Đã rất cao tuổi, cụ Nguyễn Đình Đầu vẫn say mê nghiên cứu nghiêm cẩn và viết - Ảnh: T.T.D.
Quá nhiều di sản để lại so với một người có vóc dáng mảnh khảnh và giọng nói nhỏ nhẹ từ lúc trẻ đến lúc già như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.
Vậy nhưng vẫn là chưa đủ khi nhắc về ông, một trong những nhân vật như là di sản của Sài Gòn - TP.HCM, nơi ông đã sống hai phần ba đời mình.
Do yêu nước - Vì yêu nước
Mỗi khi đi ngang căn nhà quen thuộc nơi góc Nguyễn Du - Thủ Khoa Huân, những người yêu quý bác Đầu lại nhớ câu đùa lúc ông còn sinh thời: "Nhà có bốn cái nhất: quận 1 - Thủ Khoa Huân - nhà số 1 - Nguyễn Đình Đầu".
Căn nhà này ông đã sống từ năm 1959 đến khi tạ thế năm 2024. 65 năm chứng kiến bao nhiêu biến động, thăng trầm, chìm nổi của thành phố.
Trong căn nhà ấy hôm nay vẫn ăm ắp hình ảnh, di sản của ông. Như vẫn còn đây ông cụ mặc bộ pijama, chân đi đôi giày da xanh đậm, mỗi bước đi, tiếng lạch cạch của chiếc khung gậy kim loại, vật "bất ly thân" của ông, vang lên.
Không hề dùng kính mắt mà ông vẫn đọc rõ từng chữ một. Dưới mái tóc bạc phơ là vầng trán cao và nét mặt lạc quan thường trực. Đôi mắt tinh anh, nụ cười nhiều khi hồn nhiên hết cỡ, nhất là những lúc trong câu trò chuyện có chi tiết vui nào đó.
Tầng lầu 1 có cửa kính ngó ra một trong những con đường xanh mát nhất Sài Gòn, đường Huyền Trân Công Chúa, và cũng nhìn được hai phía của đường Nguyễn Du.
Đó là nơi làm việc, có chứa nhiều sách quý, dùng để nghiên cứu, cả những tài liệu ông viết được đóng thành tập, có cái chưa xuất bản.
Tầng lầu 2 là nơi ông sắp đặt hàng ngàn tấm bản đồ quý giá và những món đồ gốm Chu Đậu của một đời sưu tập.
Là một sinh viên Trường Bách khoa Kỹ nghệ ở Hà Nội những năm tuổi 20, Nguyễn Đình Đầu đến với sử học và dấn thân vào lịch sử bằng lòng yêu nước, và chỉ lòng yêu nước.
Từ những năm 1940, mới tuổi 20, Nguyễn Đình Đầu được biết đến với tư cách một là một trong những người đầu tiên sáng lập phong trào Thanh - Lao - Công (Thanh niên Lao động Công giáo) rất nổi tiếng lúc bấy giờ.
Ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ đi mua gạo để cứu đói đồng bào miền Bắc hồi năm 1945. Sau đấy, anh thanh niên Nguyễn Đình Đầu lại hăng hái lao vào đứng lớp xóa mù chữ, truyền tinh thần hân hoan của độc lập vào những chữ cái i tờ.
Trong thời gian theo học tại Đại học Công giáo Paris (năm 195 -1953, chuyên ngành thần học), ông cùng một số trí thức yêu nước như Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Xuân Hãn... vận động kiều bào kiến nghị phản đối việc chia cắt đất nước, bản kiến nghị được đăng trên nhật báo Le Monde. Về nước, họ thành lập tuần báo Thống Nhất với tiêu chí "Phụng sự lý tưởng đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ".
Năm 1954, Nguyễn Đình Đầu cùng các nhà trí thức nói trên lại sang Thụy Sĩ, tổ chức hoạt động ủng hộ phái đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự ký Hiệp định Genève.
Đầu năm 1955, ông làm giáo sư sử địa tại Trường trung học Nguyễn Bá Tòng (Trường Bùi Thị Xuân ngày nay).
Từ những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu sử - địa của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín.
Năm 1975, ông được phó tổng thống Việt Nam cộng hòa phụ trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền cử đến trại Davis để điều đình ngưng chiến.
Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình về sử địa, đặc biệt là các công trình nghiên cứu vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hàng ngàn bài báo đã được xuất bản, đề tài đa dạng từ lịch sử, địa lý cho đến văn hóa, xã hội.
Lượng kiến thức đồ sộ được ông trình bày bằng ngôn ngữ cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu đã được tập hợp in thành bộ sách Tạp ghi Việt sử địa (3 tập), ngồn ngộn tri thức và mang chút bóng dáng hồi ký của một người từng đi qua những thăng trầm của đất nước.
Các tác phẩm lớn khác: Việt Nam quốc hiệu & cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Địa bạ Việt Nam thời nhà Nguyễn… đều là những công trình nghiên cứu đồ sộ sử liệu, có một không hai.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu bản đồ tại triển lãm và giới thiệu sách Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa tại TP.HCM, tháng 6-2014 - Ảnh: T.T.D.
Sau những công trình nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa đã được xuất bản, điều mong mỏi của ông là làm rõ và định danh trở lại "Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam qua bốn thế kỷ 13, 14, 15, 16", như một cách để nhấn mạnh việc thông thương trên biển của người Việt cổ đã có từ rất sớm.
Và gốm sứ, tơ lụa Việt Nam trong quá khứ là những món hàng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông là tác phẩm ông đang hoàn thiện những trang cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời ở tuổi 104. Giới sử học và độc giả rất hy vọng tác phẩm sẽ được công bố một ngày gần đây.
"Lúc nào cũng vậy, được nhìn thấy bác Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư, cũng như trước đây được nhìn thấy thầy Trần Văn Giàu, chúng tôi như được nhìn thấy những tấm gương để mà học hỏi. Tấm gương đời sống sáng trong vô vụ lợi, tấm gương làm việc nhẫn nại đến phút cuối cuộc đời, tấm gương tận tụy với đất nước mình, say mê với lịch sử quê hương mình...
Với những người ấy, "đại thọ" không chỉ là tuổi trời trăm năm mà cuộc đời của họ còn lớn hơn cả khoảng thời gian dài dặc trăm năm ấy", giáo sư sử học Hà Minh Hồng trầm ngâm khi nghe nhắc tên cụ Nguyễn Đình Đầu.
Ông nói thêm: "Không phải người học sử, không chạy theo học hàm học vị, bác Nguyễn Đình Đầu chỉ say mê nghiên cứu và đã chứng minh tình yêu lịch sử mãnh liệt của mình bằng các tác phẩm.
Ông không chọn phương pháp sử luận, sử phán mà lại đi con đường chông gai hơn là sử liệu. Toàn bộ các tác phẩm của ông đều là sử liệu, dùng để phục vụ cho những nhà sử học thế hệ sau nghiên cứu, và những người làm được việc đó trong đời, tôi đếm không hết được một bàn tay".
Sinh thời, ông Nguyễn Đình Đầu từng kể về những bước đường khoa học đầu tiên của ông: sống ở Pháp gần 5 năm, từ 1951 đến 1955, học 3 năm tại Đại học Công giáo Paris, sau đó có quay lại Pháp nhiều lần nữa.
"Tôi lúc đó mới tập sự nghiên cứu, cũng như hàng triệu người tập sự nghiên cứu vậy thôi". Nào ngờ từ một người nghiệp dư, duy trì đam mê và không ngừng học hỏi, người thanh niên đó bắt đầu có được những công trình của riêng mình.
Khi đã thành danh, ông được một số trường đại học danh tiếng của Mỹ, Úc, Nhật mời cộng tác. Ông nhớ lại, lúc ấy ông được phía Nhật tài trợ mỗi năm 5.000 đô la cho việc nghiên cứu, mỗi lần đi lãnh ở ngân hàng, ông đổi được gần cả bao tiền. Cũng nhờ vậy mà ông được tiếp thêm động lực, vì công việc nghiên cứu khá là tốn kém.
Ông hay đi lòng vòng Sài Gòn mua gốm Chu Đậu để phục vụ nghiên cứu, loại gốm này lúc đó còn rẻ rề. Lại ham mê mua những tấm bản đồ, ở khắp nơi, từ trong nước đến ngoại quốc, hễ nghe nói chỗ nào có bản đồ là ông đến ngay. Có khi được bạn bè quốc tế gởi tặng nữa. Không phải ngẫu nhiên mà ông đến với bản đồ và bây giờ sở hữu hàng ngàn tấm quý giá.
Ông thường khởi sự từ đam mê những cái nho nhỏ, rồi dùng đam mê ấy để nghiên cứu, lần hồi, những thứ sưu tầm để phục vụ nghiên cứu lại trở thành bộ sưu tập. Ông không có cái thú săm soi thưởng ngoạn cái đẹp như những nhà sưu tập, mà dùng các món vật như là đối tượng để chứng minh cho các lý luận và giả thuyết của mình.
Ông bồi hồi nhớ lại, hồi đi học ông chỉ chơi những môn nhỏ. Ông thuần thục đá cầu và có thể giữ cho trái cầu không rơi xuống đất trong 15 phút hoặc suốt giờ ra chơi. "Những môn vượt xa thì tôi kém, nhưng môn tại chỗ thì tôi có thể rèn luyện để chơi giỏi".
Phải chăng đó cũng là một tính cách gây ảnh hưởng đến nghề nghiệp và cuộc đời. Sự tập trung là thế mạnh của cậu bé Đình Đầu. Một người vẽ họa đồ, một người thông thạo kỹ thuật cơ khí, dạy chữ quốc ngữ, rồi đến viết báo, dịch sách, nghiên cứu bản đồ và viết nên những công trình nghiên cứu giúp ích cho đời.
Khi được hỏi về lời khuyên cho giới trẻ trong việc học hành và lựa chọn nghề nghiệp, ông chia sẻ: "Chuyện học là quan trọng. Nhưng học như thế nào là việc quan trọng hơn nữa. Học căn bản để có nền tảng rồi dần hiểu được những chuyện lớn hơn một cách khoa học. Đó là cốt lõi để xây dựng những con người giỏi giang, góp phần phát triển đất nước".
Cho đến phút cuối cùng
Có ai ngờ ông già hơn trăm tuổi lại vẫn âm thầm chuẩn bị cho một triển lãm lớn: Triển lãm bản đồ về Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và miền Nam nói chung - việc ông ấp ủ đã lâu.
Ông muốn cho giới trẻ tiếp cận nguồn tài liệu quý giá, để họ thêm yêu môn sử địa, yêu vùng đất có lịch sử rất ấn tượng này.
Ông Nguyễn Đình Đầu (mất năm 2024) - Nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý
Những tấm bản đồ ông đã chọn lựa, chú giải, đã tỉ mẩn tự tay đính băng keo lên tấm bìa cứng. Giá đỡ cũng đã mua về, chờ ngày lên khung. Tác phẩm Con đường gốm sứ Việt Nam trên Biển Đông cũng đã hoàn tất những trang cuối, chờ định ngày xuất bản.
Làm việc đến phút cuối cùng của cuộc đời 104 năm là có thật, luôn sẵn lòng trao truyền và luôn trông đợi ở những người trẻ hơn mình là có thật. Dự định chưa xong thì ông đã ra đi.
Lớp hậu sinh vẫn còn nhớ những đau đáu ông để lại: làm sao để có thêm nhiều người nghiên cứu lịch sử địa phương, làm sao có người tiếp nối sử dụng các tài liệu, bản đồ, sách vở mà ông đã gom góp qua hai thế kỷ này?
Thư phòng vẫn chen chúc, đầy ắp những vật phẩm quá khứ lan ra đến cầu thang và các phòng bên cạnh… chờ người kế tục.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ton-vinh-guong-mat-tieu-bieu-cua-tp-hcm-50-nam-qua-nguyen-dinh-dau-va-cuoc-doi-lon-hon-tram-nam-20250423120339371.htm
Bình luận (0)