Lý thuyết que diêm
Buổi gặp mặt có sự tham gia của lãnh đạo một số phòng chuyên môn và nhóm sinh viên thực tập tại cơ quan, nhằm điểm lại những kết quả của nhóm sinh viên sau một thời gian học việc tại Báo Công Thương, từ đó gợi mở các định hướng phát triển về nghề báo.
Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Quốc Việt |
Trong không khí cởi mở, các phóng viên tập sự đã chia sẻ những cảm nhận về trải nghiệm thực tập tại một cơ quan báo chí chuyên nghiệp, đồng thời bày tỏ niềm trân trọng và lòng biết ơn đối với sự hướng dẫn tận tình của các phóng viên kỳ cựu tại Báo Công Thương. Các sinh viên cũng không quên bày tỏ mong muốn được tiếp tục gắn bó với nghề báo và khát khao học hỏi, phát triển trong một môi trường chuyên nghiệp, sáng tạo.
Tại tầng 10 trụ sở Báo Công Thương, tiếng nói chuyện râm ran của hơn chục sinh viên thực tập bỗng chững lại khi Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh bước vào. Không cần micro, không cần bàn chủ tọa, ông mở đầu buổi gặp mặt theo cách chẳng giống ai: “Mỗi người trong các em là một que diêm. Vấn đề là: ai sẽ thắp sáng? Và thắp sáng vì điều gì?”
Que diêm – hình ảnh giản dị nhưng đầy ám ảnh – cũng chính là mô hình lý thuyết ông thường dùng để khai mở đối thoại với người trẻ. Ông không “lên lớp”. Ông không giảng giải. Ông trao cho mỗi sinh viên đúng 60 giây tự nói về bản thân, ước mơ và băn khoăn trong nghề viết. Không ai bị đánh giá. Nhưng từng người một đều cảm nhận rõ: nghề báo không chỉ là chuyện của chữ – mà là chuyện của bản lĩnh.
|
Nói với mầm cây về cơn bão
Sau phần chia sẻ, ông lặng lẽ ngồi nghe hai cán bộ cấp phòng – những người trực tiếp hướng dẫn sinh viên – nói thật, nói kỹ về tiềm năng, cá tính và triển vọng của từng em. Không khí khi ấy, như một cuộc “hội chẩn nghề nghiệp”, nơi mỗi mầm cây đều được soi xét dưới lăng kính chuyên môn và tình thương nghề báo.
Rồi ông bắt đầu chia sẻ. Giọng trầm lại, ánh mắt nặng suy tư.“Nghề báo đang đứng giữa những cú siết chưa từng có trong lịch sử hiện đại.”
Ông nhắc đến cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nơi hàng loạt tòa soạn bị sáp nhập, giải thể, nơi hàng vạn nhà báo rời nghề trong lặng lẽ. Một thế hệ viết báo đã ra đi. Và nếu không đổi mới, không chuyển mình – sẽ còn nhiều người nữa bị bỏ lại phía sau.
Nhưng rồi ông nhìn thẳng vào các sinh viên, ánh mắt ánh lên sự tin tưởng:
“Với Báo Công Thương, chúng tôi không chọn cách co cụm. Chúng tôi tinh gọn bộ máy – nhưng phải bổ sung sinh lực trẻ. Chúng tôi đồng hành với lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm về ‘Bình dân học vụ số’, về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách mạnh mẽ – nhưng có định hướng, có bản lĩnh.”
Ông không giấu kỳ vọng: thế hệ sinh viên hôm nay sẽ là lực lượng tiên phong trong cuộc chuyển đổi số, là tác giả của những mô hình làm báo mới, sáng tạo hơn, gần gũi hơn, thông minh hơn. Nhưng muốn vậy, không thể đến với nghề báo bằng tâm thế “dạo chơi”.
“Nghề báo là một ngày đầy sáng tạo – nhưng cũng đầy nhọc nhằn.” – ông căn dặn –
“Phóng viên không thể làm báo bằng thói quen. Mỗi bài viết là một lời cam kết với sự thật và lương tri. Không được phép hời hợt. Không được phép cẩu thả.”
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh rằng, đối với những phóng viên trẻ đam mê và quyết tâm theo đuổi nghề báo, điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu rõ ràng và cụ thể: Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành công việc hàng ngày, mà phải luôn hướng tới việc trở thành một nhà báo có tên tuổi. Ông khuyến khích các phóng viên trẻ hãy đặt ra những tham vọng lớn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và rèn luyện bản thân để tạo dấu ấn riêng trong ngành báo chí.
Tổng Biên tập Báo Công Thương nhận định: “Nghề báo là một trong những nghề yêu cầu sự sáng tạo và tự học, tự làm cao nhất”. Vì thế, ông mong các thế hệ phóng viên trẻ phải luôn nỗ lực học tập, đổi mới, không để bản thân tụt hậu giữa thời đại công nghệ số.
Ngay chính bản thân Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cũng không ngừng học hỏi và trau dồi nghề, đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu đưa Báo Công Thương phát triển.
|
Ngoài ra, ông nhận định: Để các phóng viên, nhà báo ngày nay làm nghề hiệu quả, họ bắt buộc phải làm quen và thuần thục việc sử dụng AI và các công cụ số trong thời đại chuyển đổi số. AI hiện tại chính là chìa khóa quan trọng và quyết định giúp báo chí tiếp tục phát triển giữa muôn vàn khó khăn.
Ông cho rằng, thế hệ phóng viên trẻ phải là thế hệ phóng viên đa năng, học nghề và làm nghề liên tục. Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh kỳ vọng, các phóng viên trẻ sẽ là nhân tố tạo nên sự đột phá cho công cuộc đổi mới và phát triển của Báo Công Thương.
Tổng Biên tập chỉ đạo, lãnh đạo các phòng tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn và tạo điều kiện để nhóm sinh viên thực tập có những sản phẩm báo chí chất lượng phục vụ độc giả.
Công nghệ không thay thế được trái tim
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền báo chí nước nhà, việc tuyển dụng nguồn nhân lực mới hiện là bài toán khó đối với những người đứng đầu. Nhưng, để tiếp tục đưa Báo Công Thương phát triển cao hơn nữa, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cho rằng, Báo Công Thương vẫn phải có sự bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực mới.
Rồi ông dừng lại, mắt quét khắp căn phòng, như thể muốn khắc từng lời vào trí nhớ của những người trẻ:
“Trí tuệ nhân tạo có thể viết thay các em. Nhưng bản lĩnh, lương tâm và trách nhiệm – thì không công nghệ nào thay được.
Nếu muốn trở thành nhà báo thật sự, các em phải viết bằng cả tâm lực, trí lực, bằng ngòi bút của mình, bằng trái tim của mình.
Như một danh nhân đã nói: ‘Hãy đập vào trái tim anh – thiên tài là ở đó!’”
Không ai vỗ tay. Nhưng có những ánh mắt đã rưng rưng. Có những “que diêm” bắt đầu bén lửa.
Cuối buổi trao đổi, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh đưa ra những định hướng trong thời gian tiếp theo dành cho nhóm sinh viên thực tập. Ông bày tỏ sự cổ vũ và gửi lời nhắn nhủ “cánh cửa Báo Công Thương luôn rộng mở chào đón những nhân tố trẻ, nhiệt huyết và yêu nghề báo”. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-bien-tap-nguyen-van-minh-que-diem-va-ngon-lua-tren-tay-sinh-vien-bao-chi-380497.html
Bình luận (0)