉ vượt qua những vết thương chiến tranh mà còn vươn mình mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới (NTM). Hơn một thập kỷ sau khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ những xã nghèo vùng cát trắng đến bản làng nơi rẻo cao Trường Sơn, nông thôn Quảng Trị đã thay đổi rõ nét.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân29/04/2025

Và giờ đây, tỉnh đang bước vào một giai đoạn mới – xây dựng những làng quê kiểu mẫu: xanh hơn, sạch hơn, văn minh hơn và phát triển bền vững hơn.

Không để NTM chỉ là đạt chuẩn.

Tính đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có 69/95 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 72,6%. Những con số đó không chỉ phản ánh nỗ lực của chính quyền, mà còn là thành quả của sự đồng lòng từ hàng vạn người dân nơi vùng đất gió Lào cát trắng. Song, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thẳng thắn nhìn nhận: “NTM không nên dừng lại ở việc đạt chuẩn, mà còn phải thực sự mang lại cuộc sống chất lượng cho người dân”. Đó là lý do Quảng Trị chủ động tập trung chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng “khu dân cư NTM kiểu mẫu” và “làng quê kiểu mẫu” ở nhiều địa phương.

Thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng là một trong những nơi tiên phong trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Cách đây hơn chục năm, nơi đây còn là thôn thuần nông nghèo, đường sá lầy lội, đời sống người dân phụ thuộc hoàn toàn vào vài sào ruộng và nghề phụ. Song hôm nay, đến Trà Lộc, du khách bắt gặp ngay hình ảnh thôn quê yên bình, sạch đẹp với những con đường rợp bóng cây, những hàng rào hoa giấy, chuỗi nhà dân khang trang, tươm tất. Nhà văn hóa thôn trở thành “trái tim” của cộng đồng với đủ loại hình sinh hoạt cộng đồng: hội họp, tập văn nghệ, sinh hoạt đoàn thể, học nghề. Chính quyền cấp xã, thôn cũng số hóa hồ sơ hành chính, tổ chức họp trực tuyến, lập nhóm Zalo để phổ biến chính sách, vận động người dân… Nhờ vậy, bộ máy hành chính gọn nhẹ, tương tác với dân kịp thời và minh bạch hơn.

img_0587.jpeg -0
Khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại vườn hoa Chân Trời, thôn Tân Vĩnh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, phải kể đến thôn Thủy Ba Đông, xã Vĩnh Thủy, với 259 hộ dân, sau 3 năm xây dựng NTM kiểu mẫu, thôn đã có nhiều thay đổi tích cực. Người dân đã đóng góp hơn 1/3 trong tổng số hơn 1,5 tỷ đồng huy động được để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng. Đến nay, thôn đã bê tông hóa và nhựa hóa trên 96,4 km đường, 100% các tuyến đường có hệ thống đèn chiếu sáng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 51,6%, và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

Một thôn khác của huyện Vĩnh Linh, là thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, cũng là một minh chứng tiêu biểu. Với sự đồng lòng của người dân, thôn đã hoàn thiện hệ thống đường bê tông, nhựa hóa; các thiết chế văn hóa được xây dựng và tu sửa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao được duy trì thường xuyên. Ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh chia sẻ, để đạt được những kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề, xây dựng đề án, kế hoạch huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của toàn dân. Huyện cũng chú trọng phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, gắn nông nghiệp với dịch vụ thương mại nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Tính đến đầu năm 2025, huyện Vĩnh Linh đã có thêm 13 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số lên 72/149 thôn đạt chuẩn. Các thôn tiêu biểu bao gồm Liêm Công Đông, xã Hiền Thành; Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp; Nam Cường, xã Trung Nam; Thái Lai và Tân Hòa, xã Vĩnh Thái… Những thành tựu này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Linh trong những năm tiếp theo.

Hướng đến miền quê đáng sống.

Chặng đường xây dựng những làng quê kiểu mẫu ở Quảng Trị vẫn còn nhiều việc phải làm: thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, cải thiện môi trường sống, phát triển văn hóa cộng đồng. Nhưng có thể thấy, người dân chính là trung tâm của sự thay đổi. Ở vùng cao Hướng Hóa, nhiều bản làng của đồng bào Vân Kiều – Pa Cô giờ đây cũng rộn rã tiếng nói cười. “Trước đây, cuộc sống khó khăn, ai cũng chỉ nghĩ đến lo cái ăn. Giờ thì nhà có điện, có nước, con được học, phần lớn đường về bản đã bê tông sạch sẽ. Mình có thể trồng cây, nuôi gà, làm du lịch…”, già Hồ Văn Phức, người uy tín ở bản Cheng, xã Hướng Phùng tự hào nói.

Ở xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), các thôn như Tiên Mỹ 2, Lâm Cao từng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhờ sự nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các thôn này đã “lột xác” ngoạn mục: hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người dân ý thức mạnh mẽ về gìn giữ môi trường và cảnh quan nông thôn.

Chiều muộn, nắng vàng rải nhẹ trên những con đường làng sạch sẽ, thẳng tắp ở xã Vĩnh Lâm. Chúng tôi đứng giữa thôn Tiên Mỹ 2, một trong những vùng quê vừa được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, lòng chợt thấy bình yên đến lạ. Còn nhớ chỉ vài năm trước thôi, địa phương này vẫn còn là một xã thuần nông, đường sá nhỏ hẹp, giao thông khó khăn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào hạt lúa, con gà, con lợn. Nhưng giờ đây, từ Tiên Mỹ 2 đến Lâm Cao, Duy Viên …, những ngôi làng đã thực sự thay da đổi thịt.

img_0586.jpeg -0
Vào vụ thu hoạch quýt ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. 

Đi dọc các tuyến đường liên thôn, thứ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi không chỉ là những công trình kiên cố, mà còn là nụ cười của người dân, chân chất, thân thiện, đậm tình làng quê. Họ chào nhau khi gặp mặt, nhường đường cho người đi bộ, sẵn sàng dừng xe giúp nhau dựng lại giỏ rau bị đổ. Những điều giản dị đó, với chúng tôi, mới là cái “kiểu mẫu” sâu xa nhất mà không một bảng tiêu chí nào ghi rõ.

Bác Nguyễn Văn Hiếu, một nông dân ở thôn Tiên Mỹ 2 chậm rãi kể: “Trước kia, mùa mưa bùn ngập lút bàn chân, ban đêm ra đường là phải soi đèn pin. Giờ thì sáng trưng như phố, đường bê tông tới tận ngõ. Không ngờ mình sống đến chừ mà thấy quê hương đổi thay rứa!”. Những đổi thay ấy không tự nhiên mà có. Đó là cả một quá trình đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân. Người góp công, người góp của, người góp ý tưởng. Có thôn, người dân còn tự nguyện hiến cả đất vườn để mở rộng đường làng. Ở Vĩnh Lâm, việc xây dựng NTM không phải là mệnh lệnh hành chính, mà là câu chuyện của lòng tin và sự chung tay!.

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có hàng trăm thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, với hàng chục xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Mỗi miền quê đáng sống không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là kết quả của sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của chính quyền, sự gắn bó của cộng đồng và khát vọng phát triển bền vững.

Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song/tinh-quang-tri-xay-dung-nhung-lang-que-kieu-mau-i766905/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm