Sáng 18/7, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tại Hội nghị lần này, Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn. Đó là Nhóm nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; Nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong thời gian tới; Nhóm nội dung về công tác cán bộ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được triệu tập sớm hơn gần 3 tháng so với kế hoạch đề ra, thể hiện tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm cao của toàn Đảng trong việc chuẩn bị một cách toàn diện, kỹ lưỡng các nội dung trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Bí thư nêu rõ Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chuyển trạng thái từ “Vừa chạy vừa xếp hàng” sang “Hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến” vươn tới tương lai.
Từ Trung ương đến 34 tỉnh, thành phố và 3.321 xã, phường, đặc khu, cả hệ thống chính trị và hệ thống hành chính đều đang vận hành theo hướng đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành khoa học, hạn chế trung gian, xóa bỏ trùng lắp chức năng, gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đây là bước đột phá về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thiết lập một thiết chế quản trị hiện đại, liêm chính, tinh gọn và hướng tới người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Điều đặc biệt đáng trân trọng là các chủ trương lớn, những quyết sách chiến lược mang tính lịch sử nêu trên đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, sự hưởng ứng tích cực và niềm tin sâu sắc của các tầng lớp nhân dân.
Đồng bào cả nước bày tỏ kỳ vọng lớn lao vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, tin tưởng vào tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là nền tảng chính trị-xã hội vững chắc, quý báu để chúng ta tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên mới.
Vì tính chất đặc biệt quan trọng trong các nội dung trình ra Hội nghị, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ các vấn đề cốt lõi, đánh giá khách quan, toàn diện với góc nhìn của người tham gia hoạch định chính sách và chỉ đạo thực thi chính sách về những thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ khóa XIII, từ đó xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học sâu sắc, nhất là về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng; đóng góp ý kiến tổng thể, cụ thể, khoa học về nội dung tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua, nhất là những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho quá trình đổi mới tiếp theo trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư yêu cầu xác định cho được mục tiêu tổng quát và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới: phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nền hành chính phục vụ, quản trị công hiện đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kỷ cương, tiến bộ; đưa ra những định hướng lớn về bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc trong bối cảnh mới; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và thực chất hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại.
Tổng Bí thư nhấn mạnh xác định rõ phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV. Đây là nội dung đặc biệt hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của toàn bộ nhiệm kỳ tới.
Nhân sự phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy đổi mới, đạo đức trong sáng, hành động quyết liệt vì tập thể, vì nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Phải tuân thủ lời Bác dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Tổng Bí thư lưu ý, góp ý cho Dự thảo báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng cần tập trung vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIV, đặc biệt chú ý đến mô hình tổ chức, năng lực cán bộ theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng bên cạnh kiến nghị sửa đổi đồng bộ hệ thống các quy định về công tác cán bộ, quy hoạch, phân cấp quản lý; tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; hệ thống chức danh, chức vụ; đào tạo lý luận chính trị... xây dựng Điều lệ không chỉ là khung pháp lý mà còn là “linh hồn” của kỷ luật đảng, nền tảng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đóng góp ý kiến tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia theo mô hình phát triển mới.
Với sự chuyển đổi về không gian hành chính kinh tế-xã hội, hệ thống luật pháp cũng phải hoàn thiện theo, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, vừa mở đường cho cái mới, bảo vệ cái đúng, xóa bỏ rào cản, tháo gỡ nút thắt thể chế.
Pháp luật phải tạo thuận lợi để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Tổng Bí thư đề nghị cho ý kiến về việc tích hợp nội dung 3 báo cáo: Báo cáo Chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành “Báo cáo Chính trị” mới trình Đại hội XIV.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đóng góp ý kiến cho Trung ương về công tác điều hành, vận hành bộ máy chính quyền hai cấp đang được thực hiện; cần phản ánh thực tế từng địa phương, cơ sở có khó khăn gì, cần Trung ương hỗ trợ gì ngoài nỗ lực của địa phương, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện cho được mục tiêu ổn định, phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân.
Tổng Bí thư nêu rõ để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, yêu cầu đặt ra là từng Ủy viên Trung ương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan và cầu thị; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách.
Mỗi ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa với nội dung văn kiện, mà còn có vai trò trong việc hình thành đường lối chiến lược của Đảng ta từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, 2050.
Tổng Bí thư tin tưởng với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, kỷ luật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; với trí tuệ, ý chí đổi mới và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Hội nghị Trung ương 12 sẽ thành công tốt đẹp, tạo đà vững chắc cho công tác chuẩn bị Đại hội XIV của đảng, đáp ứng kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Theo Vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-xac-dinh-cho-duoc-muc-tieu-tong-quat-va-cac-dot-pha-chien-luoc-trong-nhiem-ky-toi-post1050298.vnp
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tong-bi-thu-xac-dinh-cho-duoc-muc-tieu-tong-quat-va-cac-dot-pha-chien-luoc-trong-nhiem-ky-toi-214921.html
Bình luận (0)